
Viết là kỹ năng có thể học được. Chúng ta xếp các ký tự với nhau thành chữ, đặt chữ thành câu và dùng câu để diễn đạt ý. Chúng ta viết mỗi ngày. Viết tên mình. Viết tin nhắn, viết email, viết văn bản, viết bình luận. Viết có lẽ là điều rất bình thường. Nhưng viết cũng đầy mê đắm.
Viết là phản kháng lại sự thơ dại, cái thơ dại cho phép chúng ta tồn tại mà không đặt câu hỏi nào về chính mình.
Hệ thống biểu tượng đầu tiên của con người xuất hiện vào 7000 năm trước công nguyên đã giúp giống người tồn tại lâu hơn những kiếp người riêng lẻ. Bằng cách để lại những biểu tượng, ngôn ngữ và chữ viết, chúng ta tạo nên lịch sử cho mình. Lịch sử của những câu chuyện và kinh nghiệm, của văn hoá và tín ngưỡng, của các công trình vĩ đại, những triều đại hưng thịnh và suy tàn, những phát minh và cách mạng. Một lịch sử ghi nhận trong nó số phận của trăm tỷ kiếp người.
Chúng ta luôn sợ hãi hư vô, sợ chết đi như chưa từng tồn tại. Nhưng, ta biết rằng mình là một phần của lịch sử đó – nếu cuộc đời ta được một lần kể lại. Chữ viết giúp ta vượt qua nỗi sợ bị tiêu biến trước hư vô.
Ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống, nhưng không ai có thể sống chỉ riêng đời mình. Chúng ta còn sống dựa trên những gì được để lại từ muôn vàn lớp người đi trước, và chúng ta sẽ cần để lại điều gì đó cho muôn vàn lớp người đi sau. Bằng cách viết.
Đó là quyền năng của viết, là sự mê đắm khiến ai trong chúng ta cũng muốn một lần được viết ra điều gì đó.
Viết để làm gì?
Để làm mọi thứ. Một người viết tốt – nghĩa là có thể sử dụng ngôn ngữ viết để đạt mọi mục đích mình muốn: giao tiếp và thuyết phục, bày tỏ suy nghĩ, kiếm sống, sáng tác… Về một góc độ nào đó, viết cũng giống như cây kiếm. Bạn có thể làm chủ nó bằng cách học kỹ năng sử dụng kiếm, và biết mình muốn dùng kiếm để làm gì.
Viết, có thể được ứng dụng trong những lĩnh vực như
Viết để hiểu mình:
- Khám phá cảm xúc và nguyên nhân của cảm xúc đó
- Nhìn nhận lại những sự kiện, biến cố đã xảy ra trong đời và bài học từ nó
- Nhật ký cá nhân
- Sơ đồ tư duy, phát triển ý tưởng
- Kể lại câu chuyện của chính mình
- Những ẩn ức chưa nhận diện rõ ràng, chưa thể giải bày
Viết được xem là một phương pháp trị liệu tâm lý. Khi một biến cố xảy ra, chúng ta bị sốc vì chưa nhận thức và chấp nhận được sự thật. Viết là cách để não lý giải cho chúng ta hiểu, từ đó giúp ta đối diện vấn đề.
Viết để học
Đọc, xem, nghe giảng là cách tiếp thu kiến thức một chiều. Viết là cách tái tiêu thụ để biết chắc là mình “còn chút gì đọng lại”. Hãy thử làm điều này: khi đọc xong một quyển sách, bạn tóm lại sách bằng 5 gạch đầu dòng. Tuần sau, nhìn lại những gì mình ghi chắc chắn bạn sẽ nhớ được về quyển sách nhiều hơn là chỉ đọc rồi để đó. Viết để học tập gồm những lĩnh vực như:
- Ghi chép, tóm tắt thông tin tài liệu
- Nghiên cứu theo chủ đề
- Soạn thảo dưới dạng bài chia sẻ, thuyết trình trước lớp
- Những cảm nhận, đánh giá, đúc kết cá nhân
- Ý kiến phản biện
Ai cũng chỉ có thời gian hữu hạn để học, nhưng có người giỏi lên rất nhanh. Đó là nhờ họ biết ghi chép và chọn lọc lấy những thứ quan trọng cần nhớ.
Viết để giao tiếp
Bạn có khi nào đọc một bình luận của ai đó mà thấy bất bình, dù biết người viết không xấu tính? Hay nhận một email mà bạn không hiểu người gởi muốn viết gì, vì họ diễn đạt khó hiểu quá? Viết trong giao tiếp là để… giao tiếp tốt hơn, đơn giản vậy, nhưng cũng phải học viết mới làm được. Những lĩnh vực cần phải viết như:
- Công việc: Email, thông báo, tóm tắt một sự kiện, làm bài thuyết trình, báo cáo, soạn bài phát biểu trước đám đông…
- Tình cảm: Trò chuyện qua tin nhắn (làm sao để không bị chê là nhạt khi tán tỉnh, chứ người ta “seen” xong rồi thôi thì buồn biết bao), viết email thư từ hỏi thăm, viết thiệp chúc mừng…
- Giao tiếp xã hội: Trình bày quan điểm cá nhân sao cho thuyết phục, kêu gọi ủng hộ một hoạt động sự kiện nào đó, thậm chí viết bài “bốc phốt” cũng phải viết sao cho thuyết phục có tình có lý. Cuộc tình dù đúng dù sai, người bị bỉ bai là người viết dở.
Viết để kiếm sống
Với các hoạt động khác, viết là công cụ bổ trợ. Còn viết để kiếm sống là công việc của những người viết chuyên nghiệp, có thu nhập chính đến từ nghề viết, có nền tảng kiến thức về nghề. Nói tóm lại là viết đủ tốt để được trả tiền đủ sống. Họ có thể làm những công việc như:
Người làm việc trong lĩnh vực quảng cáo:
- Làm content marketing (nội dung tiếp thị): trong một chiến lược nội dung bao quát và đa kênh, người viết sẽ cần triển khai ý tưởng và nội dung trên mặt trận social (Facebook, Instagram, Twitter, Linkedin, TikTok…); xây dựng nội dung trên website, landing page; nội dung dạng video; nội dung cho hệ thống CRM (SMS, chatbot, Email marketing); làm webinar; phát hành ebook v.v…
- Người làm content có thể làm cho agency hoặc tổ chức/doanh nghiệp. Ở vai trò sản xuất nội dung cho doanh nghiệp, ngoài làm nội dung trên các kênh mà tổ chức sở hữu, bạn còn tham gia vào việc: xây dựng câu chuyện truyền thông; xây dựng kế hoạch PR (và triển khai); truyền thông nội bộ; làm tài liệu đào tạo; làm nội dung giới thiệu cho các sản phẩm v.v… Một nhánh phát triển khác của “viết” khi làm việc ở phía doanh nghiệp, đó là tạo nên những sản phẩm là nội dung như sách/ chương trình giáo dục, ứng dụng.
- Làm “advertising/quảng cáo”: Tạm chia “làm quảng cáo” tách ra khỏi “làm nội dung tiếp thị” vì hai hướng phát triển có những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và hoạt động cụ thể mỗi ngày khác nhau. Người làm quảng cáo (copywriter – phát triển thành creative director (giám đốc sáng tạo) có nền tảng là copywriter) sẽ cần hiểu về chiến lược sáng tạo, chú trọng nhiều vào xây dựng concept (chủ đề) – big idea (ý tưởng lớn), viết slogan/tagline, kịch bản TVC, print ads…
Trong một agency, thông thường bộ phận quảng cáo sẽ đi trước, xây dựng big idea rồi chuyển xuống cho các bạn làm content triển khai đi đa kênh, hoặc chuyển giao cho các bạn content freelance (làm tự do – ấm no tự biết) bên ngoài. Nhưng với quy mô nhỏ, thường thì đội sáng tạo trong nhà sẽ kiêm nhiệm toàn bộ. Nghĩa là làm từ big idea đến việc viết từng nội dung facebook đều vào tay một người.
Học khoá Content để làm người viết quảng cáo
Những “người kể chuyện”
- Content creator: Họ có thể là những blogger về du lịch, làm đẹp, quan điểm sống, review sản phẩm… Hay những người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng (không nhất thiết phải tham gia giới giải trí). Hay xây dựng những fanpage hài hước, thú vị, có quan điểm riêng. Tóm lại – là làm nội dung hấp dẫn để thu hút người xem và từ đó có được tiền từ tài trợ nhãn hàng hay người ủng hộ. Tài sản của họ là nội dung & lượng người theo dõi.
- Lĩnh vực xuất bản: viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, chính luận xã hội, dịch sách…
- Lĩnh vực sân khấu/điện ảnh/ truyền hình: viết kịch bản phim truyền hình, điện ảnh, sân khấu, TV show, kịch bản phát thanh…
- Lĩnh vực truyền thông: viết bài báo chí, xây dựng các chuyên đề nội dung trên báo, đài, truyền hình…
Bạn cũng có thể trở thành người viết tự do, nói nôm na là “ai kêu gì viết đó”, khi tích lũy đủ kinh nghiệm ở một hay nhiều lĩnh vực kể trên.
Quay lại câu hỏi “viết để làm gì”, tôi nghĩ viết cũng như… tiếng Anh, là công cụ để đạt mục đích. Chúng ta đầu tư rất nhiều vào học tiếng Anh, bởi hiểu được sự quan trọng của nó và bởi vì nhiều công việc đòi hỏi bằng cấp tiếng Anh. Tôi nghĩ, chỉ cần nghiêm túc với viết bằng 1/2 sự nghiêm túc với tiếng Anh, chúng ta cũng được hưởng rất nhiều lợi ích rồi.
Ít nhất thì, ta sẽ bớt nhạt nhẽo khi nhắn tin tán tỉnh ai đó…
Leave a Reply