
Tổ đãi những ai không dấu dốt, biết tìm hình mẫu để bắt chước, cam kết với việc mình làm và thái độ tốt.
Dốt không phải giấu
Hồi đó, tôi có chia sẻ với vài bạn một bộ sách “for Dummies” – sách gồm các chủ đề đa dạng, từ chuyện marketing, content marketing, quản lý mạng xã hội, đến cả chuyện detox. Điểm chung là nó viết cho người mới bắt đầu, chưa biết gì, với những kiến thức cơ bản dễ hiểu. For dummies hiểm nôm na là cho người “ngốc nghếch”. Thế rồi có bạn nói với tôi là họ không thích quyển sách này vì sách “cho người ngốc” nghe hơi xúc phạm. Thật kỳ lạ, nếu mình ngốc thật – thì chuyện người ta nói mình ngốc có gì mà xúc phạm. Còn nếu mình không ngốc, thì việc gì phải tổn thương vì nhận định sai sự thật kia. Vì dù bạn có ngốc nghếch, ngu ngơ đến đâu đi nữa – đó vẫn không phải là trạng thái cố hữu. Bạn sẽ giỏi hơn, nếu chịu nhìn nhận thông tin thực về bản thân và tìm cách cải thiện nó.
Khi bắt đầu một lĩnh vực mới, điều dĩ nhiên là chúng ta không có thông tin, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm. Nhưng thông tin và kiến thức có thể có được bằng cách tự học. Hãy đọc sách, dùng google để tìm kiếm, học các khoá học online… Bạn sẽ có một hiểu biết nhất định. Kỹ năng, kinh nghiệm cụ thể trong lĩnh vực mới là điều chưa có, nhưng bạn ít nhiều có thể vận dụng những điều mình biết trong quá khứ, để tiếp cận cái mới nhanh hơn.
Luôn có những kiến thức và kỹ năng mềm mà đi đâu cũng hữu dụng. Nếu tìm kiếm những năng lực được đánh giá cao nhất, những kỹ năng cần thiết nhất cho tương lai, bạn sẽ thấy nhiều điểm chung. Ví dụ, một người giao tiếp giỏi và có trí tuệ cảm xúc cao sẽ luôn được chào đón trong bất cứ môi trường nào. Khả năng quản lý dự án, biết đặt mục tiêu, biết triển khai mục tiêu thành các hành động nhỏ sẽ giúp bạn hoàn thành bất cứ nhiệm vụ gì. Biết trình bày, biết diễn đạt bằng ngôn ngữ nói và viết hoặc thể hiện bằng hình vẽ, video… tốt sẽ giúp mọi người “mua ý tưởng” của bạn dễ dàng. Nền tảng cũ càng vững thì càng dễ bắt nhịp với cái mới.
Bạn cũng có thể nhờ những người làm việc lâu năm trong nghề tư vấn và giúp đỡ lúc mới bắt đầu. Nhưng vì họ rất bận, nên đừng đặt những câu hỏi lười biếng. Hãy tìm kiếm, tư duy, và biết mình muốn nhận được những gì rồi hãy hỏi. Câu hỏi dở thì câu trả lời kém chất lượng, câu hỏi thông minh thì câu trả lời đắt giá, vậy thôi. Ví dụ,
- Bạn hỏi: Em nên bắt đầu từ đâu. Đây là một câu hỏi mông lung. Người ta sẽ trả lời “em nên bắt đầu bằng cách tìm hiểu”
- Bạn hỏi: Em muốn chuyển từ bán hàng sang marketing, em nên học khoá học nào, đọc sách nào để nâng cao trình độ? Bạn sẽ có câu trả lời chi tiết hơn.
Tìm mẫu
Tức là tìm những hình mẫu mà mình có thể nhìn theo, bắt chước hoặc lấy cảm hứng. Bạn có thể hâm mộ “mẫu” của mình hoặc không, nhưng việc quan sát mẫu có thể mang đến rất nhiều thông tin quý giá. Ví dụ, trong công ty bạn có một người cấp trên mà dù việc nhiều đến đâu, anh ấy cũng không bị căng thẳng. Người đó còn biết cách tạo cảm hứng cho đồng đội, khiến họ dù phải ở lại làm thêm việc cũng không than thở ỉ ôi. Hãy học tập cách anh ấy dễ dắt mọi người. Hoặc, có một đồng nghiệp làm việc rất hiệu quả, dù hiếm khi ở lại sau 7h tối. Nếu bạn chỉ nghĩ “vì cô ấy thông minh”, thì đâu còn gì để nói. Hãy xem cách cô ấy làm việc xem có thể áp dụng được gì không. Một loại mẫu khác, đó là “mẫu xấu” – những hình mẫu mà bạn không bao giờ muốn mình trở thành. Thường, mọi người ghét ai thì chỉ quan sát điểm khó ưa của họ rồi chê bai, nói xấu. Nhưng, đó cũng chính là những chỉ dẫn giúp bạn tránh những sai lầm. Không làm như người mình ghét, thì sẽ không trở thành người bình ghét.
Cố gắng có cam kết
Không ai tập nhảy 20 giờ mà thành vũ công. Không ai tập vẽ 3 tháng mà thành nghệ sĩ. Và cũng chẳng ai đi làm 1 năm bỗng trở thành CEO (trừ khi bạn là con chủ tịch). Thế mà, chúng ta thường rơi vào 2 trạng thái này:
1/ Nhìn lên quá cao, tham vọng quá vội, mới bước vào một lĩnh vực mới đã tự so sánh mình với các vĩ nhân, luôn nghĩ rằng mình thông minh giỏi giang hơn người, chỉ thích làm việc lớn mà không chịu học từ cái nhỏ, tính cạnh tranh cao nhưng khả năng hợp tác thì lại thấp.
2/ Cố gắng quá ít, quá tự ti, dễ ngừng ngang, thấy nản là bỏ, nghĩ rằng mình không có khiếu, mình vốn dở hơn người khác nên chẳng cần nỗ lực nữa.
Kỳ vọng quá cao hay quá thấp với bản thân mình đều dễ dẫn tới thất vọng. Đổi lại, chúng ta hãy biết kỳ vọng cao, nhưng có lộ trình thực tế, và bám sát lộ trình đó tới khi ta đạt được cái mình kỳ vọng. Mọi cố gắng chỉ có kết quả khi nó đủ nhiều, đủ tới điểm chuyển hoá. Còn nếu làm gì cũng được vài ngày là bỏ ngang, rồi lại nghĩ mình vốn không có phẩm chất thì mãi mãi chẳng làm gì ra hồn.
Hãy xem chuyện mình phát triển trong một lĩnh vực mới cũng như… tập thể dục. Mỗi ngày 1 giờ đều đặn, hết sức tập trung thì cũng phải vài tháng sau mới thấy giảm cân, lên cơ. Còn nếu cả tháng bạn mới bước vào phòng tập, rồi lại tập bù cả ngày trong đó thì kết quả duy nhất chính là qua hôm sau phải nằm liệt giường.
Giờ, bạn tự đưa ra cam kết cho mình đi. Bạn hãy đặt mục tiêu cho mình, chia nhỏ nó ra thành những mục tiêu đo lường được, rồi lên kế hoạch rèn luyện. Bạn sẽ dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày để bồi đắp chuyên môn cho mình? Bạn sẽ duy trì điều đó ít nhất bao nhiêu lâu?
Nếu bạn muốn bỏ cuộc, hãy tự hỏi bản thân: Mình đã cố gắng đủ chưa.
Thái độ
Khiêm tốn
Người giỏi thường khiêm tốn vì rất nhiều lý do. Một là, họ đủ giỏi để không phải phồng mang trợn má lên chứng tỏ ta đây giỏi nữa. Họ biết mình là ai nên không còn bị ảnh hưởng bởi những khen chê bàn tán. Hai là vì giỏi nên họ biết giới hạn của bản thân, biết núi này cao còn có núi cao hơn. Ba là họ biết, người dở hơn họ cũng có cái hay để học. Chúng ta sẽ phải cố gắng rất nhiều để trở thành người giỏi nhưng học khiêm tốn của người giỏi thì không mất quá nhiều thời gian đâu. Chỉ cần khi ai đó phê bình mình, mình lắng nghe và ghi nhận trước khi phản kháng. Khi ai đó nói lên ý kiến của họ, mình lắng nghe học hỏi trước khi phủi đi.
Trung thực
Tôi biết không phải lời nói dối nào cũng đen tối, nhưng vẫn tin rằng trung thực sẽ giúp chúng ta sống và làm việc nhẹ nhàng, hiệu quả hơn. Nhìn chung, dù là người mới hay người cũ thì khi làm việc cùng nhau, nên dành nhiều thời gian nhất cho kết quả thay vì tìm cách nói dối, lấp liếm, tránh né vấn đề. Nhưng với người mới, khi bạn chưa có nhiều năng lực để thể hiện, thì việc người ta có chọn làm cùng bạn hay không sẽ dựa trên chuyện họ tin bạn đến đâu. Khi có thái độ trung thực, bạn sẽ toả ra một nguồn năng lượng đáng tin cậy, khiến người khác không phải đề phòng, giữ kẽ với bạn. Họ sẽ chọn bạn làm đồng đội, nhờ vậy mà bạn có cơ hội để học hỏi phát triển.
Cởi mở
Nếu Alice vẫn khăng khăng rằng mèo thì không thể nói chuyện, cô sẽ phát điên trong thế giới diệu kỳ. Bước vào một môi trường mới, nếu vẫn giữ những định kiến cũ trong đầu thì bạn sẽ không thể hấp thụ được cái mới đang diễn ra. Thái độ cởi mở chính là lợi thế. Không tự giới hạn sự tiếp thu, bạn sẽ học nhanh hơn, thoải mái hơn. Bạn sẽ không tự che mắt mình khỏi những sự thật mới. Và người khác sẽ dễ giao tiếp và giúp đỡ bạn phát triển hơn. Không gì cực hơn phải “bổ não” cho người cứ khăng khăng suy nghĩ trước đây của họ là đúng hay cứ thích làm theo cái cũ, dù nó không hiệu quả nữa. Cuối cùng, có cởi mở thì mới có tò mò. Vì biết rằng thế giới ngoài kia đầy cái mới, ta mới sẵn sàng tưởng tượng, dấn thân. Nếu bạn đóng trí não mình lại với những gì đã biết, bạn sẽ bỏ lỡ mất niềm vui khám phá.
Nhiệt tình
Đơn giản thôi, người nhiệt tình thì được giao nhiều việc, chỉ nhiều thứ hơn những bạn lúc nào cũng có vẻ mệt mệt, bận bận, căng căng. Mà như vậy, nhiệt tình không chỉ là tính cách riêng – nó còn có trong đó một thái độ chuyên nghiệp nhất định. Muốn nhiệt tình, phải giữ cho sức khoẻ tinh thần và thể chất của mình ở mức ổn. Bạn cũng cần quản lý được công việc để không bị quá tải và giữ đúng cam kết với những gì mình đã nhận lời làm nữa. Đừng hiểu lầm nhiệt tình là xởi lởi, ai nói gì cũng gật, cũng tán thành nhé!
Trân trọng
Trân trọng người quý mình, giúp mình thì dễ. Nhưng trân trọng người la rầy trách mắng mình, người hay phản biện tranh cãi với mình, người không dễ dàng có cảm tình với mình thì mới khó. Nhưng bạn vẫn cần trân trọng họ, vì bạn sẽ học được nhiều thứ từ những người khó khăn với mình. Ai đó đòi hỏi cao ở bạn, nghĩ là bạn sẽ tìm cách nâng cao những gì mình làm. Ai đó khó ưa, sẽ giúp bạn học được cách đối nhân xử thế với đa dạng kiểu người hơn. Người cãi nhau với bạn sẽ giúp bạn tự suy nghĩ lại những gì mình nói, mài bén nó, và đưa ra lập luận tốt hơn. Nếu bạn gặp được khắc tinh đời mình, hãy cảm ơn người đó, vì có thể đó là kiếp nạn mà Phật tổ gởi xuống để thử thách bạn trên đường thỉnh kinh.
Tôi rất ngại đưa ra những lời khuyên chung chung kiểu “selfhelp” thế này cho mọi người vì luôn cảm thấy nói ra thì dễ hơn làm, hơn nữa, kinh nghiệm của người này chưa chắc đúng với người khác. Nhưng nếu không chia sẻ những gì mình biết, tôi sẽ lỡ mất một cơ hội để giúp đỡ bạn. Tôi chỉ có một tham vọng nhỏ, là giúp các bạn tiết kiệm được chút ít thời gian của bản thân, và có thêm thông tin cho bức tranh lớn là các bạn đang khám phá. Thôi thì, bạn hãy cứ lắng nghe những gì tôi nói nhé. Rồi dùng óc phản biện để chọn lọc cái gì là đúng với mình, cái gì có thể ứng dụng ngay vào lúc này. Nếu bạn thấy hữu ích, thì cảm ơn bạn đã cho tôi cơ hội để giúp đỡ.
Leave a Reply