
Khi chúng ta bị bệnh, chẳng hạn như sốt siêu vi, chúng ta có thể biết rằng các triệu chứng sẽ diễn ra trong khoảng 7 ngày. Sẽ bị sốt, bị đau, cạn kiệt sức lực, không muốn ăn, khó chịu và nôn nao… Nhưng rồi ta sẽ khoẻ hơn mỗi ngày và sẽ sớm hết bệnh. Bệnh tâm lý thì không như vậy, không ai biết những chứng bệnh tâm lý sẽ theo mình đến khi nào, khi ngày hôm nay thức dậy, mình vẫn thấy chưa ổn. Và có thể mình sẽ chẳng thấy ổn hơn trong mỗi ngày mới trong cuộc đời này. Nếu một lúc nào đó, mình chịu đựng không nổi cái khổ sở của chuyện “không ổn” này, mình sẽ muốn chết. Và có nhiều người đã chết.
Thú thực thi, nếu bây giờ một ai đó tới nói với tôi rằng “cậu ơi tớ muốn chết”, tôi cũng không biết phải khuyên gì. Vậy nên những điều dưới đây chỉ là một kinh nghiệm cá nhân mà tôi hy vọng nó hữu ích. Tôi không muốn chúng trở thành một áp lực nữa, áp lực của chuyện “người ta cũng trầm cảm mà giờ hết rồi, sao cậu không cố gắng nhỉ”.
Bắt đầu
Bắt đầu bằng chuyện sau rất nhiều ngày mà mỗi lần thức dậy tôi lại thấy buồn không chịu nổi, buồn không vì lý do gì, không rơi được nước mắt. Không thấy muốn thức dậy, thay đồ, đi tắm, bước ra ngoài chút nào. Không muốn phải tiếp tục nữa. Và lại một ngày như vậy nữa, tôi nhưng mình đã cầu nguyện, không phải với Chúa hay Phật hay Mẫu nào, mà có lẽ là với vũ trụ, với chính mình: Tôi không chịu đựng được nữa, xin hãy giúp tôi vượt qua cảm giác này, hãy chỉ cho tôi một con đường.
Tôi quyết định rằng, làm gì cũng được, nhưng không thể tiếp tục sống như thế này nữa. Vì thật kinh khủng nếu cứ lay lất như thế này tới 70 tuổi, nên tôi có quyền làm mọi thứ và thử mọi điều để thoát khỏi nỗi buồn đang bám dính này.
Bước 1, trở về trạng thái 2% pin
Trong tất cả các loài động vật, chỉ có loài người là biết tư duy và tự vấn chính mình, nghĩ về lý do mình sinh ra, biết sợ hãi và tò mò về cái chết. Cũng chỉ có loài người tìm đến cái chết trong trạng thái ý thức. Con mèo không cực như vậy, nên mình bắt chước con mèo. Mình trở về trạng thái sinh tồn, mà nói cho dễ hiểu là coi mình chỉ còn 2% pin.
Khi điện thoại nhiều pin, chúng ta sẽ vừa xem phim vừa chat chít, vừa nghe nhạc vừa search google. Thế nhưng khi chỉ còn 2% pin, chúng ta sẽ hạ sáng màn hình, tắt hết ứng dụng, và bắt xe về nhà hoặc gọi một cuộc điện thoại quan trọng nhất.
Khi chấp nhận rằng mình chỉ còn 2% pin, tôi không bắt bản thân phải suy nghĩ những vấn đề phức tạp như “tôi đã làm gì sai”, “tôi phải trở thành người như thế nào”. Tôi chỉ muốn chính mình ổn hơn, khoẻ hơn. Và trong trạng thái 2% đó, tôi buông xuống những điều sau:
- Hình tượng bản thân
- Trách nhiệm về cảm xúc của người khác
- Kỳ vọng của người khác
Người khác, nghĩa là mọi bạn bè, xã hội, đồng nghiệp, gia đình, người yêu.
Làm người, ai cũng có cái tôi và cũng vì cái tôi mà khổ. Có một câu trong bài hát Không quan trọng, rằng: “Từ bỏ bản thân mới tung cánh bay cao được”, chính là vì nếu còn bám víu lấy cái tôi, còn sợ mất hình tượng, sợ phản bội lại những định kiến của bản thân… thì mãi mãi sẽ bó buộc mình trong cái áo cũ. Vậy nên tôi chọn cách bỏ lại hết mọi thứ, để giảm cái gánh nặng mà trạng thái 2% pin không thể nào chịu nổi.
Bước 2, nhìn sự vật như nó vốn là
Thế giới là phản ảnh suy nghĩ bên trong, nên thế giới không bao giờ là khách quan. Thế giới của một tâm trí bị bệnh sẽ đầy nỗi đau buồn, bế tắc, căng thẳng, u ám. Một ngày nắng đẹp có thể làm mình bực tức, vì bên trong mình đang bão tố thế kia. Tôi cảm thấy những sự kiện đã xảy ra trong đời mình quá nghiệt ngã, tôi thậm chí thắc mắc rằng tại sao cuộc đời khổ thế này mà tôi mình phải sinh ra nữa.
Vậy nên tôi muốn điều chỉnh lại thế giới quan. Tôi đi học rất nhiều lớp học, đi gặp bác sĩ tâm lý, đọc nhiều sách… Những điều này dần giúp mình mở mang đầu óc và khoẻ mạnh tinh thần hơn. Điều đó giúp tôi đủ sức để bước ra ngoài thêm một bước. Rồi mình đủ can đảm để đi thiền một khoá 10 ngày. 10 ngày đó tôi được ngồi yên để tự quan sát bản thân, và từ đó thế giới trở nên rõ ràng hơn. Thiền không còn là chủ đề xa lạ, và cũng không nhuốm màu sắc thần bí tôn giáo nữa. Với tôi thì thiền là để tâm trí tĩnh lặng, từ đó đối diện và kết nối lại những mảnh tâm hồn bị xé nhỏ của mình.
Ngoài kiểu thiền tôi đã tham gia, bạn cũng có thể tham gia những phương pháp thiền khác theo sở thích và sự phù hợp, hoặc bạn có thể thử cách này rồi cách kia. Quan trọng là, khi tin rằng vẫn còn có cách, chúng ta sẽ có động lực để thức dậy vào ngày mai.
Bước 3, bớt nghiêm trọng
Có một thái độ sống khá hay (dù có thể bạn không đồng ý): mỗi chúng ta đến với trái đất này để tham gia một cuộc chơi trải nghiệm, và ai thoải mái chơi hết mình là người lời nhất. Nhưng phần lớn chúng ta lại quá sợ để hết mình, chúng ta sợ không được yêu thương, sợ mất mát, sợ đau khổ. Từ từ rồi những nỗi sợ và tổn thương làm chúng ta bế tắc, vón cục tâm hồn lại…
Tôi thích cái ý tưởng về cuộc chơi (dù lắm lúc vẫn ấm ức ai set trò mà ác đạn vậy). Cuộc chơi không có nghĩa là kém nghiêm túc, kém cố gắng, kém thấy mọi thứ có giá trị đi. Ngược lại, đã xác định tâm trạng chơi thật vui thì không bị xao nhãng bởi nỗi sợ thất bại, sợ tổn thương nữa. Nói giản đơn thì, bạn cứ nhảy nhót đi, dù bạn không đi học lớp nhảy nào. Bạn cứ hát lên đi, dù bạn không phải là diva. Bạn cứ yêu đi, dù không phải là nữ hoàng tình trường bách chiến bách thắng.
Bước 4, yêu lại những điều nho nhỏ
Tôi đi leo núi trong nhà (đau tay cả tuần sau đó)
Tập yoga (vẫn chưa thể đứng bằng đầu được sau rất nhiều năm)
Nấu ăn (và đâm ra khó tính vì thấy thức ăn bên ngoài chẳng ngon và rẻ bằng)
Trồng rau (cứ rau củ gì không kịp ăn, bị mọc mầm là tôi vùi xuống đất)
Dành nhiều thời gian để đọc những quyển sách văn học hơn là chỉ chăm chăm “đọc những gì bổ não” như sách giáo trình, tài liệu khoa học.
Yêu và chơi đùa.
Không đều đặn lắm, nhưng vận động giúp tôi khoẻ lên, nấu ăn giúp tôi tiêu hoá tốt hơn, tinh dầu thì thư giãn, còn sách thì giúp thoả mãn tinh thần.
Nhưng giá trị lớn nhất là tôi thấy được bơm năng lượng khi làm những điều này. Vậy nên tôi giữ cho cuộc đời mình có thêm những năng lượng tích cực.
Những thứ viết ra, chỉ là tóm tắt của một hành trình dài chục năm, và vẫn đang tiếp tục diễn ra, chia sẻ cùng bạn. Rốt cuộc thì, cái gì là cuộc sống lý tưởng? Không có. Bởi ai cũng có một cuộc chiến riêng. Mỗi người có thiên đường và địa ngục của riêng mình. Thôi thì hãy sống biết mình, cho mình trước tiên. Đừng sợ điều đó sẽ khiến cả thế giới sẽ quay lưng lại với bạn, vì điều bạn cảm thấy – mới chính là thế giới.
Viết năm 2019