
Cứ khoản 3 năm một lần, mình tự cho phép bản thân có một gap-year để tập trung vào những mục tiêu cá nhân. Mục tiêu dài hạn của mình là trở thành một người viết
Khi làm việc tại nhà với mục tiêu dài hạn, bạn có thể nghĩ rằng đây là khoảng thời gian lý tưởng để tự do phát triển bản thân, làm điều mình thích mà không bị áp lực từ công việc thường ngày. Nhưng thực tế, việc làm việc tại nhà cũng mang đến không ít thách thức – từ cảm giác cô đơn, trì hoãn, đến áp lực tài chính. Dựa trên hơn một năm tự làm việc tại nhà, mình muốn chia sẻ những khó khăn mà mình gặp phải và cách mình đã thử để vượt qua.
1. Mình cảm thấy FOMO: ai cũng thành công hơn mình
Mỗi sáng, khi lướt qua mạng xã hội, mình có thể thấy người khác thăng chức, ra mắt dự án mới, hay đạt được những thành công nào đó, những cái mới nào đó. Trong khi đó, mình vẫn đang loay hoay với những mục tiêu dài hạn chưa rõ ràng. Điều này dễ khiến mình cảm thấy mình đang bị bỏ lại phía sau.
FOMO (Fear of Missing Out) không chỉ làm mình mất tập trung mà còn khiến mình nghi ngờ giá trị công việc của mình. Những cảm giác này có thể dẫn đến mất động lực, hoặc tệ hơn là bỏ cuộc giữa chừng.
Kinh Nghiệm Của mình:
Mình đã so sánh mình với người khác, tự hỏi tại sao họ làm được mà mình thì không. Nhưng mình học cách nhắc nhở bản thân rằng mỗi người đều có lộ trình riêng. Mục tiêu của mình không phải là thành công nhanh chóng, mà là xây dựng nền tảng vững chắc. mình tập trung vào những gì mình có thể kiểm soát, và dần nhận ra rằng sự tiến bộ chậm mà chắc là đủ cho hiện tại.
2. Hội chứng Kẻ Giả Mạo tấn công: Mình có giỏi thật không?
Làm việc một mình, không có đồng nghiệp để ghi nhận thành quả, bạn có thể dễ dàng nghĩ rằng mình không đủ giỏi. Ngay cả khi hoàn thành một khóa học hay một dự án nhỏ, bạn vẫn có thể nghe thấy giọng nói trong đầu: “Đã làm cái gì ra hồn đâu”. Khoảng đầu năm 2024, lúc vừa plan xong kế hoạch năm mới với đủ thứ mục tiêu, tự nhiên mình muốn bỏ hết tại vì mình cảm thấy không đủ giỏi để làm cái gì cả. Mình sợ thất bại nên thà khỏi bắt đầu. Mình sợ xem lại những gì đã viết, những bài giảng đã soạn, những video mình đã quay. Vì tất cả đều làm mình nghĩ: chưa đủ giỏi, chưa đủ tốt, chưa đủ khác biệt, chưa đủ giá trị.
Khi liên tục cảm thấy mình “không đủ tốt,” mình rơi vào vòng luẩn quẩn: trì hoãn, mất tự tin, và cuối cùng không đạt được điều gì.
Kinh Nghiệm Của mình:
Mình đã thực hành self-compassion (tự trắc ẩn) bằng cách viết nhật ký biết ơn và ghi nhận từng thành tựu nhỏ nhất – như học xong một thuật ngữ mới hay viết được 500 từ mỗi ngày. Bằng cách này, mình dần xây dựng lại sự tự tin và chấp nhận rằng sự tiến bộ không cần phải hoàn hảo, miễn là mình vẫn tiến về phía trước.
3. Trì hoãn và phân tâm
Nếu có một ngày mình tỉnh dậy và bỗng cảm thấy không muốn làm gì – thì là bình thường. Nhưng cả một tháng như vậy thì không bình thường nữa. Nếu đang viết, mình chợt dừng lại để đọc một tí sách, đi nấu cơm, ngủ trưa thì cũng bình thường. Nhưng ngày nào cũng vậy thì thật kinh hoàng. Cái cảm giác mình còn nhiều thời gian lắm, mình là chill girl nó tuyệt vời – mà nó cũng triệt tiêu năng suất.
Thói quen trì hoãn không chỉ làm giảm hiệu quả công việc mà còn khiến mình cảm thấy thất vọng với chính mình. Sự tích tụ của những ngày “để mai làm” khiến mình rơi vào trạng thái lười biếng kéo dài.
Kinh Nghiệm Của mình:
Mình sử dụng OKR (Objectives and Key Results) và app Habit tracking (Hiện giờ mình đang dùng Trello để quản lý OKR & template excel để quản lý habit) để đặt mục tiêu và quản lý thời gian.
Ví dụ, thay vì chỉ nói “viết một cuốn sách,” mình đặt mục tiêu cụ thể:
Objective: Hoàn thành bản thảo đầu tiên.
Key Results:
– Viết 10 trang mỗi tuần.
– Nghiên cứu 5 giờ mỗi tuần.
– Hoàn thành dàn ý chi tiết trong tháng đầu tiên.
Việc theo dõi thói quen hàng ngày giúp mình duy trì động lực và cảm thấy bản thân đang dịch chuyển chứ không đứng yên hoặc quanh quẩn.
4. Hết tiền, cuống quýt
Mình đã chuẩn bị tài chính cho ít nhất 2 năm không đi làm. Nhưng thú thật, cái cảm giác cả năm không có “tinh tinh” mà chỉ toàn đi chuyển khoản trả tiền nhà, tiền thẻ tín dụng nó cũng không dễ chịu lắm đâu. Ở nhà cỡ 6 tháng mình bắt đầu nghĩ tới những tình huống tồi tệ như: Lỡ đâu mình sẽ mãi mãi không có thu nhập nữa, lỡ đâu một tin rất xấu rớt xuống vào ngay lúc này, lỡ đâu mình không bán được sách, không thành công trong chuyện chuyển đổi nghề nghiệp (cộng thêm tất cả cảm giác FOMO, giả mạo, trì hoãn). Mình có mua vé số nữa =))
Những lúc đó, thú thực là chỉ có nhìn vào tài khoản tiết kiệm mới làm mình bình tĩnh lại: vẫn đủ sống, vẫn đủ thời gian.
Kinh Nghiệm Của mình:
Dịch chuyển từ Sài Gòn về Vũng Tàu giúp mình giảm được khoảng 50% chi tiêu mỗi tháng, nhưng không phải là giảm “cái rẹt”, mà nó là sự thay đổi từ từ về thói quen chi tiêu và nhu cầu. Mình học cách ưu tiên những khoản chi cần thiết, đồng thời để dành một phần nhỏ cho các hoạt động mình yêu thích như mua sách hoặc tham gia khóa học. Việc này giúp mình cảm thấy mình vẫn đang đầu tư vào tương lai mà không tiêu tốn quá nhiều.
Rốt cuộc thì an tâm tài chính là một cảm giác chủ quan. Khi mình nhìn vào kế hoạch chi tiêu và cảm thấy là mình làm chủ được nó, tự nhiên mình thấy bình tĩnh lại.
Tóm lại:
– Đặt mục tiêu rõ ràng
– Ghi nhận tiến bộ nhỏ
– Quản lý thời gian và năng lượng
– Thực hành tự trắc ẩn
Đây là khoảng thời gian không dễ dàng, nhưng nó là cơ hội để mình hiểu rõ hơn về bản thân và xây dựng nền tảng cho tương lai. Mình đang kiên nhẫn với bản thân, và đang hành động – dù thực sự thì mình vẫn chưa sẵn sàng để bước qua giai đoạn tiếp theo: bán mình.
Leave a Reply