Ta có thể nuôi dưỡng một con người trở nên thất bại, kém hạnh phúc và “hỏng bét” dựa trên lý thuyết của Erikson hay không?
Seri “tám chuyện” tâm lý học được viết chủ yếu để mình ôn lại những gì đã học, và liên kết giữa việc học tâm lý với việc viết lách.
Erik Erikson là chủ nhân của một trong những học thuyết có ảnh hưởng sâu rộng trong lĩnh vực tâm lý học đương đại: lý thuyết tâm lý xã hội với 8 giai đoạn đời người.
Nếu Sigmund Freud (và hầu hết các nhà tâm lý học lý thuyết giai đoạn này) nhấn mạnh những năm đầu đời trong sự phát triển (nhân cách, năng lực, tâm lý) của con người thì Erik Erikson phát triển luôn lý thuyết trọn đời từ 0 đến sau 65, chia ra làm 8 giai đoạn sẽ được kể dưới đây.
Tới đây thì phải bàn ngang một chút, cái khó của việc học lý thuyết tâm lý học là không biết vận dụng nó vào đâu để dễ hiểu, dễ nhớ, dễ phản biện hơn. Vậy nên chủ đề của bài viết “ôn tập” này sẽ là: Ta có thể nuôi dưỡng một con người trở nên thất bại và kém hạnh phúc dựa trên lý thuyết của Erikson hay không.
1. 0 – 12 tháng tuổi: Giai đoạn Tin tưởng vs Nghi ngại.
“Thế giới là một nơi đáng sợ”
Ở giai đoạn này, trẻ em hoàn toàn phụ thuộc sinh tồn và tình cảm vào người chăm sóc. Nếu được đáp ứng đầy đủ (cho ăn, ôm ấp, hiện diện) thì trẻ sẽ nhận định thế giới mà em vừa đến là an toàn, tươi đẹp và em cảm thấy tràn đầy hi vọng.
Ngược lại, để tạo nên một em bé cảm thấy thất vọng về tương lai, nhận định thế giới là một nơi đáng sợ và không có ai đáng tin cậy để dựa vào – ta chỉ cần giảm thiểu sự đáp ứng nhu cầu. Ví dụ, để trẻ khóc mà không đoán hoài gì, không ôm ấp, không giao tiếp, không hiện diện, thậm chí để trẻ bị đói.
2. 12 – 36 tháng tuổi: Giai đoạn Tự chủ vs Xấu hổ
“Cứ để bố mẹ lo hết”
Giai đoạn “khủng hoảng đầu đời” của trẻ khá quen thuộc với phụ huynh: trẻ bỗng bướng bỉnh, thích làm theo ý mình, thích nói “không” và “để tự con”. Lý giải của tâm lý học: trẻ đang trong giai đoạn phát triển sự tự ý thức và có nhu cầu tự kiểm soát cuộc sống của mình. Nhu cầu này đối mặt với những yêu cầu đến từ bố mẹ, thầy cô khiến trẻ rơi vào mâu thuẫn. Nếu được tự quyết định (ví dụ được bố mẹ cho chọn mặc bộ đồ A hay bộ đồ B, được tự ăn, tự chơi) thì trẻ sẽ phát triển sự tự tin với bản thân và từ đó phát triển ý chí trong cuộc sống.
Vậy thì ngược lại, một em bé không được cho làm gì cả (kể cả tự đi poo), suốt ngày bị nghe “con để mẹ làm cho, con mà làm thì đổ vỡ hết” với cả “con phải nghe lời mẹ” sẽ cảm thấy xấu hổ, nghi ngờ và không phát triển được phẩm chất Ý chí.
3. 3 – 6 tuổi; Giai đoạn Sáng kiến vs Tội lỗi
“Bố mẹ, thầy cô sẽ nói tôi cần làm gì”
Trẻ đến trường và bắt đầu khám phá thế giới thông qua việc tương tác nhiều hơn với thầy cô, bạn bè. Nhu cầu của trẻ: Thể hiện năng lực hành động, lãnh đạo, đưa ra giải pháp. Khi tự tin với tính chủ động cá nhân và học được cách hợp tác với người khác, trẻ sẽ hình thành ý thức về “Mục đích”.
Ở mặt trái, ta có thể nuôi dưỡng một đứa trẻ thường cảm thấy tội lỗi, nghi ngờ bản thân, không biết cách làm việc cùng người khác và cũng không lãnh đạo được chính mình. Bằng cách thức đơn giản:
- Kiểm soát và cấm đoán những việc “vớ vẩn ngớ ngẩn” mà trẻ muốn làm.
- Chỉ trích theo kiểu “trứng mà đòi không hơn vịt”, “con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.
Ta sắp thành công trong việc nuôi dưỡng một chú gà công nghiệp không mục đích, không ý chí, không lạc quan. Chỉ còn lại 5 giai đoạn thôi 😀
4. 6-12 tuổi: Giai đoạn Siêu năng vs Tự ti
“Tôi không làm được gì”
Giờ thì nhân vật của chúng ta đã vào lớp 1. Hãy làm trẻ không thấy tự hào về thành tích và năng lực của mình bằng cách: không khích lệ, không ghi nhận những năng lực nổi bật, thay vào đó hãy liên tục so sánh và chê trách. Ví dụ như:
- Khi trẻ được 5 điểm vẽ, hãy bảo rằng “con thật vụng về, không có năng khiếu”.
- Khi trẻ được 9 điểm văn, hãy bảo rằng “con người ta được 10 điểm”
- Khi trẻ giơ tay phát biểu ý kiến, hãy bảo rằng “đừng có tài lanh, trả lời sai hết trong sách”.
Và thế là ta thành công trong việc khiến trẻ mất niềm tin về khả năng học tập và giải quyết vấn đề, cảm thấy việc học thật là nhàm chán và không phù hợp, và rằng mình lớn lên cũng “thường thường” thôi, không làm được trò trống gì.
5. 12 – 19 tuổi: Giai đoạn hình thành Danh tính vs Bối rối (về danh tính)
“Tôi không biết mình là ai”
Phải nói thêm Erikson là cha đẻ của cụm từ “khủng hoảng danh tính” – tức là tình trạng không biết mình là ai, không tìm ra mục tiêu trong cuộc sống, không xác định được các giá trị sống và vai trò mà mình muốn thể hiện trong cuộc đời.
Ở tuổi vị thành niên, một người sẽ thuận lợi hình thành danh tính khi có cơ hội khám phá chính mình (thấu hiểu bản thân, xác định được mình là ai, mình muốn làm gì, mình tin vào điều gì). Bố mẹ, nhà trường, xã hội và bạn bè đồng trang lứa sẽ hỗ trợ quá trình xây dựng danh tính này dễ dàng hơn thông qua việc trò chuyện tích cực, mở rộng các trải nghiệm xã hội cần thiết và hỗ trợ khi cần. Khi thành công phát triển danh tính, trẻ em sẽ hình thành năng lực sống với các tiêu chuẩn và kỳ vọng của xã hội – thứ mà Erikson gọi là “sự trung thành” mà mình thích gọi là trung tín hơn vì chữ “tín” thể hiện sự tương tác với xã hội.
Có quá nhiều ý tưởng để huỷ hoại tuổi teen, đẩy đứa trẻ vào cảnh rối loạn nhân tính. Ví dụ như:
- Tạo nên một khủng hoảng nào đó làm gián đoạn nhịp phát triển bình thường của trẻ và để mặc nó với tổn thương. Gia đình tan vỡ theo cách xấu xí, bạo hành, lạm dụng.. là một số từ khoá.
- Biến gia đình thành một môi trường rối loạn vai trò, ví dụ bắt đứa trẻ phải ở thành chỗ dựa tinh thần và vật chất cho bố mẹ. Hoặc nhẹ nhàng hơn thì áp đặt cho đứa trẻ một danh tính lý tưởng mà bố mẹ nó muốn (con phải học giỏi, con phải tài năng, con phải đàng hoàng, con phải nữ tính… thì bố mẹ mới yêu con).
- Khi đến trường, thầy cô có thể làm đứa trẻ thất vọng (ví dụ, phát hiện ra sự bất công hoặc đạo đức giả của những người thường xuyên dạy dỗ đạo đức cho mình) hoặc phớt lờ mọi tín hiệu yêu cầu giúp đỡ của trẻ.
- Trẻ bị bạn bè cô lập, bạo lực hoặc được “chào đón” vào một nhóm nguy cơ – đều tạo cơ hội để quá trình xác định danh tính trở nên khó khăn, méo mó.
6. 20 – 40 tuổi: Gắn bó vs Cô lập
“Tôi không được yêu và không thể yêu”
Erikson cho rằng đây là giai đoạn của quan hệ cá nhân. Nếu tìm được (chỉ cần 1) ai đó để gần gũi thì ta sẽ hình thành được cảm giác gắn kết, thuộc về. Không ngạc nhiên khi đây là tuổi lập gia đình ha.
Vấn đề là, đứa trẻ thất vọng, mất ý chí, không mục đích, không có năng lực và không biết mình là ai nhiều khả năng sẽ không biết xây dựng mối quan hệ lành mạnh là gì. Nó có thể trải qua 20 năm với những mối quan hệ tồi tệ, gây tổn thương và nhận tổn thương, phản bội và bị phản bội. Nó sẽ hoặc lặp đi lặp lại những mô thức thất bại trong tình cảm hoặc tự cô lập chính mình.
Có thể tưởng tượng giai đoạn thứ 6 trong việc giúp một người trở nên bất hạnh là khiến trái tim người đó trống rỗng, kiệt quệ.
7. 40 – 65 tuổi: Kiến tạo vs Đình trệ
“Tôi xong rồi, tôi không quan tâm nữa”
Tuổi trung niên thành công là khi người ta vẫn còn năng lượng để tiến về phía trước. Họ không chỉ tiếp tục phát triển năng lực, sự nghiệp mà còn nghĩ đến việc để lại gì đó cho thế hệ kế thừa. Để lại kiến thức cho đàn em, để lại sáng kiến cho xã hội, để lại tài sản cho gia đình – đó là cách họ thể hiện năng lực chăm sóc của mình.
Thực ra thì sau tuổi 20, chúng ta không thể làm gì nhiều để huỷ hoại một người, à chính họ sẽ chịu trách nhiệm với chính mình trong nhiệm vụ này. Họ có thể buông xuôi từ từ đến khi thực sự cảm nhận tình trạng đình trệ của bản thân. Họ nhận ra mình đang xuống núi, đang bị cuộc sống nghiến qua và không còn giá trị nào với thế hệ trẻ. Họ bất an, ghen tị và vì vậy hoặc thích bắt bẻ, thích thể hiện, hoặc im lặng và rút lui. Họ để yên cho cuộc sống trôi qua với những bất mãn kinh niên, dù là cái cột sống đau, thân hình thừa cân, hôn nhân tồi tệ hay công việc vô nghĩa.
Ngấp nghé 60, họ thấy mình xong đời rồi mặc dù vẫn còn giai đoạn 8 😀
8. +65 tuổi: Trọn vẹn hay thất vọng
“Tôi đã sống một cuộc đời phí hoài và vô nghĩa”.
Điểm cuối lạc quan của giai đoạn 8 là “Sự khôn ngoan”. Đó là hạt ngọc trai được hoài thai từ những đau thương, mất mát trong cuộc sống, rồi bao bọc bằng sự thấu hiểu, trắc ẩn với chính mình là cuộc đời. Ta chấp nhận mình sắp rồi đi và biết ơn vì những trải nghiệm trong hành trình cuộc đời.
Trái lại, ta có thể mang theo mình tất cả những thất vọng, giận dữ, ghét bỏ, vô minh và để chúng sưng tấy trong lòng. Ta cảm thấy cuộc đời thật vô nghĩa và ta đã phí hoài nó, mà cũng không biết phải làm gì nếu có “giá như”.
Tóm lại, có hai phiên bản minh hoạ cho 8 giai đoạn cuộc đời của Erik Erikson.
Phiên bản 1: Hi vọng, Ý chí, Mục đích, Năng lực, Trung tín, Yêu thương, Chăm sóc, Trí tuệ.
Phiên bản 2: Thất vọng, Thoái chí, Vô định, Vô năng, Bối rối, Cô độc, Ích kỷ, Vô minh.
Tin xấu cho những ai muốn nuôi dạy phiên bản 2 là Erik Erikson bảo rằng không phải cứ thất bại trong một (hay nhiều) giai đoạn là mọi thứ hỏng bét cả. Ta vẫn có thể cứu (nếu đang nuôi con) hoặc tự cứu (nếu đã đủ lớn để tự nuôi mình).
Sự vãn hồi đó vô cùng đơn giản:
- Ý thức về vấn đề có thể phát sinh trong mỗi giai đoạn. Quan sát suy nghĩ, hành động, cảm xúc của ta và tìm ra những khuôn mẫu tư duy cũng như điểm xuất phát của những khuôn mẫu đó. Ví dụ, ta có tự ti và tin rằng mình vô dụng không? Nó biểu hiện như thế nào? Khi đó ta cảm thấy như thế nào, hành động ra sao?
- Đặt mục tiêu điều chỉnh và hành động (với sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý nếu cần).
- Chăm sóc tốt cho bản thân mình. Ví dụ bạn đang đau khổ, thì có đến 3 con đường để đi. Một, chọn giải quyết đau trước: ăn, ngủ, tập thể dục, đi spa, đi bác sĩ để hết “đau”. Hai, chọn giải quyết khổ trước: Điều chỉnh nội tâm bằng liệu pháp nhận thức hành vi hoặc tâm linh chẳng hạn. Cách thức 3 là hết cả đau và khổ bằng cách làm cả hai thứ trên cùng lúc.
Cũng phải thêm rằng Erikson bảo cái gì cũng tương đối thôi. Một đứa trẻ sơ sinh có thể 70% tin tưởng thế giới và 30% cảm thấy bất an. Đứa trẻ 3 tuổi có thể 40% tự chủ và 60% xấu hổ v.v… Vậy nên ta có thể là một người thất bại – hoặc một người thất bại 70% – hoặc một người thành công 30%. Tuỳ tâm.
Tham khảo thêm:
- Học thuyết về 8 giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erikson
- Tóm tắt & so sánh các học thuyết phát triển trẻ em
- Các lý thuyết về trẻ em của Dewey, Montessori, Erikson, Piaget, VyGotsky – Tác giả Caron Mooney
- Tâm lý học và Đời sống – Tác giả Richard J. Gerrig