Khi không có tiền thì đầu tư vào đâu? Vào đầu

1. Nếu không tăng giá trị tài sản, sẽ thiệt hại vì lạm phát. Nếu không tự phát triển bản thân, thời gian sẽ bào mòn chúng ta. Thời gian khiến ta trở thành phiên bản già nua hơn, mệt mỏi hơn, nhục chí hơn chính mình tại thời điểm này. Nếu không bù đắp cho mình những kiến thức mới, khám phá những giới hạn mới, chúng ta sẽ kiệt quệ, trống rỗng dần.

2. Các quy tắc tiết kiệm nói với ta rằng, mỗi tháng chỉ cần dành được 10% thu nhập, lâu ngày ta sẽ có một tài khoản phong phú và vững vàng. Hay, mỗi ngày chỉ cần “nhín lại” 50 nghìn cho quỹ tiết kiệm cũng đáng để ta thực hiện, vì tích tiểu thành đại. Hãy áp dụng quy tắc này trong việc đầu tư cho chính mình. Mỗi ngày, bạn cũng chỉ cần chừa lại 1 tiếng, 30 phút, hay thậm chí 10 phút để làm gì đó giúp bản thân phát triển hơn.

3. Con người phát triển mạnh mẽ vững vàng dựa trên những trụ cột như: sức khoẻ – tinh thần – năng lực – sự nghiệp – tài chính – các mối quan hệ. Bạn có thể bắt đầu từ điểm yếu nhất của mình. Nếu điểm yếu nhất là sức khoẻ, hãy cho mình được ngủ đủ, ăn đúng, và luyện tập 10-30 phút mỗi ngày. Nếu tinh thần yếu, bạn có thể gặp các chuyên gia tâm lý, đồng thời áp dụng những phương pháp như Viết chữa lành, thiền, yoga, rèn tính kỷ luật, tìm hiểu sâu hơn về chính mình để cải thiện sức mạnh tinh thần. Hãy dành 60 phút mỗi ngày để mài bén kỹ năng có thể giúp bạn thăng tiến trong sự nghiệp…

4. Ai cũng có thể thành công khi đầu tư vào chính mình, nếu vạch ra được một kế hoạch rõ ràng và hành động nhất quán, kiên trì theo kế hoạch đó.

Bạn có muốn đầu tư vào chính mình? Lĩnh vực mà bạn muốn đầu tư là gì?

Học tập chủ động

Khi ta bị quăng vào trường đời, ta mới bắt đầu khao khát học. Học tập chủ động là chìa khoá để phát triển bản thân. Như thế nào là học tập chủ động?

– Là “tham gia tích cực” vào quá trình học, thay vì thụ động tiếp nhận toàn bộ một quy trình được người khác đưa ra, thụ động chấp nhận một khối lượng kiến thức chung được rót vào đầu mình và hi vọng chúng sẽ ở lại trong đầu càng nhiều càng tốt.

– Quá trình tham gia tích cực vào học tập bao gồm: tự định hướng và xác định mục tiêu (con người mình muốn trở thành sẽ cần những kiến thức – kỹ năng nào), là một phần của quá trình học tập (tôi tương tác, tôi đặt câu hỏi), tự nhận thức (tôi đối chiếu với vấn đề, kinh nghiệm của mình) và luyện tập, ứng dụng.

Phát triển bản thân là học để sáng tạo nên chính mình, là làm chủ và chịu trách nhiệm cho con người tương lai của mình. Giáo viên – bạn học – môi trường – sách vở – tổ chức chỉ đóng vai trò “đưa đò” để bạn đạt được mục tiêu, họ không phải là câu trả lời chắc chắn đúng, họ không chịu trách nhiệm cuối cùng cho điều xảy ra với bạn.

Nếu bạn đã quen là con ngoan, trò giỏi, nhân viên tốt, người luôn tin tưởng vào người khác hơn tin vào chính mình – đã đến lúc để thay đổi. Hãy lấy lại gánh nặng trách nhiệm trên vai người khác và đeo lại vào lưng mình – cái gánh nặng “cuộc đời tôi.

Xác định tinh thần “học tập chủ động” rồi thì ta bắt đầu xây đường cho chính mình.

3 con đường học tập

1. Lộ trình 1: Bắt đầu từ những vấn đề cá nhân. Hiểu thế mạnh, khắc phục những hạn chế về tính cách và xây dựng bộ tư duy phù hợp để sinh tồn thoải mái trong hiện tại. Từ khoá cho lộ trình này: hiểu mình.

2. Lộ trình 2: Bắt đầu từ việc đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống. Khi bạn đang không đánh giá cao những gì mỉnh làm, nhận ra một lỗ hổng khiến bạn e ngại về thất bại sắp đến, thấy mình không đáp ứng được các đòi hỏi của những vai trò hiện tại – hãy bắt đầu học tập để cải thiện các năng lực cần có. Từ khoá cho lộ trình này là: hành động.

3. Lộ trình 3: Học từ những cú nhảy. Bạn đang là zero và muốn trở thành hero? Bạn muốn chuyển ngành, muốn bắt đầu lại, muốn làm chủ một lĩnh vực hoàn toàn mới, muốn có sự thăng tiến vượt bậc? Hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu bản đồ, và đi từng bước đến con người bạn tương lai của bạn. Từ khoá cho lộ trình này: dám thay đổi.

Bắt đầu“chữa điểm yếu”

Hãy thử làm một trắc nghiệm nhỏ – trả lời có/không với 3 câu hỏi dưới đây:

1. Tôi có những mục tiêu lớn trong đời, những ước mơ muốn thực hiện, những kế hoạch cải thiện cuộc sống hiện tại. Điểm chung của chúng là: tôi chưa sẵn sàng để thực hiện.

2. Tôi thấy mình thiếu năng lực để làm những gì mình muốn.

3. Có nhiều thời điểm tôi thấy mình yếu đuối, tự ti, và sẵn sàng để thất bại hơn là thành công.

Nếu bạn có ít nhất một câu trả lời “có” thì xin chúc mừng vì… bạn cũng bình thường như Chi vậy đó.

Sự tự ti, âu lo, không tin tưởng vào mình là vết thương bên trong mà ta dễ cảm nhận được cơn đau, nhưng thường không dám chữa lành. Vết thương ấy có thể đến từ nhiều lý do.

– Những tổn thương thời thơ ấu, khi bị chê trách, đánh giá thấp, khi không nhận được đủ sự công nhận, trân trọng.

– Những thất bại trong mối quan hệ, công việc.

– Sự đồng hoá những phê bình tiêu cực của người khác vào cái tôi.

Niềm tin ảnh hưởng đến cách ta hành động, tạo thành những khuôn mẫu hành vi, và trở thành tiên tri tự đúng. Sẽ thế nào nếu bạn tin rằng mình không thể làm được, rằng mình quá yếu đuối, mình có quá nhiều hạn chế?

Niềm tin này sẽ xuất hiện mỗi ngày, nhất là vào ngày bạn dự định thay đổi và phát triển bản thân. Nó sẽ lên tiếng khi bạn đứng trước một cơ hội, để bạn thấy mình chưa sẵn sàng và rồi bỏ cuộc ngay lúc đó. Nó giữ bạn đông cứng trong con người cũ, như một cơ chế tự vệ của tâm lý, “khi ta tin rằng mình không làm được, ta sẽ không tổn thương vì thất bại hiển nhiên kia.”

Điểm yếu của Chi là: tuỳ hứng. Chi chỉ có thể duy trì một sự tập trung ngắn hạn. Từ đó Chi nghĩ rằng mình không thể làm “dự án lớn”. Thái độ thích hợp với niềm tin đó là: ghét những trách nhiệm dài hạn, “ghét” phải đứng ở vị trí cao và tin rằng mình sẽ chơi ở sàn đấu hạng gà. Niềm tin “mình sẽ không làm được chuyện lớn” khiến Chi căng thẳng kinh khủng khi thấy mình sắp… thăng chức, hay khi có người gợi ý “sao không lập công ty”.

Đó là giới hạn của sự phát triển mà Chi phải giải quyết cách đây 2 năm. Và Chi chọn phát triển điểm yếu nhất của mình: sự tuỳ hứng.

Tại sao lại bắt đầu từ điểm yếu nhất? Chắc bạn từng đọc nguyên lý về cái thùng nước: Mực nước cao nhất mà chiếc thùng có thể chứa được là ngang với lổ thủng thấp nhất trên thân thùng. Muốn chứa được nhiều nước hơn thì cần lấp lỗ hổng.

Hãy hiểu đây là một ẩn dụ, vì sự phát triển của con người không đơn giản tuân theo quy luật vật lý như vậy. Điểm chung của nguyên lý cái thùng và bản tính con người là: Chúng ta bị giới hạn bởi niềm tin vào mình. Và niềm tin được xây dựng từ lỗ hổng bên trong của ta. Bằng cách khắc phục điểm yếu, ta đẩy giới hạn của mình đi xa hơn.

Con đường để khắc phục điểm yếu

Phải đối mặt

Bạn có biết điểm yếu của mình ở đâu? Lưu ý, điểm yếu không phải là niềm tin. Niềm tin thì chủ quan, đến từ bên trong. Còn điểm yếu thì khách quan và có thể khắc phục.

Hãy dành thời gian để rà soát lại những khía cạnh của đời mình như:

– Kiến thức, kỹ năng

– Thói quen, hành vi

– Sức khoẻ

– Tài chính

– Mối quan hệ

– Năng lượng sống

Và tìm ra những điểm chạm đau đớn, những thứ khiến bạn tự đánh giá thấp mình, những thứ phá vỡ sự phát triển. Đó có thể là một chấn thương tâm lý. Hoặc là tình trạng sức khoẻ suy yếu. Là cơ thể với nhiều khuyết điểm. Hoặc, là việc bạn không giỏi ngoại ngữ, bạn không biết cách trình bày ý kiến của mình, bạn chưa đủ hiểu biết trong lĩnh vực mình làm…

Chọn 1 trong số đó, cái mà bạn có thể hành động để thay đổi (đừng chọn những thứ thuộc phạm trù đầu thai mới đổi được).

Ở bước đối mặt, bạn có thể mở rộng góc nhìn của mình bằng 3 cách.

1. Đọc sách. Những quyển sách giúp bạn nhìn rõ vấn đề của bản thân hơn là nhóm sách về tâm lý, phát triển kỹ năng và cải thiện chất lượng sống bao gồm sức khoẻ thể chất, sức khoẻ tinh thần. Chi gợi ý 2 quyển:

– High Performance Habits – 6 thói quen làm việc hiệu quả. Sách của Brendon Burchard. Tập trung vào thói quen đầu tiên 1: Duy trì sự sáng suốt. Thói quen này giúp ta biết mình, và duy trì cái nhìn định hướng về con người mình muốn trở thành trong tương lai.

– The Laws of Human Nature – Những quy luật của bản chất con người, tác giả Robert Greene. Quyển này khá bách khoa và sẽ giúp bạn tự tìn nhận lại những điểm yếu về bản tính của mình và của người khác.

2. Cách 2 là trao đổi với người khác để họ góp ý. Cách này không dễ thực hiện vì các rào cản giao tiếp giữa hai bên. Có thể người bạn xin góp ý sẽ đưa ra những đánh giá tiêu cực và độc hại chủ quan. Có thể họ sẽ né tránh vấn đề. Có thể, họ sẽ vô tình khiến bạn tổn thương hơn… Để an toàn, bạn có thể trò chuyện với người sếp mà bạn tin tưởng và đánh giá cao về năng lực lãnh đạo. Bạn cũng có thể tìm mentor hoặc coach, hoặc người tư vấn hướng nghiệp.

3. Nếu chưa đủ điều kiện cho cách 2 thì vẫn còn một cách khác, dễ nhất: Viết. Viết là con đường tự hiểu mình. Hãy đưa ra những câu hỏi có tính định hướng (như: tôi muốn trở thành con người thế nào, mô hình thất bại của tôi là gì, tôi có những thái độ tiêu cực nào v.v… Tham khảo thêm câu hỏi ở chương “Duy trì sự sáng suốt” trong HPH) và trả lời bằng cách viết ra. Duy trì thái độ khách quan của một nhà nghiên cứu trong việc viết, bạn sẽ thăm dò và lôi ra ánh sáng ý thức những điểm yếu trước nay thường âm thầm phá đám bạn trong vô thức.

Viết để hiểu mình với Psy Writer

Với Chi, điểm yếu “tuỳ hứng” được khắc phục bằng cách thực hiện mục tiêu “viết một quyển sách”.

Bộ câu hỏi để “trò chuyện với chính mình”

Hồi học năm 2 đại học, thầy giáo có hỏi “em nghĩ em hiểu chính mình được bao nhiêu?”, và thầy bảo “người chỉ cần hiểu được 50% về chính mình thôi đã là hạnh phúc lắm rồi”.

Sự thật là người bình thường không hiểu về chính họ như họ nghĩ, thậm chí là… nghĩ sai. Muốn hiểu mình thì phải kết nối được với chính mình, bình tĩnh quan sát, đặt câu hỏi và trả lời, như thể chính mình là một công trình nghiên cứu.

Dưới đây là bộ câu hỏi để bạn tự trò chuyện và thấu hiểu bản thân. Bạn có thể áp dụng bằng cách dành 1-2 tiếng để trả lời toàn bộ câu hỏi, hoặc cũng có thể dùng bộ câu hỏi này làm gợi ý cho việc viết mỗi ngày.

1. Tôi là ai, điều gì đã tạo nên tôi của hiện tại?

2. Điều gì tạo nên sự độc đáo của tôi?

3. Mối quan hệ giữa tôi và bố mẹ mang đến những điều tích cực và tiêu cực gì?

4. Những tính cách tôi thích nhất ở bản thân là gì?

5. Những tính cách tiêu cực của tôi là gì? Vì sao tôi thấy nó tiêu cực?

6. Tôi dễ nổi giận trong những tình huống nào?

7. Điều gì quan trọng nhất với tôi lúc này?

8. Những hoạt động nào mang đến cho tôi niềm vui?

9. Những con người, công việc nào khiến tôi thấy kiệt sức?

10. Tôi thường lo lắng về điều gì?

11. Tôi tin nào những giá trị nào? Tôi có đang sống với những giá trị mà mình tin tưởng không?

12. Điều gì giúp tôi có cảm giác an toàn, hiện giờ tôi có thấy nội tâm được an ổn không?

13. Thất bại lớn nhất của tôi là gì?

14. Tôi có yêu thích công việc hiện tại của mình không? Công việc đó có đang giúp tôi phát triển không?

15. Những thành tựu của tôi trong năm nay là gì? Điều gì làm tôi tự hào về mình?

16. Ký ức hạnh phúc nhất của tôi là gì? Ký ức đó chi phối tôi hiện tại như thế nào?

17. Tôi sợ nhất điều gì, tôi sẽ phản ứng thế nào khi điều mình sợ thực sự xảy ra?

18. Nếu dùng thang điểm 10 để đánh giá, tôi tự cho mình bao nhiêu điểm trong các khía cạnh sau: sức khoẻ, tinh thần, sự nghiệp, năng lực, mối quan hệ, tài chính, phát triển cá nhân?

19. Nếu chỉ tập trung cải thiện 1 vấn đề duy nhất, tôi sẽ chọn cải thiện vấn đề nào?

20. Ngay lúc này, có hành động – thói quen nào sẽ giúp tôi có một cuộc sống tích cực, phát triển hơn?

Sống trọn tiềm năng

Có đôi lúc, chúng ta thấy mình hoang mang, âu lo và lạc lối trước cuộc đời. Điều này xảy đến khi:

– Ta không xác định được phương hướng đi về phía trước.

– Ta thất vọng với chính mình, vì không thể trở thành con người lý tưởng mà ta mong muốn.

– Ta không đủ sức mạnh ý chí để duy trì những việc cần làm và kết thúc những gì mình bắt đầu.

– Ta không sống đúng với tiềm năng của bản thân, và lâu dần, từ bỏ khả năng vươn lên.

Theo thời gian, ta già đi, yếu đuối hơn và kiệt sức hơn. Ta trở nên nhỏ bé và cùn mòn dần đi. Để rồi mỗi ngày chỉ là sự tự thoả hiệp.

Chúng ta nói nhiều về sự lão hoá, và ngăn sự lão hoá bằng những biện pháp rất hữu hiệu. Dùng chống nắng, dùng dưỡng da, dùng thực phẩm chức năng.

Vậy còn chống lại sự thoái hoá về năng lực? Hãy áp dụng 3 quy tắc.

Quy tắc 1: Can đảm trở thành cá nhân độc đáo

Nếu nỗ lực để sống giống nhau, đạt được những thành tựu giống nhau, vinh danh những giá trị giống nhau – thì chúng ta chỉ là những bàn copy không tiến hoá. Trở thành cá nhân độc đáo là tin tưởng chiếc la bàn bên trong mình, để những giá trị, khả năng, mơ ước của chính mình được hiện thực hoá. Khi đó, cuộc đời sẽ là là vườn Eden mà chúng ta là một loài hoa độc đáo.

Sống đời mình không phải là đi cùng đám đông hay đi ngược chiều nhân loại. Mà là biết nơi mình muốn đến, và tìm đường đi đến đó. Như Odyssey tìm đường về lại cố hương.

Quy tắc 2: Phát triển mỗi ngày.

Bỏ đi yếu tố phát triển, ta chỉ sống vì bản năng sống. Ăn – ngủ – sinh tồn và duy trì mã gen. Thêm vào yếu tố phát triển, ta sống để trải nghiệm mọi khả thể. Để tìm được bản thể của mình thông qua sự tương tác với thực tại.

Có nhiều cách để phát triển mỗi ngày. Đó là hoàn thành những mục tiêu nhỏ trong ngày, loại mục tiêu mà tự bạn chọn cho chính mình, chứ không phải bị xã hội ép buộc. Là chọn một ý tưởng để suy niệm mỗi ngày. Là làm cái mới, hoặc làm lại cái cũ, với cách mới, hoặc làm lại cái cũ với cách cũ, nhưng với sự quan sát.

Duy trì niềm tin vào chính mình, giữ sự tò mò với cuộc sống, và đón nhận những trải nghiệm – kể cả trải nghiệm thất bại, khổ đau.

Quy tắc 3: Đóng góp và chịu trách nhiệm

Để không trở thành một cá nhân độc nhất – con người ngã mạn chiến đấu với thế giới thì cần phát triển lòng biết ơn. Chúng ta đang đứng trên vai những người khổng lồ và được nuôi dưỡng từ xương thịt của tiền nhân. Riêng điều đó đã đủ để biết ơn.

Chúng ta sống trong một tập thể và được trả công với vì những giá trị cụ thể. Dù là một chiếc đinh ốc, ta cũng có trách nhiệm trở thành đinh ốc chất lượng cao, bền bỉ và đúng vị trí. Sự phát triển của ta nâng lên sự phát triển chung.

3 Hành động cụ thể 

Hành động 1: Gặp mình của thì tương lai.

Trong quyển sách “Thói quen đạt hiệu suất cao”, tác giả Brendon Burchard đề xuất thói quen đầu tiên là “duy trì sự sáng suốt” – nghĩa là duy trì sự biết mình. Biết mình là ai, muốn gì, cần làm gì.

Những câu hỏi được tác giả đưa ra là:

1. Ba từ mô tả “con người lý tưởng” mà tôi muốn trở thành. Hôm nay tôi sẽ làm gì để biểu hiện những miêu tả này.

2. Ba từ định nghĩa cách tôi muốn đối xử với người khác? Hôm nay tôi sẽ làm gì để biểu hiện những miêu tả này.

3. Kỹ năng tôi đang cố gắng phát triển trong hiện tại? Hôm nay tôi sẽ làm gì để phát triển nó?

4. Điều đơn giản tôi có thể làm để tăng giá trị cho những người xung quanh mình?

5. Điều tôi có thể làm để thấy cuộc sống thêm ý nghĩa là gì?

Hãy trả lời những câu hỏi này mỗi tuần, xem xét lại chúng mỗi ngày để ghi nhận sự thay đổi của bản thân.

Hành động 2: 60 phút học tập mỗi ngày.

Dành ít nhất 60 phút mỗi ngày cho “Primary Field of interest” – lĩnh vực quan tâm chủ chốt. PFI là tập trung vào lĩnh vực bạn muốn chuyên sâu trong cuộc sống và loại bỏ những điều không quan trọng (bằng) khác. Đây là chìa khoá để nâng cấp năng lực bản thân, trở thành một người có chuyên môn độc đáo.

Đọc thêm về PFI ở sách “6 thói quen làm việc hiệu quả”.

Hành động 3: Ngã ở đâu, đứng dậy ở đó.

Bạn luôn biết mình thấy thiếu tự tin ở những khía cạnh nào của cuộc sống. Một chuyên môn trong công việc mà bạn chưa hiểu rõ. Một rắc rối, thất bại sẽ luôn xảy ra. Một sự thiếu hụt khả năng làm bạn lo âu và tự đánh giá thấp bản thân.

Đó là dấu hiệu tuyệt vời. Là sự tự biểu hiện, là tín hiệu vũ trụ, là “tiếng gọi” – để bạn có một mục tiêu hành động rõ ràng. Nếu không biết bắt đầu từ đâu, thì cách dễ nhất là bắt đầu từ nơi đang ngã.

 SÁCH VÀ KHOÁ HỌC THAM KHẢO

– 6 thói quen làm việc hiệu quả – High Performance Habits (Brendon Burchard)

– Làm chủ – Mastery (Robert Greene)

– Rèn nghị lực để lập thân (cụ Nguyễn Hiến Lê)

– Khoá học miễn phí Quản trị bản thân của cô Nguyễn Phi Vân


Posted

in

by

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *