
Một câu chuyện nghe xong ai cũng nhớ và muốn kể lại cho người khác nghe (thuật ngữ tương tự hay được nhắc tới là câu chuyện có tính “viral”). Để tạo nên câu chuyện kết dính bạn sẽ cần 5 yếu tố: sự đơn giản, tính bất ngờ, tính cụ thể, sự tin cậy, yếu tố cảm xúc.
Hãy bắt đầu nói về sự đơn giản. Chúng ta thường hiểu lầm rằng những gì phức tạp thì mới hấp dẫn. Đúng vậy, các tác phẩm vĩ đại thì thường đồ sộ và ẩn chứa rất nhiều tầng nghĩa. Nhưng cốt yếu của chúng là sự đơn giản. Nói đúng hơn thì sự đơn giản tạo ra sức mạnh của một ý tưởng. Sự đơn giản giúp người đọc ở mọi mức độ đều tiếp thu được ý tưởng của người viết. Thử tóm tắt cái cốt yếu nhất trong các câu chuyện tuyệt vời nhất bằng chỉ một câu: Cậu bé 7 tuổi chiến đấu với tên sát nhân biến thái đã theo dõi mình từ ngày sinh ra. Hoặc: Một băng nhóm đánh úp ông già về hưu để cướp găng tay ngọc. (Harry Potter và The Avengers: End Game). Xin lỗi, ví dụ này chưa được nghiêm túc lắm. Thử lại nào: Câu chuyện này là về một người đi tìm sự bất tử. Hoặc: Hai người bạn đi tìm kho báu. Hoặc: Một cặp đôi bị lạc trên hoang đảo và phải tìm đường về nhà. Tôi muốn nói đến sự đơn giản này đấy! Rồi sau đó, tuỳ theo sở thích và năng lực mà bạn có thể mang hành trình đi tìm sự bất tử vào mức độ vũ trụ, hay thần thoại, hay ở một con hẻm ở quận 1.
Tính bất ngờ là trò cút bắt với những thứ “hiển nhiên”, luật chơi là: chúng ta không bao giờ cho người đọc thứ hiển nhiên mà họ đã biết. Ở mức dễ nhất, hãy thử cút bắt ở 3 nhịp. Nhịp 1, 2 là sự quen thuộc. Nhịp 3 là bất ngờ. Chẳng hạn như: Anh đang cân nhắc giữa hai cô gái, một cô cá tính mạnh mẽ cô kia thì dịu dàng đáng yêu (nhịp 1). Anh quyết định bằng cách mời cả hai tham gia chuyến đi cứu rùa biển để xem thái độ của hai cô như thế nào (nhịp 2). Cuối cùng, anh chọn cô mặc bikini đẹp hơn (nhịp 3). Hoặc: Cuối cùng thì hoàng tử cũng tìm được cô công chúa ngủ say (1). Chàng bước đến bên nàng, thốt lên: ôi, ta sẽ làm em tỉnh dậy (2). Thế rồi, chàng nhẹ nhàng bấm remote tắt máy lạnh trong phòng, nàng công chúa bèn tỉnh dậy vì có ai mà ngủ không điều hoà được trong cái thời tiết 40 độ ở Sài Gòn tháng 4 này! (3).
Sự cụ thể: Yếu tố này giúp người đọc dễ tưởng tượng ra câu chuyện hơn, nhờ đó họ thấy câu chuyện thật hơn. Nếu xem một bộ phim mà bối cảnh, đạo cụ, kỹ xảo quá hời hợt chắc bạn khó chịu lắm? Người nghe kể chuyện cũng vậy thôi. Nếu một câu chuyện không có chi tiết, nó sẽ là quyển sách chỉ có trang đầu và trang cuối, vị thám tử phát hiện ra vụ giết người và anh ta tống tên sát nhân vào tù rồi hết chuyện. Cô gái gặp chàng trai, hai người yêu nhau rồi hết chuyện. Đâu ai viết vậy đâu, đúng không? Chúng ta sẽ cần miêu tả chi tiết tính cách, ngoại hình của nhân vật. Vùng đất nơi diễn ra câu chuyện. Thời tiết, thời trang, các hành động, phát biểu của nhân vật, sự chuyển biến tâm lý… Dan Brown – trong mỗi tác phẩm của ông – đều đưa nhân vật đi một vòng thế giới, khám phá đủ mọi thông tin về lịch sử – tôn giáo – khoa học – nghệ thuật và ông miêu tả hay tới nỗi ai cũng muốn đích thân tới bảo tàng Louvre để tìm bí ẩn về chén thánh. Sự cụ thể nói lên một tác giả chăm chỉ lao động cho tác phẩm của mình thế nào, và nó là tiền đề để tạo nên yếu tố tiếp theo: sự tin cậy.
Sự tin cậy: Không có câu chuyện nào hết nếu không ai tin là nó có thật (trừ chuyện của Bác Ba Phi). Muốn người ta tin thì đừng kể thứ gì mới mẻ hoàn toàn. Khi sáng tác, ai cũng muốn tạo ra những gì mới mẻ chưa từng có. Nhưng thực tế thì, một tác giả đã phát hiện ra rằng: tất cả mọi ý tưởng trên đời này đều đã được viết ra rồi. Vị tác giả ghi lại nhận xét của mình trong một quyển giấy cói cách đây 4000 năm! May mắn thay, nhờ không có cái gì mới hoàn toàn mà người ta mới hiểu mình viết gì và tin vào những gì mình nói.
Não con người luôn có những cốt truyện sắp sẵn, chờ lắp thêm các chi tiết để được thừa nhận là thực. Chúng ta có cốt truyện về thế giới tâm linh, tôn giáo, người hùng, dịch bệnh, tình yêu, phiêu lưu… Tuy không còn cái gì mới ở trên đời này nữa, nhưng hãy học hỏi chiếc kính vạn hoa: bỏ vào một vài yếu tố quen thuộc, cũ xưa và một ít yếu tố mới mẻ sáng tạo. Bạn sẽ có một câu chuyện phiêu lưu mới mẻ bên cạnh một triệu câu chuyện khác, câu chuyện của riêng bạn.
Nếu bạn muốn thuyết phục người khác tin vào một câu chuyện trinh thám trong đó nhân vật chính là người ngoài hành tinh đang giả dạng con người trái đất? Các dữ kiện thật về sự xuất hiện của UFO sẽ tạo nên một lịch sử hoạt động của gia tộc ngoài hành tinh. Hãy miêu tả nhân vật chính có một vài đặc điểm giống với một chứng bệnh được y học công nhận và lý giải nguyên nhân là do sự khác biệt trong thành phần không khí giữa hai hành tinh. Và nếu bạn muốn bịa ra lý do mình đi trễ giờ làm, hãy kể với sếp thật chi tiết về đám kẹt xe do diễn tập cứu hoả ở tuyến đường X, trong đó có một anh nhân viên đẹp trai hệt như Hyun Bin đã khiến hai cô gái đi xe lead tông vào nhau do mãi ngắm nhìn.
Ở một khía cạnh khác, các bài viết nhằm mục đích cung cấp thông tin, giáo dục, thay đổi thái độ, hành vi, quan điểm của người đọc sẽ cần: thông tin khoa học chính xác, số liệu rõ ràng, ý kiến chuyên gia, kết quả thực nghiệm. Sự chính xác và đáng tin của những nội dung này là yếu tố quan trọng nhất.
Yếu tố cảm xúc: Hãy nhớ lại câu chuyện gần nhất mà bạn đọc, hoặc một mẫu thông tin bất kỳ cũng được. Có phải bạn nhớ nó vì: nó làm bạn sợ, khiến bạn giận, làm bạn buồn, hoặc bạn thấy nó rất hài hước, hoặc bạn nghĩ là nó rất quan trọng cho ai đó mà bạn yêu mến? Một câu chuyện không tạo ra cảm xúc gì cho người đọc là một câu chuyện sẽ bị quên lãng khi vừa mới kể xong. Hoặc tệ hơn, người ta ngừng đọc khi mới được 3 dòng đầu tiên. Làm sao để tạo nên cảm xúc? Trước tiên, chúng ta phải hiểu về cảm xúc của con người đã. Xem phim “Inside Out” là một bắt đầu khá thú vị. Hãy quan sát cách mọi người thể hiện cảm xúc và tìm ra lý do đằng sau nó. Con người có thật nhiều cung bậc cảm xúc. Những nốt xúc cảm cơ bản nhất là: Sợ, yêu, ghét, thèm muốn. Về phía tiêu cực chúng ta có sự giận dữ, thù hằn, ghét bỏ, kinh tởm, buồn bã, sầu não, đau khổ. Phía tích cực có vui vẻ, phấn khích, cảm động, tự hào, lạc quan, tin tưởng… Mỗi người đều có sẵn những thứ cảm xúc này, hình thành từ bản nguyên, trải nghiệm cá nhân, giáo dục và môi trường mà họ lớn lên. Khi muốn khơi gợi ra các cảm xúc này, chúng ta sẽ tìm những yếu tố kích thích tương ứng. Ví dụ, hầu hết mọi người đều có phản ứng với tình mẫu tử – một hình mẫu tình yêu kinh điển. Vì vậy, nhắc tới người mẹ vẫn luôn chờ sẵn ở nhà, ý tiếng xe con mình về để kịp hâm lại thức ăn cho nóng sẽ gây xúc động cho đa số. Cái chết, độ cao, tai nạn bất ngờ, một kẻ ác không còn nhân tính, viễn cảnh về thảm họa toàn cầu… sẽ gây sợ hãi. Nếu quan sát con người đủ nhiều, bạn sẽ có đủ nguyên liệu để khơi lên bất cứ cảm xúc nào. Câu hỏi là: bạn muốn khơi lên điều gì. Có người chỉ muốn gợi lên cảm xúc tích cực. Có người ngược lại. Nhưng với cá nhân mình, tôi nghĩ, một bài hát thì phải có đủ các nốt. Làm họ căng thẳng rồi sau đó khiến họ thở phào nhẹ nhõm, cho giận một chút rồi xoa dịu, gây sợ hãi để thượng tôn tình yêu… là một hành trình cảm xúc phong phú mà người viết có thể mang vào tác phẩm của mình.
Hạ Chi
Leave a Reply