
Chúng ta ở trong một thế giới ồn ào và xao nhãng đến mức, là một người làm nội dung nghĩa là phải học cách bao vây, phủ khắp, hét lớn lên để hi vọng người khác chú ý. Viết giật gân trở thành một kỹ thuật mà ta cần biết đến. Vì vậy, đây là phần cho GIẬT GÂN. Nhưng, dùng hay không, thì bạn hãy tự chọn lựa nhé!
Hãy nhớ lại những mẩu tin đã thu hút bạn. Điểm chung của chúng là gì và làm sao để tạo ra chúng? Làm sao để tạo nên một câu chuyện giật gân?
1. Quen mà lạ
Não con người ta rất thú vị. Nó khó tiếp thu cái gì đó mới hoàn toàn, nhưng lại không bị kích thích với những thứ quá quen thuộc. Vậy nên công thức đảm bảo để kể một câu chuyện là “same same but different”.
Khi tiếp nhận một thông tin, người ta thường quy nó về những hiểu biết, hình mẫu có sẵn của mình cho dễ tiếp thu. Còn thấy khó quá thì họ bỏ qua. Ví dụ, với một khán giả bình thường đi ra rạp, đứng trước hai bộ phim được quảng cáo lần cáo lần lượt như sau:
A. “Câu chuyện về chàng trai trẻ làm rơi một chiếc máy bay để gây ấn tượng với vị tỷ phú thiên tài”
B. “Hành trình giải mã nguồn cung vật chất ngoài không gian khiến các phân tử bị biến đổi và tạo nên nguồn năng lượng không thể kiềm chế có khả năng nguy hại đến các hệ thống vận hành thang máy.”
Đa phần sẽ chọn phim A cho nó lành. Vì nó quen (love story lên bờ xuống ruộng, ngược luyến tàn tâm) và lạ (nghe có vẻ kích thích tò mò).
(Nhân tiện thì cả hai đều là phim Nhóc Nhện Về Nhà).
2. Cả-thế-giới-ra-đây-mà-xem
Giựt gân, ly kỳ, hồi hộp khiến người ta phải theo dõi liên tục vì sợ mình bỏ lỡ cái gì, đặc biệt là nhóm FOMO. Muốn xây dựng một câu chuyện giật gân? Có thể áp dụng công thức Save The Cat mà mấy bác làm phim Hollywood hay dùng (ở Việt Nam bây giờ cũng được dùng nhiều và rất là hiệu quả). Bỏ vào đó những nhân vật với chân dung – tính cách – quyền lợi khác nhau, tạo hình huống để các nhân vật tương tác với nhau theo nhiều cách.
3. Đủ thông tin – phát tán đủ
Cái gì lớn lên cũng phải ăn, câu chuyện cũng vậy. Một mẫu tin giật gân và chấm hết sẽ được quên đi vào ngày hôm sau. Nhưng nếu xây dựng đủ cơ sở dữ liệu cho nó, phát tán nó đúng và đủ kênh thì nó trở thành miếng bánh bự mà không ai phớt lờ. Câu chuyện giết tình địch bằng xyanua hay hai anh chị chia nhau vài ngàn tỷ có đủ tình tiết tới mức có người vẽ infographic cho nó, được đăng tải trên tất cả các mặt trần thì chắc chỉ có thánh nhân mới thoát khỏi ma trận thông tin này. Một TV show, một bộ phim phát sóng đủ dài để có dư chất liệu và xuất hiện đều đặn. Kết quả là chúng luôn có chỗ trong buổi tiệc buôn chuyện của chúng ta.
4. Có thể tranh cãi
Nếu tất cả mọi người đều đồng ý về một vấn đề gì đó thì nó không còn là vấn đề nữa. Một chủ đề được yêu thích là nhờ nó có những khe hở để người ta có thể kết nối bản thân mình vào đó, trình bày góc nhìn, bảo vệ ý kiến, đưa ra lập luận. Ai lừa ai, ai đúng ai sai, ai tội nghiệp ai gian ác, ai bị trừng phạt ai thắng cuộc, nữ chính nên yêu anh A hay anh B, cô nào bị loại, cô nào chuẩn bị cướp show… Toàn chủ đề để cãi nhau, thú vị quá còn gì.
5. Liên quan đến hệ giá trị / quan điểm sống / quyền lợi
Nếu câu chuyện của mình không giật gân, không giải trí thì sao? Thì nó phải quan trọng.
Cái gì là quan trọng? Sự sinh tồn, an nguy của chúng ta và những người ta thương yêu. Lẽ phải, công lý. Những giá trị sống. Quyền lợi trực tiếp. Những điều này sẽ tạo cảm xúc: yêu thương – sợ hãi – căm phẫn. Khi có cảm xúc thì ta quan tâm.
Hãy thử kể một câu chuyện:
– Quen thuộc như thể nó có thể xảy ra ngay cạnh bên, ngay với ta, ngay lúc này.
– Nhưng có điều gì đó mà người ta chưa biết, và họ cần biết nếu không sẽ có hậu quả
– Có thông điệp rõ ràng dễ hiểu dễ nhớ
– Có lời kêu gọi hành động đơn giản và hiệu quả. Tốt nhất là hành động nhỏ tạo ra giá trị lớn.
Hồi xưa có câu chuyện hư cấu về anh thiên tài nước hoa, khi sắp bị lên đoạn đầu đài anh tưới nước hoa lên người rồi đám đông tự nhiên tung hô anh như thượng đế, si mê dục vọng của họ trỗi lên, buổi xử tử biến thành màn hoan ái tập thể và anh được phán vô tội dẫu đã giết hơn chục cô gái trinh. Cũng có chuyện cổ tích về một anh thổi sáo khiến đám đông nhảy múa không ngừng được, nhảy tới chết, nhảy tới gãy chân.
Hai câu chuyện này giống nhau ở chỗ xuất hiện một bậc thầy nắm được bí quyết điều khiển tâm trí của tập thể. Bí quyết đó, nói cho dễ hiểu thì giống một cái nút, bấm trúng là kích hoạt được bản năng của con người. Bản năng là cái có sẵn, là tham sân si, là eros và thanatos. Nó vốn được lý trí kiềm chế bằng dây thừng đạo đức luân lý. Đến khi vô hiệu hoá được lý trí, thì bản năng mạnh mẽ được khơi gợi và nhảy nhót theo sự điều khiển của bậc thầy.
Chuyện chỉ là chuyện, thời buổi ngày nay chúng ta ít khi được chứng kiến những màn lên đồng tập thể theo nghĩa đen.
Nhưng,
Đổi lại, chúng ta vẫn đang bị dắt mũi bằng nhiều cách. Cái ngộ nghĩnh hơn cả là ta không ngửi mùi hương, ta không nghe điệu nhạc, ta tưởng mình tỉnh táo, ta nghĩ ta lý trí. Nhưng không phải vậy. Nhiều khi ta đang chạy lòng vòng, bị đánh lạc hướng đâu đó trong thế giới của tiểu tam, bóc phốt, luyện thi, thánh thần tứ hướng. Nhiều khi, người muốn điều khiển công chúng lại tự xoay vòng trong những giật gân mà mình làm ra.
Leave a Reply