Làm sao ta có thể suy nghĩ cẩn trọng về cách dẫn dắt người đọc và vẫn vô lo về quan điểm của họ? Tôi đảm bảo với bạn rằng đó là hai tiến trình tách biệt.
Bản dịch mà bạn đang đọc được thực hiện với mục đích cá nhân và chia sẻ trên blog này hoàn toàn phi thương mại. Tôi không sở hữu bản quyền của cuốn sách gốc, vì vậy, tôi xin khuyến khích mọi người tìm đọc bản gốc để ủng hộ tác giả và cảm nhận đầy đủ ý nghĩa tác phẩm.
Tôi chỉ là một người yêu việc viết lách và không phải là một dịch giả chuyên nghiệp, do đó bản dịch này có thể sai sót hoặc chưa truyền tải chính xác tinh thần của tác phẩm. Nếu phát hiện bất kỳ lỗi nào hoặc có góp ý, mong bạn chia sẻ để bản dịch được hoàn thiện hơn.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog, và hy vọng rằng những nội dung trong bản dịch này có thể mang lại giá trị cho bạn!
PHẦN 1 – NHỮNG QUY TẮC
CHƯƠNG 6: NGƯỜI ĐỌC

Ngay sau khi đối mặt với vấn đề giữ gìn bản sắc, một câu hỏi khác sẽ nảy mầm: “Tôi đang viết cho ai?”.
Đó là một câu hỏi nền tảng, nên có một câu trả lời căn bản: Bạn viết cho chính mình.
Đừng cố gắng hình dung đến một đám đông đọc giả. Họ không tồn tại – mỗi người đọc là một cá thể khác nhau. Đừng cố đoán xem các biên tập viên muốn xuất bản cái gì hoặc cả nước đang trong tâm trạng đọc gì. Những biên tập viên và người đọc sẽ không biết điều họ muốn đọc cho tới khi họ đọc nó. Bên cạnh đó, họ luôn tìm kiếm những điều mới mẻ.
Đừng lo lắng chuyện liệu người đọc có nắm bắt được không nếu bạn đột nhiên thích thú với sự hài hước. Nếu nó thôi thúc bạn viết, hãy viết ra. (Luôn có thể lấy nó ra, nhưng chỉ có bạn có thể đặt nó vào.). Bạn viết trước tiên là để thỏa mãn chính mình, và nếu giữ được niềm đam mê, bạn cũng sẽ làm hài lòng những độc giả thực sự xứng đáng. Nếu có ai đó không thích tác phẩm của bạn? Cũng chẳng sao, bạn đâu cần những độc giả như vậy!
Lời khuyên này có vẻ mâu thuẫn. Trước đó thì tôi cảnh báo rằng độc giả là những chú chim thiếu kiên nhẫn, đậu trên bờ vực mong manh của sự xao nhãng và buồn ngủ. Giờ tôi lại nói bạn phải viết cho chính mình và đừng bị gặm nhấm bởi mối lo liệu có ai theo kịp mình không/
Vì tôi đang nói về hai vấn đề khác nhau. Một là về kỹ năng, còn lại là thái độ. Cái đầu là câu hỏi về việc thành thạo một kỹ năng chính xác. Cái thứ hai là chuyện bạn sử dụng kỹ năng đó như thế nào để thể hiện cá tính của mình.
Về mặt kỹ năng, không thể biện hộ cho việc để mất độc giả do tay nghề cẩu thả. Nếu họ ngủ gật giữa bài viết bởi bạn đã bất cẩn trong một chi tiết kỹ thuật, lỗi là do bạn. Nhưng bạn không cần bận tâm quá nhiều về việc người đọc có thích bạn hay không, có đồng ý với những gì bạn viết, hoặc có thiện cảm với gu hài hước và thế giới quan của bạn. Đừng để những điều đó làm bạn phân tâm. Bạn là chính bạn, người đọc là chính họ, và giữa hai bên sẽ có sự kết nối – hoặc không.
Có lẽ nó vẫn bí ẩn như chiếc hộp Pandora. Làm sao ta có thể suy nghĩ cẩn trọng về cách dẫn dắt người đọc và vẫn vô lo về quan điểm của họ? Tôi đảm bảo với bạn rằng đó là hai tiến trình tách biệt.
Trước tiên, hãy làm việc chăm chỉ để làm chủ kỹ thuật. Trong sáng, tiết giảm và nỗ lực giữ trật tự vững chãi. Nghĩ về nó như một hành động cơ học, và sớm thôi câu từ của bạn sẽ rành mạch hơn. Cái hành động ấy sẽ chẳng bao giờ trở thành tự động, như cách cạo râu hay tắm rửa, bạn sẽ luôn phải nghĩ về cách tận dụng những kỹ thuật khác nhau. Nhưng ít nhất, các câu từ sẽ có các nguyên tắc vững chắc làm căn cơ, và khả năng làm lạc độc giả sẽ nhỏ hơn.
Phần còn lại là câu chuyện của sự sáng tạo: thể hiện bạn là ai, thư giãn, và viết những điều bạn thực sự muốn chia sẻ. Bởi phong cách viết chính là con người bạn, bạn chỉ cần tin vào bản thân để thấy nó dần dần hiện ra từ bên dưới đống lộn xộn và mảnh vụn, đặc sắc hơn mỗi ngày. Có thể phong cách viết sẽ không được củng cố qua nhiều năm như phong cách sống hay giọng nói của bạn. Bạn cần thời gian để tìm ra mình là một người như thế nào, và cũng sẽ cần thời gian để thấy mình là một người tạo ra phong cách, và thậm chí sau đó cái phong cách ấy sẽ thay đổi khi bạn già đi.
Nhưng bất kể tuổi nào, hãy là chính mình khi bạn viết. Nhiều tác giả cao tuổi vẫn viết với chất nhựa sống họ có khi còn hai mươi, rõ ràng ý tưởng của họ vẫn còn thật trẻ. Các ông già khác lan man và lặp lại chính họ, phong cách viết của họ là dấu hiệu cho thấy họ dần trở nên lắm lời nhàm chán. Đừng viết bất cứ điều gì bạn cảm thấy không thoải mái khi nói trực tiếp với ai đó. Nếu bạn không phải là người nói “thực sự” hoặc “hơn nữa” hoặc gọi ai đó là một cá nhân (“anh ấy là một cá nhân tốt”), xin hãy ngừng viết như vậy.
Hãy theo dõi một vài nhà văn để thấy niềm sung sướng khi họ viết lên giấy những đam mê và những điều vụn vặt, không cần quan tâm đến việc người đọc có chia sẻ chúng hay không. Trích dẫn đầu tiên là từ “Gà mái: Một sự tri ân”, viết bởi E.B.White năm 1944, khi chiến tranh thế giới lần II ở đỉnh điểm:
Loài gà không phải lúc nào cũng hưởng thụ một vị trí danh dự giữa những thị dân, mặc dù trứng thì, tôi thấy, luôn luôn. Bây giờ thì gà mái đang được sủng ái. Chiến tranh đã thần thánh hoá nó trở thành vật cưng của hậu phương, được kết nạp tại bàn hội nghị, được ca ngợi trong mọi chiếc xe mù thuốc, thói đàn bà và tính đâm chọt của nó trở thành chủ đề hào hứng của những ông chủ trại – đám mà mới hôm qua vẫn xem nó là xa lạ, với chẳng chút danh dự hay mị hoặc nào.
Sự gắn bó của tôi với gà bắt đầu từ năm 1907, trung thành trong những lúc vui vẻ và cả lúc đau buồn. Mối quan hệ của chúng tôi không phải lúc nào cũng dễ dàng. Hồi còn là cậu bé ở vùng ngoại ô được khoanh vùng cẩn thận, tôi có hàng xóm và cảnh sát để để mắt đến, và những cô gà được bảo vệ chặt chẽ như một tờ báo bất hợp pháp. Sau này, là một người thôn dân, tôi phải để mắt đến những người bạn cũ, mà phần lớn họ xem gà chẳng hơn gì mấy diễn viên hài tạp kỹ. Sự khinh miệt của họ chỉ làm tăng thêm lòng sùng kính của tôi với nàng gà. Tôi vẫn trung thành, như một đấng trượng phu đối đãi với một cô dâu bị gia đình anh ta công khai chê cười.
Giờ thì tới lượt tôi cười, khi nghe tiếng cười khục khặc nhiệt tình của những thị dân vừa đột ngột tham gia vòng quảng giao gà và lấp đầy không khí bằng những khám phá xuất thần và kiến thức mới về sự liên quan giữa giống New Hampshire Red và Laced Wyandotte. Bạn sẽ nghĩ, từ những tiếng nức nở ngợi khen của họ, cô gà phải nở hôm qua nở ngoại ô New York thay vì cái quá khứ xa xôi trong rừng rậm Ấn Độ.
Đối với một người đàn ông nuôi gà mái, tất cả kiến thức về gia cầm đều thú vị và hấp dẫn vô tận. Mỗi mùa xuân, tôi ngồi xuống với nhật ký trang trại của mình và đọc, với vẻ vô cảm không đổi, câu chuyện muôn thuở về cách chuẩn bị chuồng ấp trứng….
Nhà văn đã viết về một chủ đề mà tôi không có chút hứng thú nào cả. Nhưng tôi đã tận hưởng tác phẩm này một cách trọn vẹn. Tôi thích vẻ đẹp đơn giản trong phong cách của nó. Tôi thích nhịp điệu, những từ ngữ bất ngờ mới mẻ (như “thần thánh hoá”, “mị hoặc”, “khục khặc”), những chi tiết đặc biệt về giống Laced Wyandotte và chuồng ấp trứng. Nhưng chủ yếu điều tôi thích thú là chuyện người đàn ông này kể với tôi không chút ngượng ngùng về chuyện tình của anh với nàng gà những năm 1907. Nó được viết rất nhân văn và ấm áp, và sau 3 đoạn văn, tôi đã biết khá rõ cái anh chàng yêu gà này là người như thế nào.
Hay là nhìn sang một nhà văn gần như đối lập với White về phong cách, người thích các từ ngữ sang trọng vì chính sự oai vệ của chúng và không tôn thờ các câu đơn giản. Tuy nhiên họ là đồng đội trong lĩnh vực kiên định với điều họ nghĩ và cái họ nói. Đây là bản báo cáo của H. L. Mencken về “Phiên tòa khỉ” khét tiếng—vụ xét xử John Scopes, một giáo viên trẻ dạy thuyết tiến hóa trong lớp học ở Tennessee—vào mùa hè năm 1925:
Thời tiết nóng bức khi họ xét xử kẻ ngoại đạo Scopes tại Dayton, Tenn nhưng tôi rất sẵn lòng đi xuống đó, vì háo hức muốn xem điều gì đó của những người truyền đạo Cơ đốc như một mối quan tâm đang diễn ra. Các thành phố lớn của Cộng Hoà vẫn mắc phải căn bệnh lãng phí, bất chấp nỗ lực của những công dân tận hiến. Những giám thị Chủ nhật đang lén lút nghe nhạc jazz từ chiếc radio, nhún nhảy trên đôi giày chống lửa. Các học sinh bước sang tuổi thành niên, không còn phản ứng với sự tăng sinh hormone bằng cách nhập ngũ để thực hiện nghĩa vụ truyền giáo ở châu Phi, mà thay vào đó họ thắt cổ. Ngay cả tại Dayton, tôi nhận thấy, mặc dù đám đông chuẩn bị xét xử Scopes, vẫn len lỏi mùi của chủ nghĩa phản sinh. Chín cái nhà thờ của ngôi làng trống nửa ghế vào Chủ nhật và cỏ dại thì mọc đầy sân.
Chỉ hai hoặc ba trong số các mục sư thường trú xoay sở để nuôi sống bản thân bằng thứ khoa học tâm linh của họ, những người còn lại phải nhận đơn đặt hàng quần tây qua thư hoặc làm việc trong các cánh đồng dâu tây gần đó, tôi nghe nói có một người là thợ cắt tóc. Đúng 12 phút sau khi đến làng, tôi được một tín đồ Cơ đốc kéo đi giới thiệu loại rượu được yêu thích của Cumberland Range, với nửa là rượu bắp và nửa là Coca. Đó có vẻ là một món uống kinh khủng với tôi, nhưng tôi nhận ra hội Illuminati Dayton nốc chúng đầy thích thú, xoa bụng và đảo mắt. Họ đều mê mẩn Genesis, nhưng trót sở hữu bản mặt quá hoa mỹ cho một kẻ nghiện rượu. Và khi một cô gái xinh đẹp vấp ngã trên phố, tay họ với tới chỗ lẽ ra phải có một cái cà vạt, với phong thái của một ngôi sao điện ảnh khát tình.
Đó là Mencken thuần túy với sự trào dâng mạnh mẽ đậm đặc bất kính. Trong bất kỳ trang sách nào được mở ra ngẫu nhiên, ông đều nói điều gì đó chắc chắn đây phẫn nộ cho những người đồng hương. Sự tôn nghiêm mà người Mỹ tưới tắm cho những anh hùng, nhà thờ và luật pháp của họ – đặc biệt là Lệnh cấm rượu – là một giếng đạo đức giả không bao giờ cạn. Một số loại đạn dược nặng nhất mà ông ném vào các chính trị gia và Tổng thống – bức chân dung về “Tổng lãnh thiên thần Woodrow” – vẫn còn nghi ngút khói trên trang giấy – và những tín đồ Cô đốc giáo cùng giới giáo sĩ cứ xuất hiện không ngừng như những gã lang băm và bọn phô ngực trần.
Thật kỳ diệu khi Mencken thoát khỏi những làn sóng chỉ trích mạnh mẽ của những năm 1920, khi tôn thờ các anh hùng là tôn giáo của người Mỹ và cơn thịnh nộ của sự tự cho mình là đúng đắn từ Vành Đai Kinh Thánh đã lan truyền từ vùng này đến vùng kia. Ông không chỉ được miễn tội mà còn là nhà báo được kính trọng và có tầm ảnh hưởng nhất trong thế hệ của mình. Tác động mà ông tạo ra với các nhà văn phi hư cấu sau này là không thể đo lường được và tại thời đại này, các tác phẩm thời sự của ông vẫn mới mẻ như thể chúng được viết vào hôm qua.
Bí mật làm nên sự vang danh – ngoài khả năng sử dụng ngôn ngữ thần thánh của ông – là ông đã viết cho chính mình và mặc xác người đọc nghĩ gì. Không nhất thiết phải đồng cảm với những định kiến của ông mới có thể thưởng thức cách chúng được thể hiện với sự buông lơi vui vẻ như vậy. Mencken không bao giờ lảng tránh hay rụt rè, ông không cúi đầu trước độc giả hay quỵ lụy ai. Phải thật can đảm mới trở thành một nhà văn như ông, nhưng chính từ sự can đảm đó mà những người viết đáng kính và có tầm đã ra đời.
Chuyển đến đương thời, đây là một trích đoạn từ “How to survive in your Native Land” (Cẩm nang sinh tồn nơi đất mẹ), một quyển sách của James Herndon viết về trải nghiệm dạy học ở trường trung học California. Trong cả rừng những quyển sách nghiêm túc viết về giáo dục đã mọc lên ở Mỹ, quyển này – theo cá nhân tôi – là tác phẩm nắm bắt rõ nhất thực tế đã diễn ra trong một lớp học. Phong cách của ông không giống bất kỳ ai, nhưng chân thực. Đây là cách cuốn sách bắt đầu:
Tôi có thể bắt đầu với Piston. Piston, như một chủ đề cần miêu tả, một học sinh lớp tám đầu đỏ, mũm mĩm vừa phải. Tuy nhiên, đặc điểm của thằng bé là sự bướng bỉnh. Không cần đi sâu vào quá nhiều chi tiết, nhưng thằng bé hiển nhiên sẽ không làm thứ nó không muốn, và cái gì nó muốn – nó sẽ làm bằng được.
Cũng không phải là vấn đề gì lớn lắm. Piston chủ yếu muốn vẽ tranh, mấy con quái, nó phác các thiết kế lên máy in chì rồi in ra, thi thoảng cậu chàng viết truyện kinh dị. Vài đứa nhỏ gọi nó là Ngài Ma Quái. Và khi nó không thích làm bất cứ thứ gì trong mấy việc trên, nó sẽ đi lang thang trong hành lang và có khi (tôi nghe nói) điều tra phòng vệ sinh của các em nữ.
Chúng tôi có những cuộc đối đầu nhỏ. Có lần tôi muốn học sinh ngồi xuống và lắng nghe tôi – nói về những điều chúng đã hành xử trong hội trường. Tôi định nói, học sinh có thể tự do đến hoặc đi, miễn là tôi không phải nghe những lời cằn nhằn từ các giáo viên khác. Tôi quyết định là để các em ngồi xuống trước rồi mới nói chuyện. Piston đứng yên. Tôi yêu cầu lần nữa. Nó phớt lờ. Tôi nhấn mạnh rằng tôi đang nói với nó. Nó bảo đã nghe thấy tôi. Vậy sao không ngồi? Nó nói, “Em không muốn”. Tôi bảo “Tôi muốn em làm như vậy”. “Điều đó không quan trọng!”. “Em cứ ngồi đi”, tôi bảo. “Tại sao?”. “Bởi vì tôi yêu cầu”. “Không, em không ngồi”. Tôi nói, “Tôi muốn em ngồi xuống và lắng nghe những gì thầy sắp nói”. “Em đang nghe. Em sẽ nghe, nhưng em không ngồi đâu!”.
Chà, đó là cách đôi khi diễn ra ở trường học. Bạn với tư cách là giáo viên bị ám ảnh bởi một vấn đề— mình là bị hại, như thường lệ, được trao những quyền hạn chưa từng có, mà ở đây nó vẫn bị xâm phạm như thường. Thật không dễ chịu gì khi đến phòng giáo viên uống cà phê và phải nghe ai đó nói rằng trò này trò kia trong lớp của bạn đã ra ngoài hành lang trái phép và làm mặt xấu và đưa ngón tay thối cho trò khác phần quan trọng nhất của bài học của tôi về Ai Cập. Bạn được quyền lên giọng phát biểu và hầu hết các học trò sẽ phải nghe theo, chúng sẽ ngồi xuống để nghe, nhưng thi thoảng sẽ có đứa chọc tức bạn bằng cách từ chối phục tùng “nó không cần thiết”…. Làm thế nào mà bất kỳ ai trong chúng ta dính vào chuyện này? Ta phải tự hỏi bản thân mình…
Bất cứ ai dùng “tôi không” và “trịch thượng” trong cùng một câu mà không dấu ngoặc kép đều biết anh ta đang viết gì. Cái phong cách phi-nghệ-thuật rất nghệ kia quá lý tưởng cho mục đích của Herndon. Nó né được cái tự phụ đã tràn lan trong nhiều bài viết của những người có nghề nghiệp tôn quý, và nó giúp tạo ra một phong cách hài hước hợp lẽ thường. Herndon có vẻ là một giáo viên giỏi, và là người tôi muốn kết bạn. Nhưng cuối cùng, anh ta viết chỉ để làm hài lòng một người duy nhất: chính bản thân mình.
“Tôi đang viết cho ai?” Câu hỏi bắt đầu chương này đã khiến một số độc giả khó chịu. Họ muốn tôi nói “Tôi viết vì ai?” Nhưng tôi không thể bắt mình nói ra. Đó không phải là tôi.
Leave a Reply