Đau là không thể tránh khỏi, nhưng khổ là tự chọn


Câu này được Murakami Haruki viết trong quyển “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ”. Bản tiếng Việt được dịch là “Đau đớn là không thể tránh khỏi, đau khổ là tự nguyện”. Tôi thấy hay hay, còn chép vào sổ tay. Lúc đó tôi cũng đang đau khổ, tôi gánh vác nó mại thành quen. Tôi nghĩ rằng đau khổ sẽ mang đến cho mình điều gì đó, có thể là cảm giác “những thứ mình đang làm là xứng đáng”, “mình đã thực sự trả giá vì nó”. Tôi không bỏ nỗi đau khổ của mình xuống được, vì bỏ nó tôi không còn lại gì. 2 năm sau, tôi đọc bản tiếng Anh: “Pain is inevitable. Suffering is optional”. Đau là không thể tránh khỏi. Khổ là tuỳ chọn. Hoá ra là vậy. 

Bạn có từng trải qua thời điểm “giác ngộ” một điều gì đó? Kiểu như, sau khi có rất nhiều trải nghiệm hoặc chiêm nghiệm một điều gì đó đủ lâu, bạn có một số ý tưởng nhưng nó chưa thành hình. Rồi vào một thời điểm bất ngờ, một ánh mặt trời, một trận mưa, một câu nói, khiến những ý tưởng mù mờ đó tụ lại và nở ra thành đoá hoa nhận thức? Lúc đọc lại câu nói trên, có một đoá hoa đã nở trong tôi.

Ý ông Murakami nói rằng, lúc chạy bộ, chuyện cảm nhận cái đau vật lý là đương nhiên. Nhưng cảm thấy “trời ơi mình sắp chết rồi”, “ai bắt mình phải chạy chi cho đau quá vậy nè?”, “chạy như cún thế này mai chắc rớt chân ra không xuống giường được”, “người ta chạy cái èo, mình lết lết mà đau quá má ơi”, “thôi bỏ, thôi bỏ, chơi môn gì mà khổ quá hè” – là chọn lựa của bạn. Nó không bắt buộc, vì nó không phải là sự thật hiển nhiên, nó không phải là thứ khách quan xảy đến, nó phụ thuộc vào tâm trí của bạn.

Trong mọi sự xảy đến với mình, tâm trí mới là thứ giáng vào mình đòn đau nhất. Bạn đi trễ, tâm trí sẽ nói với bạn rằng “Mày là một đứa cẩu thả vô dụng. Mày sẽ bị đuổi việc. Người khác sẽ coi thường mày”. Bạn khổ vì lo lắng. Người khác đi trễ, tâm trí sẽ nói “Nó không tôn trọng mày. Nó coi thường mày. Nó là đứa không đáng tin tưởng.” Bạn khổ vì giận.

Bạn không biết giải quyết một việc gì đó, tâm trí nói với mình “Đồ bất tài. Mày sẽ không bao giờ thành công đâu. Người khác mà biết mày dốt như vậy, họ sẽ khinh mày lắm”. Bạn khổ vì tự ti.
Chồng bạn có bồ, tâm trí sẽ để bạn suy nghĩ “Anh ta dám phản bội tôi ư? Tôi làm gì sai? Tôi có lỗi gì à? Anh ta và con nhỏ kia làm những gì? Nếu mình và con đó đều cần hiến thận thì anh ta sẽ hiến cho ai? Nếu mình chết đi, con mình sẽ có mẹ kế…” Bạn khổ đau vì si, hận.

Người ta nói “tôi đau khổ đến chết đi được”. Nhưng thực tế thì đau khổ không giết được ta, nó chỉ khiến ta chọn cái chết – vì ta thấy rằng cuộc sống này khổ không thể chịu đựng được nữa, không còn gì để hi vọng nữa. Ta không biết rằng đau khổ là quà khuyến mãi đính kèm. Không lấy thì thôi. Ta nghĩ mình phải mua trọn gói.

Trong các phương pháp thiền, có một thể loại gọi là “Thiền Minh Sát” (Vipassana). Kiểu thiền này không yêu cầu phải tưởng tượng ra cái gì, cũng không gọi tên vị Phật, Chúa, Đấng nào. Chỉ yêu cầu mình ngồi yên, quan sát hơi thở, quan sát cảm giác. Quan sát và không phản ứng. Để biết rằng cảm giác tới, cảm giác thay đổi, cảm giác đi. Kể cả nỗi đau. Nếu mình để yên nó, chấp nhận nó, nó cũng đi. Muốn giữ cũng không được. Minh sát – là nhìn cái gì ra cái đó, để không bị tâm trí bắt xem drama nữa. Để hiểu rằng đau khổ là chọn lựa không bắt buộc.

Ông Murakami chạy bộ nhiều nên chắc cũng vững trí như mấy người tập thiền. Mỗi năm người ta lại đưa ông vào danh sách Nobel văn học, rồi cho người khác nhận giải. Fan ông và mấy người cá cược thì rần rần, chứ ông không ý kiến gì cả. Ông cứ làm chuyện của ông: chạy bộ mỗi ngày, viết mỗi ngày.
Đau là không thể tránh khỏi. Đau khổ là tuỳ chọn. Nhưng thường chúng ta, sẽ khổ vì cái đau không thể tránh khỏi đó, rốt cuộc tự tổn thương cả thân và tâm mình bởi cảm giác bất lực. 

Nếu bạn đang đau khổ, hãy thử tách đau ra khỏi khổ. Biết đâu chừng, bạn sẽ thấy hoá ra chuyện này mình có thể chịu được.


Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *