“Bị phản bội có nghĩa là cả hai bạn cần học điều gì đó, cả hai bạn có nhu cầu được chữa lành, được thay đổi, được phát triển” – CÁI GÌ CƠ?

Tôi có mua một khóa tập thể dục của Adina, một KOL nổi tiếng về chủ đề “tính nữ.” Khóa học này rất vui, vì năng lượng của cô này rất trẻ thơ, vui chơi, nên mấy bài tập cũng như kiểu con nít đùa giỡn và không hề nhàm chán. Mà tôi không có tập (a hèm). Nhưng rồi, một ngày nọ, tôi nhớ ra cô ấy và ngạc nhiên chưa, thì ra cô đã biến mất khỏi thị trường lâu rồi. Ghé lại Instagram và nhận ra bài đăng cuối cùng của cô ấy đã từ năm 2022.
Trong bài viết đó, cô ấy chia sẻ:
“Bị phản bội không có nghĩa là bạn không được yêu, bạn không đủ tốt, là bạn trai của bạn rất tệ hay mối quan hệ phải kết thúc. Điều đó chỉ có nghĩa là cả hai cần học một điều gì đó, cần được chữa lành, thay đổi, phát triển.”
Khoan đã, cái gì cơ? Tôi nhăn mặt. “Cùng nhau chữa lành? Ủa?”
Bạn có nghĩ đây là một chủ đề gây tranh cãi, đặc biệt trong bối cảnh văn hóa Việt Nam, nơi việc “đánh ghen” không chỉ phổ biến mà còn được dư luận xem như một cách “đòi lại công bằng” không?
Pháp luật không cho phép
Gần đây, câu chuyện một người vợ đánh ghen đã gây xôn xao dư luận. Combo ngoại tình + bắt ghen + bé ba thách thức = chị vợ + đám đông “xử lý” cả hai bằng hành động bạo lực. Ban đầu, dư luận cảm thấy rất đã đời vì “đây mới là cách đúng để xử Baby Tree”. Nhưng rồi mọi chuyện rẽ hướng khi chị bị truy tố, trở thành bị cáo. Những tổn thương của chị không được giải quyết, và giờ đây, chị không chỉ mất đi danh dự mà còn phải đối mặt với pháp luật. Cơn giận dữ, dù chính đáng, cũng có thể dẫn đến những hậu quả vượt ngoài kiểm soát. Đôi khi, trong khi cố gắng trừng phạt người khác, bạn vô tình làm tổn thương chính mình nhiều hơn.
Báo thù – báo thù – phải báo thù
Khi đứng trước tổn thương, chúng ta thường nghĩ đến việc “bằng bất cứ giá nào cũng phải báo thù” – làm tổn thương đối phương ngay cả khi biết mình cũng sẽ chịu thiệt thòi.
- Cảm giác kiểm soát: Việc trả thù mang lại cảm giác rằng bạn đang nắm quyền quyết định thay vì bị đẩy vào thế yếu. Bạn tạm thời thoát khỏi cảm giác bất lực (dù đôi khi điều này chỉ là ảo giác). Câu nói điển hình: Tôi không để yên chuyện này đâu.
- Giảm bớt nỗi đau tạm thời: Hành động trả thù có thể giúp xoa dịu cảm giác đau đớn trong thời gian ngắn (vì ta có một hành động để hướng đến). Câu nói điển hình: Tôi phải làm một cái gì đó.
- Khẳng định giá trị bản thân: Khi trả thù, bạn đang cố gắng khẳng định rằng mình vẫn có giá trị và không ai có thể coi thường bạn. Tuy cách làm này thường chỉ củng cố cảm giác bất an thay vì giải quyết tận gốc vấn đề, nhưng “Tụi mày biết tao là ai không?”
Lưỡng bại câu thương hay tâm lý “tôi mất hết cũng không để cho tụi nó được nhởn nhơ”.
Hiện tượng này trong tâm lý học được gọi là “sự tự hủy hoại tương hỗ” (mutual destruction). Nó xuất phát từ sự giận dữ cực đoan và mong muốn gây tổn thương đối phương, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc chính bạn cũng phải chịu thiệt hại.
- Cảm giác công bằng lệch lạc: Người ta có xu hướng nghĩ rằng: “Nếu tôi đau, bạn cũng phải đau. Nếu tôi mất mát, bạn cũng không được sống yên.” (hay mắt đền mắt, răng đền răng) Đây là cách tìm kiếm sự công bằng theo một logic đầy cảm tính, thường dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn cho cả hai bên.
- Mâu thuẫn nội tâm về giá trị bản thân: Đằng sau hành động này thường là sự tự trừng phạt: một phần của bạn cảm thấy mình xứng đáng bị tổn thương, và bạn dùng cơn giận như một cái cớ để chính mình chịu đựng thiệt thòi. Điều này có thể bắt nguồn từ những tổn thương cũ, từ cảm giác không được yêu thương hoặc không đủ tốt.
Hay là đi thiền?
Tôi nhớ đến một người chị từng gặp trong khóa thiền Vipassana. Chị kể rằng, khi phát hiện chồng ngoại tình, chị giận dữ đến mức muốn giết cả hai người rồi chết cũng được. Nhưng sau một khóa thiền, chị không còn muốn giết ai nữa. Đi thêm một khóa, chị nhận ra mình và họ vốn xa lạ, không còn gì để níu kéo. Đến khóa cuối, chị thậm chí cảm thấy thông cảm cho người thứ ba. Ai đó có thể gọi đó là sức mạnh của Phật pháp, nhưng tôi nghĩ đó là sức mạnh của sự quán chiếu. Thiền không giúp bạn quên đi nỗi đau, mà giúp bạn đối diện với nó, tháo gỡ những nút thắt bên trong. Nó tách rời búi chỉ rối của cảm xúc, những kỳ vọng, lệch lạc nhận thức, bản năng tự vệ… ra thành từng nhóm khác nhau và rồi sau đó có rất nhiều mô hình ứng xử kiểu “chồng có bồ –> phản bội –> tức giận, đau khổ –> trừng phạt” bỗng trở thành một trong những chọn lựa chứ không là duy nhất nữa.
Nhưng nếu bạn không muốn đi thiền hay chữa lành thì… thôi. Cũng không phải ai cũng cần chọn con đường này.
Quả đắng cũng là quả
Tha thứ hay không, đánh ghen hay buông bỏ, không có đúng hay sai, cao giá hay thấp kém. Ép mình phải leo lên lá sen để ngồi làm gì, vì nếu chưa sẵn sàng ta cũng nhào đầu xuống bùn (hệt như người chọn lựa quào đầu đứa khác). Chủ nghĩa hoàn hảo đôi khi khiến ta gánh thêm áp lực: “Tôi phải tha thứ để chứng minh mình cao thượng.” Việc đối mặt với tổn thương đôi khi còn đau đớn hơn nếu bạn ép mình phải “tha thứ”.
Cảm xúc giận dữ, tổn thương, hay thậm chí khao khát trả thù đều có giá trị tồn tại và gần được ghi nhận. Quan trọng là, hãy dành thời gian để tự hỏi liệu những cảm xúc đó mang bạn đến đâu, có phải là nơi có lợi cho bạn không.
Cân nhắc trước khi làm gì đó
- Hành động này có tốt cho mình không? Nếu bạn muốn trả thù, hãy tự hỏi liệu nó có làm tổn hại đến chính bạn. Vì sao bạn chấp nhận sự tổn hại này?
- Bạn sẽ cảm thấy gì sau đó? Sự hả hê có thể chỉ là tạm thời, nhưng hậu quả có thể kéo dài mãi mãi.
- Thay vì tập trung vào người khác, bạn có thể làm gì để chăm sóc bản thân?
Biết đâu Adina nói đúng?
Có thể, những khó khăn trong mối quan hệ không chỉ là bi kịch, mà còn là cơ hội. – Nó có thể là:
- Bài học cho cả hai (bài học nhìn redflat hoặc học cách bình tĩnh cũng là học)
- Nhu cầu chữa lành (tâm hồn, hoặc cơ thể – sau khi lỡ tác động nhau)
- Nhu cầu thay đổi (thay đổi bản thân hoặc thay đổi partner)
- Nhu cầu trưởng thành (và quay lại cảm ơn người yêu cũ vì đã là một giáo viên
Với người này, dưa chín mới ngọt. Với người khác, quả đắng cũng là quả. Và có thể với bạn, quả dưa mà mình hái là quả tốt nhất trên đời.
Adina đâu rồi vẫn là một bí mật. Cô ấy trầm cảm, hay bỏ nghề, chia tay, hay mở nhà hàng… tôi vẫn hy vọng cô luôn bình an – và nhớ duy trì web có khoá thể dục vì lúc mua cô đã cam kết “vĩnh viễn”.