Lời Nguyền Tri Thức Là Gì? Steven Pinker Giải Thích Lý Do Viết Dở

Tôi quyết định chuyển ngữ (dù chưa thật trọn vẹn) cuộc trò chuyện giữa David Perell và Steven Pinker – không chỉ vì đây là một trong những cuộc phỏng vấn hiếm hoi mà Pinker chia sẻ một cách sống động, dí dỏm và thẳng thắn về viết lách, mà còn vì từng câu trả lời trong đó chứa đựng những nguyên tắc nền tảng mà bất kỳ ai muốn viết tốt – dù là viết sách, viết content, viết nghiên cứu hay viết cho chính mình – đều nên đọc một lần.

Pinker không chỉ là một nhà ngôn ngữ học và tâm lý học hàng đầu thế giới. Ông còn là tác giả của những cuốn sách dễ đọc dù nội dung học thuật phức tạp. Và điều đó không phải tự nhiên mà có – đó là kết quả của một quá trình tư duy rõ ràng, tôn trọng độc giả, và rèn luyện việc viết như một người đang cố gắng được hiểu.

Video Harvard Professor Explains The Rules of Writing — Steven Pinker

Tôi đang có mặt tại văn phòng của Steven Pinker ở Đại học Harvard. Ông là tác giả của chín cuốn sách và đã dành cả cuộc đời mình để nghiên cứu về ngôn ngữ, nhận thức và viết lách. Trong buổi trò chuyện này, chúng tôi bắt đầu với những điều rất thực tế — đó là những quy tắc viết lách của ông. Điều khiến ông trở nên đặc biệt là ông đã suy nghĩ về trí tuệ nhân tạo từ những năm 1980.

Vì vậy, nếu bạn quan tâm đến việc viết phi hư cấu thật hay trong thời đại của các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs), thì cuộc phỏng vấn này là dành cho bạn.

Lời nguyền tri thức – tại sao chuyên gia thường viết dở

David Perell: Tôi muốn bàn về “lời nguyền của tri thức” (curse of knowledge) — và một bức tranh biếm họa trong sách của ông, trong đó có dòng chữ: “Khởi đầu tốt, cần thêm chút ngớ ngẩn nữa.”

Steven Pinker: Khi tôi đặt câu hỏi: “Tại sao lại có quá nhiều văn bản viết tồi?” — trong giới học thuật, hành chính, hay doanh nghiệp — thì câu trả lời được ưa chuộng nhất chính là điều bức tranh ấy châm biếm: rằng viết dở là một sự lựa chọn có chủ đích.

Theo quan điểm đó, giới học thuật không có gì để nói nên mới cố làm màu cho những ý tưởng tầm thường bằng ngôn ngữ phức tạp để tỏ ra uyên bác; hay các “mọt sách mặt tái” đang trả thù những cô gái từng từ chối họ hồi trung học. Nhiều người muốn dựng nên một thứ giáo phái mà người ngoài không thể nào bước vào được — chỉ vì họ chưa học thuộc ngôn ngữ chuyên ngành.

Nhưng tôi không cho rằng đó là cách lý giải tốt nhất cho việc viết tệ.

Một phần vì trải nghiệm cá nhân: tôi biết rất nhiều người thông minh, có rất nhiều điều giá trị để chia sẻ, và hoàn toàn không có ý định che giấu hay làm rối vấn đề — họ chỉ đơn giản là không biết cách diễn đạt rõ ràng. Trong trường hợp này, có thể áp dụng nguyên lý dao cạo của Hanlon (Hanlon’s Razor): “Đừng quy kết điều gì cho ác ý nếu sự ngu ngốc đã đủ để lý giải nó.” Dĩ nhiên, tôi không nói họ là người ngu ngốc — nhưng đúng là có một dạng “ngu ngốc” trong việc không nhận ra người đọc đến từ đâu, họ đang biết gì và chưa biết gì.

Tôi có một ví dụ điển hình: tại một hội nghị về công nghệ – giải trí – thiết kế, hay còn gọi là TED, có một nhà sinh học phân tử xuất sắc được mời trình bày nghiên cứu mới nhất của mình. Ngay từ đầu, ông ta bắt đầu bài nói y hệt như đang trình bày với các đồng nghiệp trong ngành sinh học phân tử. Và chỉ sau bốn giây, ông ấy đã đánh mất toàn bộ khán giả. Vì ông chỉ nói bằng biệt ngữ, không giới thiệu vấn đề cần giải quyết là gì, vì sao nó quan trọng — ông nhảy thẳng vào mô tả thí nghiệm.

Trong hội trường lúc đó là vài trăm người đến từ nhiều lĩnh vực: thiết kế, giải trí, truyền thông… Ai cũng rõ mồn một rằng họ không hiểu một chữ nào, ngoại trừ chính nhà khoa học kia — người hoàn toàn không nhận ra điều đó.

Đây không phải là một người ngu dốt. Nhưng ông ấy cực kỳ thiếu hiểu biết khi nói đến giao tiếp: không phải ai cũng biết điều bạn biết.

Khái niệm “lời nguyền của tri thức” bắt nguồn từ kinh tế học, và nó mô tả cái khó cố hữu khi ta cố tưởng tượng cảm giác của người “không biết” điều mà chính mình đã biết.

Điều cần làm, chính là gỡ bỏ bớt thông tin khỏi bộ não của bạn, đặt mình vào vị trí của người đọc hay người nghe – dù bạn đang viết hay đang nói trước công chúng. Hãy cố gắng hình dung họ đến từ đâu, họ biết gì, và họ chưa biết gì.

Tôi cho rằng đó là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến việc viết kém: viết ra những chữ viết tắt, từ ghép, mà không ai có cách nào hiểu nổi. Dùng biệt ngữ mà chỉ một nhóm rất nhỏ trong ngành mới hiểu. Dùng các khái niệm trừu tượng như kiểu: “mức độ kích thích tỷ lệ thuận với cường độ phản ứng” — trong khi thực chất nó chỉ có nghĩa là: “trẻ con nhìn con thỏ lâu hơn là nhìn xe tải.”

Tức là, vì bạn đã quá quen thuộc với thông tin ấy, nên bạn không còn thấy cần phải giải thích cụ thể người đọc cần tưởng tượng điều gì. Tất cả những điều đó là biểu hiện của ‘lời nguyền của tri thức’. Nó còn được gọi bằng những cái tên khác như chủ nghĩa vị kỷ (egocentrism), hoặc sự thiếu vắng lý thuyết về tâm trí (theory of mind).

Lý thuyết về tâm trí – tức là khả năng hình dung điều đang diễn ra trong đầu người khác – chính là thứ mà người viết thường thiếu khi viết cho người ngoài chuyên môn.

Và nếu tôi phải chỉ ra khiếm khuyết lớn nhất trong giao tiếp và viết lách, thì chính là điều đó.

David Perell: Khi ông viết sách, tôi biết ông thường lên Cape Cod và viết liên tục trong khoảng thời gian dài nhất có thể. Tôi đoán một trong những cách vượt qua “lời nguyền của tri thức” là trò chuyện với những người thuộc nhóm độc giả tiềm năng của mình, đúng không?

Steven Pinker: Đúng vậy — tôi đưa bản thảo cho người khác đọc.

David Perell: Vậy ông làm gì? Vì tôi biết ông viết rất tập trung và chuyên sâu. Khi viết, ông đã vượt qua “lời nguyền” đó bằng cách nào?

Steven Pinker: Tôi làm điều mà tôi biết vẫn chưa đủ, nhưng là cách tốt nhất tôi có thể làm: tôi cố tưởng tượng cảm giác của một người không biết điều mình biết. Tôi cố rèn luyện sự thấu cảm.

Nhưng vấn đề với “lời nguyền của tri thức” là ta không biết khi nào mình đang mắc phải nó — vì có những điều rõ ràng đến mức ta không hề đặt câu hỏi rằng người khác có biết hay không. Nhưng thực ra, họ không biết.

Dù sao thì tôi vẫn cố gắng. Và cuối cùng, tôi luôn đưa bản thảo cho người khác đọc. Hồi mẹ tôi còn sống, tôi luôn gửi bản nháp sách của mình cho bà. Không phải vì lý do mà nhiều học giả viện dẫn – kiểu xem mẹ như hình mẫu của một người “bình dân, ít đọc, không sáng dạ”.

Ngược lại, mẹ tôi cực kỳ thông minh, hiểu biết, tinh tế. Nhưng bà không phải là một nhà tâm lý học nhận thức. Không phải là một nhà ngôn ngữ học tâm lý. Bà không biết những gì tôi biết.

Và khi tôi viết, tôi không viết cho một mẫu ngẫu nhiên của dân số. Tôi không viết cho những người không đọc sách tôi. Tôi viết cho những người có trí tò mò tri thức, có một mức độ học vấn nhất định — nhưng không phải là các đồng nghiệp trong lĩnh vực của tôi.

Mẹ tôi là một ví dụ điển hình. Ngoài ra, khi xuất bản với nhà xuất bản thương mại, bạn sẽ có một biên tập viên — thường là người rất thông minh, nhưng cũng không phải người trong ngành của bạn. Tôi cũng đưa bản thảo cho những học giả ở các lĩnh vực khác xem.

Nhưng điều khiến tôi bất ngờ là: ngay cả trong giới học thuật, cũng có sự khép kín khi phải đọc thứ gì đó ngoài chuyên môn. Có lúc, những người trong cùng một toà nhà này — thậm chí trong cùng một khoa, thậm chí trong cùng một nhóm nghiên cứu — như sinh viên của tôi, đưa tôi bản đề cương luận văn, và tôi không hiểu họ đang nói gì.

Thậm chí ngay trong lĩnh vực của tôi, điều này vẫn xảy ra. Bởi vì họ đắm chìm quá lâu trong nhóm nhỏ của mình – vài người trong phòng lab, giáo sư hướng dẫn, vài nghiên cứu sinh và một trợ lý – tất cả đều dùng cùng một hệ biệt ngữ. Và chỉ cần bước ra khỏi cái vòng tròn nhỏ đó, ngôn ngữ của họ trở nên hoàn toàn khó hiểu.

Nên ngay cả khi tôi đưa bản thảo cho bạn bè là nhà kinh tế học, sử gia, nhà khoa học chính trị, hay nhà sinh học tiến hóa, họ vẫn sẽ nói: “Xin lỗi, nhưng tôi không hiểu anh đang viết về cái gì.”

Sức mạnh của ví dụ

David Perell: Về việc viết, ông đã dành nhiều năm nghiên cứu về thị giác và hoạt động của não bộ. Có vẻ như phần lớn lời khuyên viết của ông xuất phát từ sự hiểu biết đó. Nếu tôi thử tóm tắt, thì có thể nói: Bộ não chúng ta vận hành rất nhiều dựa trên thị giác, và viết tốt là phải viết cụ thể, giúp người đọc hình dung được điều ta muốn nói. Điều đó có đúng không?

Steven Pinker: Đúng. Và có lẽ đó là lời khuyên số hai trong danh sách của tôi.

Lời khuyên đầu tiên là: hãy tìm cách bước vào đầu người đọc. Nhưng đừng chỉ dựa vào trí tưởng tượng của bạn, mà thực sự hãy đưa bản nháp cho một con người bằng xương bằng thịt đọc thử, xem liệu họ có hiểu không.

Lời khuyên thứ hai là: tôi nghiên cứu ngôn ngữ, và tôi sống trong thế giới của ngôn ngữ. Nhưng tôi cho rằng ngôn ngữ bị đánh giá quá cao — bởi vì hiểu biết không phải là chuỗi từ ngữ, không phải là “bla bla bla…”

Ngôn ngữ chỉ là một phương tiện để dẫn dắt người đọc đến những ý tưởng mà bạn muốn truyền tải. Và những ý tưởng đó không phải chỉ là âm thanh hay chữ viết. Chúng thường là hình ảnh, vận động cơ thể, cảm xúc, âm thanh, hoặc trực giác cảm giác. Dù có là khái niệm, thì chúng cũng không chỉ là chuỗi nguyên âm và phụ âm.

Vì vậy, một trong những nguyên tắc quan trọng tiếp theo của việc viết tốt là: luôn tạo điều kiện để người đọc hình dung được hình ảnh trong đầu từ những gì bạn viết. Nghĩa là, đừng nói “kích thích” nếu ý bạn là một “con thỏ.” Đừng nói về “cấp độ”, “góc nhìn”, “khung lý thuyết”, “mô hình”, hay “khái niệm” — những điều có ý nghĩa rất nhiều với bạn trong công việc hàng ngày, nhưng không ai có thể hình dung ra một “mô hình” trong trí tưởng tượng.

David Perell: Vậy làm sao để làm được điều đó? Một trong những điều ông từng nói là: hãy luôn dùng ví dụ cụ thể. Vậy còn gì nữa không?

Steven Pinker: Rất thường xuyên, ẩn dụ thị giác là công cụ cực kỳ hữu ích. Một trong những lý do khiến văn chương thời xưa thường tạo cảm giác sống động hơn, là bởi vì…

David Perell: tôi định dùng từ lush (tươi tốt, đầy sức sống).

Steven Pinker: Lush, đúng rồi. Tôi cũng đang nghĩ đến từ đó. Đúng vậy. Một phần là vì họ viết trong bối cảnh chưa có vài trăm năm phát minh thuật ngữ và khái niệm trừu tượng như chúng ta có ngày nay. Họ phải dựa vào hình ảnh chung mà mọi người đều hiểu. Ví dụ, thay vì nói “hành vi chống đối xã hội” hay “xâm lược”, họ có thể viết: “Tinh thần của chim ưng thấm vào da thịt chúng ta.”

Ngày nay ta không viết như vậy nữa, vì ta có thể dùng những từ như “aggression” hay “antisocial behavior”. Nhưng đó là biệt ngữ, và mặc dù nhiều người có thể đã quen với những từ này, nhưng chúng không phải lúc nào cũng dễ tiếp cận. Trước khi những từ đó được phát minh, người ta phải mô tả điều đó bằng hình ảnh mà ai cũng hình dung được. Và tôi nghĩ đó là lý do vì sao văn chương cổ điển thường gây ấn tượng mạnh mẽ, gợi cảm và đầy sức hút – bởi vì họ buộc phải dùng ẩn dụ và hình ảnh thị giác để truyền đạt.

David Perell: Tôi chưa từng nghĩ đến điều này trước đây. Giờ nghĩ lại, rất nhiều bản dịch Kinh Thánh cũng như vậy. Tôi không biết vì sao hình ảnh “chim cú của nữ thần Minerva” lại xuất hiện trong đầu tôi lúc này – nhưng rõ ràng là rất nhiều hình tượng động vật mang tính biểu tượng đã từng xuất hiện, và chúng luôn khiến người đọc ấn tượng.

Steven Pinker: Đúng vậy. Những khái niệm mà giới học thuật và các nhà tri thức hiện đại đưa vào – rõ ràng là cách giao tiếp hiệu quả hơn về mặt kỹ thuật – nhưng chúng thiếu đi chất hình ảnh, thứ làm cho văn viết trở nên sinh động và dễ nhớ.

David Perell: Tức là những khái niệm đó vẫn rất cần thiết khi làm việc trong nội bộ chuyên môn.

Steven Pinker: Chính xác. Chúng là ngôn ngữ thiết yếu trong chuyên ngành. Nếu bạn là nhà sinh học, bạn phải dùng các thuật ngữ như “hệ sinh thái”, “loài”, “hệ thống”, “chất phản ứng”, “tăng cường sinh hóa”… Bạn không thể cứ quay lại giải thích kiểu: “Có một lượng hoá chất nhất định và chúng tôi gọi nó là nồng độ. Khi nó tăng lên theo thời gian, thì chúng tôi gọi là…”

Bạn đã vượt qua giai đoạn đó sau năm đầu đại học rồi. Tức là, bạn cần các khái niệm trừu tượng để bao quát cả kho kiến thức chỉ bằng hai âm tiết. Vấn đề là: khi bạn cần truyền tải điều đó cho người ngoài chuyên ngành, thì vì “lời nguyền của tri thức”, bạn dễ quên rằng những khái niệm trừu tượng tưởng như “căn bản” với bạn, thực ra lại vô nghĩa với người khác.

David Perell: Những điều gì chúng ta cần hiểu về người viết — về việc viết khó đến thế nào? Ý tôi là thế này: nói chuyện dường như đến với con người một cách tự nhiên, nhưng viết lại là thứ ta phải học mới làm được, đúng không? Bạn quan sát một đứa trẻ 20 tháng tuổi, rồi nói chuyện với bố mẹ nó. Họ thường nói: “Bé bắt đầu nói rồi đấy, bạn không tin nổi đâu, nói rất nhiều, bò khắp nơi…” Lúc nào cũng đầy phấn khích như thế. Nhưng rồi bạn hỏi những phụ huynh có con tám tuổi: “Cháu viết lách thế nào rồi?” Thì câu trả lời lại là: “Ừm… cũng hơi chậm chạp một chút…” Không còn sự háo hức nữa. Cứ như thể, viết là điều gì đó không tự nhiên, trong khi nói thì quá dễ dàng. Vậy chuyện gì đang xảy ra vậy — cả về mặt khoa học lẫn thực tiễn?

Steven Pinker: Có nhiều lý do. Một trong số đó là: trong một cuộc trò chuyện, không bao giờ có chuyện hai người bị “thả dù” lên sân khấu rồi ngay lập tức phải bắt đầu nói chuyện. Họ luôn có một nền tảng chung nào đó. Họ biết lý do tại sao họ ở đó, họ đang nói về điều gì mà cả hai đều đang nghĩ tới. Đó là bối cảnh xã hội, thứ giúp cho cuộc hội thoại diễn ra ngay từ đầu.

Họ có thể thoải mái dùng những từ như: “cái đó”, “thứ kia”, “cô ấy”, “cái hôm trước mình nói đó” — những từ nghe rất mơ hồ nhưng lại rất rõ ràng trong hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, nếu bạn không phải là người trong cuộc, bạn sẽ không biết “cái đó” là gì, “cô ấy” là ai.

Nhưng trong viết lách, bạn bị kéo ra khỏi bối cảnh. Người đọc nhặt một cuốn sách trên giá — có thể chưa từng biết bạn là ai, sống ở một đất nước khác, thậm chí là sinh ra sau khi bạn đã mất. Và họ phải hiểu tất cả những gì bạn đang nói chỉ từ những gì có trên trang giấy, chứ không có nền tảng chung nào để bắt đầu.

Ngoài ra, khi bạn nói chuyện, bạn biết mình đang nói với ai. Bạn biết đặc điểm cá nhân của người nghe, bạn có khả năng tránh “lời nguyền của tri thức” tốt hơn — bởi vì bạn nhận được phản hồi: ánh mắt nghi hoặc cái cau mày, lời yêu cầu: “Xin lỗi, tôi chưa hiểu lắm…”

Bạn cũng thấy ngôn ngữ cơ thể, thấy ai đó ngồi thẳng người chăm chú nghe hay bắt đầu ngọ nguậy mất kiên nhẫn.

Nhưng tất cả những điều đó đều không hiện diện khi bạn đang viết.

David Perell: Chính xác. Còn điều này thì sao: “Khái quát mà không có ví dụ – và ví dụ mà không có khái quát – đều vô dụng.”

Steven Pinker: Tôi hoàn toàn đồng ý. “Vô dụng” có thể là một từ hơi nặng nề, nhưng tôi thấy rằng các khái quát không đi kèm ví dụ – ngay cả trong lĩnh vực của tôi – thì 9 trên 10 lần tôi không biết họ đang nói gì. Tôi chỉ muốn nói: “Làm ơn, cho tôi ví dụ.”

Vì một khái quát thường làm mất chi tiết. Nó lướt qua mọi yếu tố cụ thể. Và thường thì bạn chẳng thể nào chắc chắn nó đang nói đến điều gì. Từ trừu tượng trong ngôn ngữ không đủ chính xác. Với mỗi từ trong tiếng Anh, có thể tồn tại đến hàng trăm khái niệm mà từ đó có thể mang. Và do đó, một từ – đặc biệt là từ trừu tượng – thường không gợi ra được một đối tượng cụ thể nào.

Ví dụ là thứ giúp đóng khung. Nó trả lời câu hỏi: “Vậy bạn đang nói về cái gì?” — Giúp người đọc biết được cái “khoảng” mà bạn đang ám chỉ, và “khái quát” của bạn thực ra đang khái quát về điều gì.

Tuy nhiên, ví dụ cũng giống như khái quát — nếu không có mục đích rõ ràng thì cũng vô nghĩa. Người đọc sẽ hỏi: “Ủa, bạn kể điều đó để làm gì? Ví dụ đó có liên quan gì tới ý chính?”

David Perell: Tôi rất thích nghĩ về điều này như là sự đánh đổi giữa “ngữ cảnh” và “sự cô đọng”. Tôi có thể thao thao bất tuyệt trong 5 tiếng về chuyến tàu đến Boston hôm nay – nhưng điều đó quá dài. Hoặc tôi chỉ có thể nói: “Tàu đi suôn sẻ” – nhưng vậy thì bạn đâu có hiểu gì nhiều, vì thiếu ngữ cảnh. Ví dụ cung cấp ngữ cảnh. Khái quát cung cấp sự cô đọng. Và chính trong sự nhịp nhàng giữa hai thứ ấy – giống như “vũ điệu” giữa mở rộng và rút gọn – mà việc viết hay và giao tiếp hiệu quả xuất hiện.

Steven Pinker: Chính xác. Ví dụ như tôi nói: “Những từ quen thuộc không nhất thiết phải mang nghĩa theo từng phần cấu tạo của nó.”

Nghe thì bạn sẽ gật gù: “Ừ, chắc là vậy.” Nhưng có lẽ bạn vẫn chưa hiểu rõ. Bây giờ tôi đưa ví dụ:

  • “Bathroom” (phòng tắm) không nhất thiết là một căn phòng có bồn tắm.
  • “Breakfast” không nhất thiết là hành động “break the fast” (phá vỡ nhịn ăn).
  • “Christmas” cũng không nhất thiết là “Christ’s Mass” (Lễ thánh của Chúa).

Khi tôi đưa những ví dụ đó ra, bạn hiểu ngay điều tôi muốn nói:“Nghĩa của một cụm từ quen thuộc không nhất thiết là tổng hợp nghĩa của các từ cấu thành nó.” Không có ví dụ, bạn chỉ gật đầu cho có — nhưng thực ra bạn chưa thật sự hiểu.

David Perell: Và giờ hãy vui một chút với ngôn ngữ: Nếu người lớn ngoại tình là “commit adultery” thì trẻ con phạm tội… đi lính “commit infantry” chăng? Nếu “olive oil” được làm từ ô-liu, thì “baby oil” được làm từ… cái gì? Nếu những người “vegetarian” ăn rau củ, thì “humanitarian” ăn… gì? “Writer” là người viết, “singer” là người hát, vậy “stinger” là người gì?
Có chuyện gì ở đây? Tại sao ông lại thích ví dụ này?

Steven Pinker: Đó là một trích đoạn từ Richard Lederer. Tôi không thể nhận công về những câu chơi chữ này – nhưng tôi rất thích chúng.

Tôi cho rằng chúng cực kỳ thông minh. Lederer là tác giả của một loạt cuốn sách rất duyên dáng như Crazy English và Anguished English. Ông ấy có khả năng cảm âm tuyệt vời và là một “nhà sưu tầm” xuất sắc các điểm kỳ quặc, lỗi sai và hiện tượng thú vị trong tiếng Anh.

Danh sách chơi chữ đó, dù hài hước, ẩn chứa nhiều sự thật sâu sắc về ngôn ngữ. Ví dụ: khi các từ ghép (compound words), tiền tố – hậu tố được dùng qua thời gian, nghĩa ban đầu có thể trôi dạt xa khỏi gốc gác.

Trường hợp từ adultery chẳng hạn – nó liên quan đến từ adulterate (pha tạp, làm ô uế). “To commit adultery” – về mặt ngữ nguyên – có nghĩa là đưa một “chất ngoại lai” vào nơi mà nó không thuộc về.

Nhưng ngày nay, kết nối giữa adultery và adulterate gần như không còn ai biết. Cũng cần lưu ý rằng một từ ghép có thể mang rất nhiều loại quan hệ ngữ nghĩa khác nhau.

Olive oil là dầu được làm từ quả ô-liu. Baby oil là dầu dùng cho em bé. Tức là không có quy luật logic duy nhất nào chi phối tất cả các phần của từ ghép. Ngôn ngữ quá cổ xưa. Tiếng Anh – tùy cách tính – có thể đã tồn tại hơn 1500 năm. Và nó xuất phát từ ngôn ngữ Germanic, vốn lại xuất phát từ nhánh Indo-European – mà nguồn gốc sâu hơn thì chẳng ai biết chắc. Rất nhiều từ đã hoàn toàn mất dấu vết ngữ nguyên.

Muốn biết nghĩa gốc, bạn phải tra từ điển. Nhưng chúng giống như những hóa thạch ngôn ngữ – còn sót lại từ những quy tắc đã chết từ rất lâu. Ví dụ như đuôi -er trong từ finger (ngón tay) – nếu bạn hỏi vì sao lại có chữ đó ở đó, tôi phải tra etymology mới biết được. Nó không cùng quy tắc với “singer” hay “writer”, là những từ vẫn còn sống động: động từ + -er → người làm hành động đó. (to sing → singer, to write → writer)

Quy tắc đó vẫn còn sống. Nhưng chúng ta cũng có “hóa thạch ngôn ngữ” – những từ phản ánh quy tắc đã biến mất.

Chú ý đến hình ảnh và nhịp điệu

David Perell: Nếu tôi phải mô tả hành trình cuộc trò chuyện hôm nay, thì có thể chia theo một “thang đo”: bắt đầu từ “lời nguyền tri thức” – nơi hơi lý trí, nặng phân tích, rất “trái não”. Nhưng sau đó, ông có nói rằng ngôn ngữ cũng nên là một nguồn tạo ra “vẻ đẹp và khoái cảm” — điều đó lại thiên về “phải não”. Tôi nghĩ đến ảnh chụp của ông nữa — ông rất quan tâm đến cái đẹp, đúng không? Vậy khi ông ngồi xuống viết, thì những yếu tố thiên về cảm nhận, hình ảnh, và phi ngôn ngữ nào sẽ dẫn dắt việc viết?

Steven Pinker: Chắc chắn là hình ảnh thị giác – tôi luôn tự hỏi: “Mình có hình dung được không?” “Người đọc có hình dung được không?”

Rồi đến yếu tố thanh âm – sự du dương (euphony) – tức là: nghe có êm không? Có chất thơ trong văn xuôi không? Tôi thường đọc to bản thảo của mình – hoặc lẩm bẩm trong đầu. Đây là một mẹo viết cực kỳ hữu ích (mà không phải tôi nghĩ ra). Nếu bạn không thể đọc trôi chảy chính văn bản của mình, thì rất có thể người đọc cũng không thể “nghe trôi chảy” trong đầu họ.

Yếu tố thẩm mỹ còn đến từ cả những chi tiết như: nhịp điệu (metrical structure) của ngôn ngữ — tức là cách câu văn nhấn nhá, ngắt nghỉ, chảy trôi như âm nhạc.

David Perell: Ông vừa nhắc đến điều đó — nói rõ hơn được không?

Steven Pinker: Ngôn ngữ có một nhịp điệu đều đặn – không hẳn là tick-tock, tick-tock như máy đếm nhịp, nhưng vẫn có những “nhịp đập” tự nhiên. Nếu bạn làm gián đoạn nhịp điệu đó quá mức, thì không chỉ ảnh hưởng đến việc nói, mà cả việc đọc – dù cho bạn chỉ đang đọc chữ in trên trang giấy.

Ngay cả yếu tố thẩm mỹ âm thanh – ví dụ như âm “s” (sibilant) – nếu dùng quá nhiều cũng khiến câu văn trở nên khó chịu. Nên tôi thường chọn từ đồng nghĩa khác để tránh quá nhiều âm “s” liền nhau. Ngược lại, tôi thường chủ động dùng điệp âm (alliteration), vì nó mang lại một chút niềm vui – một “tia sáng” của cảm giác thẩm mỹ, một “sense of style”.

David Perell: Sense of style – đúng rồi.

Steven Pinker: Phải, ngay cả khi bạn không muốn nó quá phô trương, vì nếu lạm dụng thì sẽ trở nên gượng gạo. Nhưng một chút điệp âm hợp lý có thể khiến câu văn trôi chảy hơn hẳn.

Chuyên gia viết dở là một lãng phí

David Perell: Tôi thắc mắc điều này – tại sao ông, hơn rất nhiều người khác, lại phản ứng quyết liệt về tình trạng viết dở trong học thuật suốt những năm qua? Khi tôi nghĩ đến những người tiên phong lên tiếng, tôi thấy ông ở hàng đầu. Vì sao vậy? Ngoài lý do hiển nhiên, điều gì ở việc đó khiến ông thấy khó chịu đến thế?

Steven Pinker: Một phần là vì sự lãng phí quá lớn. Có rất nhiều công trình xuất sắc, rất nhiều người cực kỳ thông minh trong giới học thuật. Và họ đang làm điều đó vì ai? Chỉ để giải trí cho nhau trong một vòng tròn khép kín nhỏ bé?

Người nộp thuế trả tiền cho nghiên cứu – thì những phát hiện ấy nên được công bố theo cách dễ tiếp cận. Họ nên “cho đi”, trình bày một cách ai cũng có thể hiểu.

Ngay cả trong nội bộ chuyên ngành, cũng có quá nhiều năng lượng bị lãng phí, quá nhiều cơ hội hiểu sai chỉ vì văn bản viết quá tệ.

Ví dụ, tôi đang đọc một bài luận của sinh viên, hay một bài báo trong ngành của tôi, hoặc một đề xuất xin tài trợ, hay tôi đang phản biện một bản thảo cho tạp chí học thuật, hoặc đánh giá hồ sơ xét chức danh giáo sư…

Nếu tôi phải đọc đi đọc lại một đoạn văn đến 5–6 lần chỉ để hiểu họ đang nói gì, thì rõ ràng là tôi rất dễ hiểu sai, và tôi sẽ tự hỏi: “Vậy viết làm gì? Viết để hành hạ người đọc à?”

Tôi còn rất nhiều việc khác để làm. Tôi không muốn bị buộc phải “giải mã” câu văn của ai đó khi họ hoàn toàn có thể viết rõ ràng ngay từ đầu. Có rất nhiều sự mơ hồ, khó hiểu trong văn viết học thuật. Nhưng cũng có một điều rất đáng tiếc bị bỏ lỡ — đó là niềm vui và vẻ đẹp của ngôn ngữ. Đọc một câu văn được trau chuốt kỹ lưỡng là một trải nghiệm thú vị. Còn đọc một đoạn văn cứng nhắc, lủng củng, phồng lên vì sáo ngữ thì thật khó chịu.

Có vô số lý do khiến tôi cảm thấy bực mình, nhất là khi giới học thuật bỏ ra quá nhiều chất xám cho nghiên cứu, rồi lại xem nhẹ nhiệm vụ quan trọng nhất: chia sẻ điều họ khám phá với thế giới.

David Perell: Thật sự là một loại “virus” trong thế giới hiện đại.

Steven Pinker: Đúng vậy. Tôi quan tâm đến điều này không chỉ vì tôi cố gắng rất nhiều để viết rõ ràng, ngay cả trong các bài viết học thuật, mà còn vì tôi là người nghiên cứu chính… ngôn ngữ. Và điều khiến tôi đặc biệt khó chịu là các nhà ngôn ngữ học, tâm lý ngôn ngữ học – những người đang nghiên cứu chính việc làm thế nào để câu văn trở nên dễ hiểu – lại viết rất tệ.

“Bạn nghiên cứu ngôn ngữ mà? Bạn nghiên cứu vì sao một câu trở nên khó hiểu? Sao bạn không áp dụng luôn nghiên cứu của mình vào chính cách bạn viết?

Viết hay hơn: Học trẻ con, và sự hài hước

David Perell: Điều gì khiến ông đặc biệt yêu thích cách trẻ con lý giải mọi thứ? Kiểu như: “Mây là hơi nước”, “Khói là hơi lửa”…

Steven Pinker: À, đúng rồi. Câu đó là từ cháu trai tôi đấy. Tôi nghĩ nó giống như thơ vậy. Một sự kết hợp bất ngờ nhưng rất tự nhiên.

Cách trẻ con diễn đạt mọi thứ luôn rất tươi mới. Một phần vì chúng chưa bị nhiễm những khuôn sáo. Một phần khác vì chúng chưa tích lũy đống khái niệm trừu tượng mà người lớn (và giới học thuật) đang vác trên lưng. Trẻ em không có biệt ngữ học thuật. Chúng buộc phải bám vào những gì có thể nhìn thấy, và quan trọng hơn, là những gì người khác cũng có thể nhìn thấy.

David Perell: Tôi theo dõi một người trên Twitter mà tôi rất thích. Trong phần giới thiệu của anh ấy có viết:“Hãy lắng nghe trẻ em – vì chúng chưa quên cách để nhìn.” Tôi còn biết một YouTuber — cô ấy nghĩ ra ý tưởng bằng cách trò chuyện với con của bạn bè. Lũ trẻ hỏi những câu kiểu:

  • “Biển sâu đến đâu?”
  • “Nếu mình xây một tòa tháp lên trời, phải cao bao nhiêu thì mới chạm đến thiên đường?”

Còn một người bạn khác của tôi, lúc nhỏ, từng tin rằng: “Mây được tạo ra bởi những cái ống khói nhỏ trên mái nhà – giống như nhà máy sản xuất mây.” Có điều gì đó rất tinh khiết trong cách trẻ em nhìn và nói về thế giới. Như ông từng nói: Chúng không thể nào “nghĩ trong cái hộp”, vì chúng còn chưa hề biết cái hộp tồn tại.

Steven Pinker: Đúng vậy. Trong lịch sử, người ta từng có nhiều cách để gợi nhắc về sự tươi mới và nguyên bản trong cách trẻ con nhìn thế giới. Hồi nhỏ tôi từng xem một chuyên mục truyền hình nổi tiếng tên là “Kids Say the Darnedest Things” (Trẻ con nói những điều kỳ quặc nhất) do người dẫn chương trình Art Linkletter thực hiện. Thực ra, điều còn lại sau khi ông mất chính là cụm từ “say the darnedest things” – thậm chí động từ hóa cả cụm đó thành “the darnedest nouns”, thường thấy trong tiêu đề báo chí. Nó đã trở thành một công thức ngôn ngữ, nhưng chính ông ấy là người khởi xướng. Johnny Carson, người dẫn lâu năm của The Tonight Show, cũng từng có chuyên mục đọc những câu trả lời của trẻ con – rất hài hước.

David Perell: Vậy hài hước đóng vai trò gì trong tất cả chuyện này — đặc biệt là trong viết? Và có thể là trong khoa học của sự hài hước nữa? Tôi nhớ có một bài nói chuyện rất hay của ông khoảng 10 năm trước… Tôi sẽ giới thiệu với mọi người.

Steven Pinker: Ồ vâng. Tôi nghĩ mọi thứ đều có “nghệ thuật” của nó, bởi vì nếu bạn gượng ép tạo ra tiếng cười, thì người nghe sẽ chỉ “rên rỉ” thay vì bật cười. Hài hước phải đúng lúc, đúng liều. Không thể là điều gì đó đã lặp đi lặp lại đến mức người ta nghe lần thứ 37. Hài hước phụ thuộc vào sự mới lạ. Nhưng cũng giống như viết hay, nó cần tính tiết chế.

Có một câu nổi tiếng trong Hamlet: “Brevity is the soul of wit.” (Sự ngắn gọn là linh hồn của trí tuệ hóm hỉnh.)

Đây là một câu tuyệt vời — vì nhiều lý do. Một phần là vì cách dùng từ “soul” (linh hồn) thay vì những cách nói khô khan như “essence of wit” hay “core of wit”. “Soul” vừa là từ đơn âm, vừa mang nhiều tầng nghĩa. Phải mất một chút để ngẫm, nhưng nó chứa đựng chiều sâu rất lớn. Tôi đoán là… Shakespeare viết cũng không tệ nhỉ?

David Perell: Ha! Ừ, chắc là ông ấy cũng biết viết đấy.

Steven Pinker: Nhưng đúng là như vậy, và chính bản thân câu đó là một ví dụ hoàn hảo cho điều nó đang nói đến – vì nó ngắn gọn, súc tích và giàu nghĩa. Câu này cũng được lặp lại vài thế kỷ sau trong cuốn cẩm nang viết nổi tiếng The Elements of Style của Strunk và White.

Giới thiệu sách The Elements of Style
Giáo sư Strunk, trong các bài giảng tại Đại học Cornell đã nhấn mạnh rằng: “Quy tắc đầu tiên khi viết: Loại bỏ những từ không cần thiết (omit needless words).

Đây là một câu tuyệt vời – vì chính nó không hề có từ thừa. Ông ấy (Strunk) kiên quyết đến mức khi không biết phải nhấn mạnh thêm thế nào, thì ông chỉ còn cách lặp lại: “Omit needless words. Omit needless words. Omit needless words.”

Cũng giống như câu “Brevity is the soul of wit” – câu này vừa là quy tắc, vừa là minh họa sống động cho chính nó. Và thực sự, khi tôi phải rút gọn một bài viết để phù hợp với giới hạn chữ cố định, nhất là khi viết cho một tạp chí hay chuyên mục nào đó, thì việc cắt bớt từ ngữ thường làm cho văn bản trở nên hay hơn một cách kỳ diệu.

Khi bạn viết cho báo chí hay tạp chí, điều khác hoàn toàn so với học thuật là: Bạn không thể nói huyên thuyên hàng ngàn chữ mà không ai bảo bạn im. Viết báo là phải đúng giới hạn. Biên tập viên sẽ bảo: “Xin lỗi, 800 chữ thôi.” Và nếu bạn viết 803 chữ, họ sẽ tự cắt bớt 3 chữ, mà bạn không được chọn chữ nào bị cắt – và thường thì nó làm hỏng luôn ý bạn.

Nên bạn buộc phải học cách nói trọn vẹn trong giới hạn 800 chữ – hay bao nhiêu chữ mà họ yêu cầu. Nhưng điều thú vị là: Chỉ riêng việc cố gắng nén nội dung trong giới hạn đó đã khiến câu chữ trở nên hay hơn – như có phép màu. Bạn sẽ nghĩ: “Chết tiệt, mình phải rút ngắn cái này, trong khi câu đó mình viết đã thấy rất ổn rồi…” Nhưng khi cắt gọn, bạn nhận ra: Chất lượng thật sự được nâng lên, vì bạn gạt bỏ những từ vô nghĩa.

Một phần lý do là do tải nhận thức: Mỗi âm tiết, mỗi từ là thêm một đơn vị xử lý của người đọc. Nếu bạn truyền tải cùng một thông điệp nhanh hơn, người đọc đỡ mệt hơn.

Ngoài ra, nó cũng khiến câu văn đẹp hơn về mặt thẩm mỹ. Bạn buộc phải viết trong giới hạn của ngôn ngữ tiếng Anh — về giai điệu, nhịp điệu, âm nhạc của ngôn ngữ. Điều đó ép bạn dùng từ ngữ cụ thể hơn, tránh xa thành ngữ mơ hồ và sáo rỗng.

David Perell: “Brevity is the soul of wit” –“Ngắn gọn là linh hồn của trí tuệ hóm hỉnh” — tôi chợt nhận ra câu này hay đến mức nào. Nghe cả nghìn lần rồi, nhưng chưa lần nào thấu tâm can tôi như vừa rồi.

Steven Pinker: Tôi nhắc câu đó là vì chúng ta đang nói về hài hước. “Wit” – trước đây không chỉ có nghĩa là gây cười, mà còn bao hàm sự sâu sắc, thông minh, đúng lúc. Nhưng ngay cả với nghĩa “hài hước” thuần túy, điều đó cũng rất đúng. Các diễn viên hài đều biết điều này: Phải cắt gọn lời thoại – càng súc tích, càng buồn cười. Nếu kéo dài câu đùa, nó sẽ mất lực. Nếu tiết lộ punchline quá sớm, hoặc làm rối câu đùa, thì nó sẽ hết vui. Nó không hài nữa. Bạn tự “giẫm lên cú đấm của chính mình.” Bạn “bắn tín hiệu” trước cú chốt – và thế là hỏng.

David Perell: Tôi vừa mới đọc bài viết của John D. Rockefeller, nơi ông chia sẻ về triết lý sống và quan điểm xã hội của mình. Và điều khiến tôi kinh ngạc là — nó được viết một cách vô cùng tuyệt vời. Văn phong đó thật sự xuất sắc. Giống như khi đọc Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ, bạn thấy có những câu văn… “Chúng tôi tin rằng những chân lý này là hiển nhiên, rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng…” — Thật sự đẹp. Không chỉ đúng — mà đẹp.

Và tôi tự hỏi: Ngày xưa viết khó hiểu hơn chăng? Ngày nay chúng ta thường cảm thấy nhẹ nhõm vì văn viết hiện đại dễ đọc hơn, rõ ràng hơn. Nhưng hình như có điều gì đó cũng bị mất đi. Một kiểu vẻ đẹp, thi vị, một sự tôn kính dành cho ngôn ngữ — có vẻ như đã bị tước bỏ khỏi tiếng Anh hiện đại.

Steven Pinker: Đúng là đôi khi bạn sẽ cảm thấy như vậy. Rockefeller là ví dụ rất hay, bởi ông không nổi tiếng như một nhà văn hay một nhà văn phong cách.

David Perell: Đúng rồi, ông là giám đốc điều hành, ông trùm ngành dầu mỏ, thế nhưng cách ông viết lại tinh tế và chỉn chu đến bất ngờ.

Steven Pinker: Tương tự, tôi có trích dẫn Thomas Edison trong cuốn Enlightenment Now, khi ông nói về việc điện khí hoá sẽ giải phóng phụ nữ. Và tôi phải nói: Đoạn văn đó thật tuyệt đẹp. Một người suốt ngày ở phòng thí nghiệm với dây tóc bóng đèn, mà lại viết như một thiên thần.

Còn nữa — Herbert Spencer, Oliver Wendell Holmes Sr., hay Charles Darwin… Họ không phải là nhà văn chuyên nghiệp, nhưng viết rất giỏi.

Vậy tại sao lại như thế? Một câu hỏi thú vị. Tôi nghĩ có ba lý do chính:

1. Họ được đào tạo từ nền tảng cổ điển.

Họ đọc và học từ các tác phẩm lớn của văn học cổ điển. Ở thời đó, không có điện thoại, không có radio, càng không có nhắn tin hay mạng xã hội. Cách bạn trình bày bản thân ra với thế giới chính là qua câu chữ – nên bạn trau chuốt văn phong, giống như soi gương chỉnh lại ngoại hình. Viết lách là cách người khác nhìn thấy bạn.

2. Họ có nhiều hình mẫu văn học tốt để học theo.

Và họ thật sự ngồi xuống, học và bắt chước những điều tốt đó.

3. Và lý do quan trọng nhất — là điều chúng ta đã nhắc đến trước đó:

Họ sống trước thời đại của sự trừu tượng hoá hàng thập kỷ. Họ chưa có một kho tàng thành ngữ sáo mòn để rút ra như chúng ta.

Họ đang khám phá những vùng đất ý tưởng còn trinh nguyên. Và khi muốn truyền đạt điều gì đó, họ không thể dùng công thức cũ sẵn có.

Họ buộc phải diễn đạt điều mới bằng cách khiến người khác hiểu, và điều đó ép họ: dùng hình ảnh cụ thể, dùng ẩn dụ, dùng câu văn sống động và sáng tạo.

Thực tế là, chúng ta đã sống trong một quá trình dài hơn cả thế kỷ gọi là “informalization” – xu hướng giảm bớt tính hình thức. Bạn có thể thấy điều này trong cách ăn mặc: Đàn ông không còn đội mũ, phụ nữ không còn đeo găng tay.

David Perell: Đôi khi tôi nhìn thấy những bức ảnh chụp người ta đi dã ngoại cách đây cả trăm năm — đàn ông mặc vest, thắt cà vạt, phụ nữ thì mặc váy dài chấm đất — và họ đang đi leo núi! Thật không thể tưởng tượng nổi với chúng ta ngày nay. Hay như chuyện mọi người gọi nhau là “Ông – Bà” (Mr. – Mrs.), còn giờ thì ai cũng gọi tên nhau ngay từ lần đầu gặp. Tôi nhớ mình từng bị phạt ở lớp ba vì gọi cô giáo bằng tên. Tôi bị phạt ở lại trường sau giờ học chỉ vì điều đó.

Steven Pinker: Tôi thấy rất quen — thời thơ ấu của tôi cũng vậy. Không ai có thể tưởng tượng làm chuyện đó mà không bị phạt.
David Perell: Thực tế là đã 20 năm trôi qua, tôi vẫn cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại khoảnh khắc đó.

Steven Pinker: Đúng vậy, chuyện đó giờ nghe thật điên rồ. Hồi ấy, không ai nghĩ rằng mình có thể làm như vậy. Thậm chí là việc dùng từ tục, tiếng chửi hiện nay được đan cài thường xuyên trong lời nói hàng ngày. Nhưng một thế kỷ trước, điều đó không thể tưởng tượng nổi. Tất cả là một phần của quá trình “bỗ bã hóa”, xóa nhòa phân cấp xã hội. Một phần là hệ quả của dân chủ hoá, sự suy giảm của các hệ thống thứ bậc truyền thống như giai cấp và học vấn. Có thể thấy một hệ giá trị văn hóa mới: đề cao sự chân thật, có tính tự phát thay cho vẻ kiểu cách, lịch thiệp, hay sự cẩn trọng trong hành xử.

Và vì thế, ngôn ngữ trau chuốt, tinh tế ngày xưa bị xem là khoa trương, giữ khoảng cách, giả tạo. Giờ đây, xã hội lại đề cao sự gần gũi, tự nhiên, mang tính cá nhân và “đúng bản chất.”

Nên nhiều người hiện tại, nếu phải bỏ công viết một đoạn văn chỉn chu như thời xưa, sẽ nghĩ: “Mọi người sẽ cho rằng mình làm màu.” Thậm chí chính bạn cũng thấy mình hơi “quá đà”. Và kết quả là: Ngôn ngữ hội thoại thường ngày – thay vì ngôn ngữ trang trọng, văn vẻ đã trở thành đặc trưng của văn viết hiện đại.

AI viết đúng – nhưng thiếu bản sắc

David Perell: Vậy tôi phải hỏi điều này: Ông nói trước đó rằng chúng ta dễ rơi vào cliché (rập khuôn) hay khái niệm trừu tượng ra dùng. Giờ thì có AI, và tôi cảm thấy nó đẩy điều đó lên một tầm cao mới. Liệu AI có làm xấu đi khả năng tư duy gốc, làm ta khó nghĩ mới hơn? Hay liệu các mô hình ngôn ngữ lớn (LLMs) là một hình thức mới hoàn toàn, có thể mở ra một lối diễn đạt mới?

Steven Pinker: Sản phẩm đầu ra của AI đúng là rất kỳ lạ. Ở một mặt, nó được xem là “viết tốt”, vì: Không dùng biệt ngữ học thuật nhiều, câu cú thì khá đơn giản, dễ đọc.

Ngay cả về cách phát triển ý tưởng, văn bản của AI cũng thường rất có trật tự. Có câu mở bài, có câu kết luận. Theo nghĩa đó thì: Nó được viết đúng cách. Nhưng mặt khác, nó lại rất chung chung, tẻ nhạt — bạn gần như có thể nhận ra ngay văn bản được tạo bởi một mô hình ngôn ngữ lớn. Nó thiếu sức sống. Có thể — nếu được huấn luyện kỹ, nếu bạn prompt rằng “Đừng viết kiểu nhạt nhẽo”, “Đừng viết máy móc” biết đâu sẽ tạo ra phong cách nào đó tươi mới hơn.

Nhưng đó không phải là cách nó được thiết kế. Mô hình được tạo ra như một sự trộn lẫn (mashup), một bản chắp vá (pastiche) của hàng tỷ mẫu văn bản ngoài kia.

Đây là một câu hỏi thú vị: Tại sao văn phong của AI lại “ổn” đến vậy, ít ra là ở mức rõ ràng và mạch lạc? Trong khi văn phong của nhiều học giả, luật sư, viên chức — thì lại tệ. Một khả năng là: Văn bản AI đã bị “rèn giũa” liên tục thông qua quá trình tinh chỉnh và phản hồi.

Không đơn thuần là nhai lại từ dữ liệu — mà được điều chỉnh qua Reinforcement Learning, và có lẽ nhiều thứ mà các hãng không công bố công khai, nhưng có vai trò rất lớn. Ví dụ: có những con người thật đã buộc nó phải viết theo mẫu bài luận 5 đoạn.

Một giả thuyết khác — hoàn toàn mang tính suy đoán: Chúng ta biết rằng trong thẩm mỹ thị giác, nhiều khi trung bình hóa lại tạo ra cái đẹp. Bạn lấy ảnh của nhiều khuôn mặt, ghép lại thành một khuôn mặt trung bình và kết quả thường hấp dẫn hơn từng khuôn mặt riêng lẻ. Bạn thử ghép ảnh hàng trăm người trong kỷ yếu cấp 3, kết quả thường đẹp một cách bất ngờ.

Liệu điều đó có đúng với văn phong không? Nếu bạn loại bỏ những câu viết rối rắm, tệ hại, chỉ còn lại các cấu trúc rõ ràng, đơn giản? Văn bản đó không đẹp, nhưng rất rõ ràng. Đó là một giả thuyết đáng xem xét.

David Perell: Ông đã viết 9 cuốn sách, và đang viết cuốn thứ 10. Với sự phát triển của LLM hiện nay — nếu ông viết lại toàn bộ từ đầu, ông sẽ làm khác gì không? Từ những gì ta biết về LLMs, về xu hướng viết đang thay đổi, ông có viết lại cùng những cuốn sách đó không?

Nguồn ảnh 4 Lessons From ‘The Sense of Style’ by Steven Pinker

Steven Pinker: Có lẽ là không. Nhưng tôi nghĩ tôi sẽ phải đánh giá cao hơn năng lực trích xuất mẫu từ lượng dữ liệu lớn. Cách tiếp cận mà tôi được đào tạo — và phát triển sau này — thuộc về trường phái khoa học nhận thức tính toán, ngữ pháp Chomsky, trí tuệ nhân tạo cổ điển. Tất cả đều dựa trên quy tắc, thuật toán, logic.

Thật khó để hình dung rằng chỉ với đủ dữ liệu đầu vào và huấn luyện, một mạng nơ-ron liên kết kiểu kết hợp (associative neural network) lại có thể rút ra những ý tưởng có ý nghĩa và tạo ra văn bản mạch lạc từ một khối dữ liệu đầu vào khổng lồ và không có cấu trúc.

Hiện tại, tôi không nghĩ điều đó có nghĩa là tâm trí con người giống như một mô hình ngôn ngữ lớn, bởi vì nếu vậy thì sẽ phải tương đương với việc một đứa trẻ nghe ngôn ngữ suốt 30.000 năm mới có thể thốt ra câu đầu tiên. Và trẻ con cũng không chỉ đơn thuần tiếp nhận một lượng lớn văn bản đổ vào người chúng.

Chúng còn sống trong thế giới thực, nơi chúng có thể hiểu người khác đang cố nói gì và tương tác với thế giới xung quanh — đó là một kiểu học hoàn toàn khác so với việc chỉ xử lý một lượng văn bản khổng lồ.

Tuy vậy, tôi nghĩ tôi chắc chắn sẽ phải đánh giá lại trí thông minh của các mô hình ngôn ngữ lớn, và đặt nhiều sự chú ý hơn đến sức mạnh của việc rút trích mẫu từ tập dữ liệu lớn, so với cách tôi từng nhìn nhận trước đây.

David Perell: Cảm ơn ông rất nhiều vì đã tham gia cuộc trò chuyện này.

Steven Pinker: Cảm ơn bạn, đó là niềm vui của tôi.


Posted

in

by

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *