Cách để không trở thành thùng rác cảm xúc

Có một quy tắc tôi luôn tuân thủ: không bao giờ mở nắp một bồn cầu đóng kín ở nơi công cộng. Tương tự như vậy, khi ai đó bảo rằng họ có một bí mật kinh khủng lắm và nếu tôi chịu hối lộ gì đó, họ sẽ kể tôi nghe, tôi biết đó là dấu hiệu để đi về nhà. Không

Có một quy tắc tôi luôn tuân thủ: không bao giờ mở nắp một bồn cầu đóng kín ở nơi công cộng. Tôi không biết bên trong có gì, nhưng tôi không muốn là người khám phá. Vì có thể đó sẽ là một bật mí tồi tệ mà tôi không thể quên được. Một số thứ tốt nhất nên được giữ kín – không phải vì chúng thú vị, mà vì chúng có thể khiến ta cảm thấy khó chịu, bối rối hoặc thậm chí hối hận khi đã trót tò mò.

Tương tự như vậy, khi ai đó bảo rằng họ có một bí mật kinh khủng lắm và nếu tôi chịu hối lộ gì đó, họ sẽ kể tôi nghe, tôi biết đó là dấu hiệu để đi về nhà. Không phải vì tôi thờ ơ, mà bởi tôi hiểu rõ rằng việc tiếp nhận rác cảm xúc có thể là một cái bẫy tâm lý, kéo bạn vào một vòng xoáy tiêu cực mà bạn không thể kiểm soát.

Có rất nhiều người vô tình (hoặc cố ý) kéo người khác vào vai trò “thùng rác cảm xúc” của họ. Họ trút bỏ những nỗi đau, bí mật, ám ảnh của bản thân mà không hề quan tâm liệu đối phương có sẵn sàng tiếp nhận hay không. Điều này có thể dẫn đến những ảnh hưởng tinh thần nghiêm trọng, không chỉ cho người chia sẻ mà còn cho cả người lắng nghe.

Rác cảm xúc là gì?

“Rác cảm xúc” là những cảm xúc tiêu cực – như lo âu, giận dữ, tổn thương hay tội lỗi – mà một người vô thức hoặc cố ý trút lên người khác. Nó có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức:

  • Một người liên tục kể về những vấn đề cá nhân nhưng không có ý định thay đổi (chồng tôi là đồ tồi nhưng đừng có mà bảo tôi bỏ chồng nhé).
  • Một đồng nghiệp luôn phàn nàn về công việc, sếp, cuộc sống mà không muốn tìm giải pháp (tôi chỉ muốn bạn cùng mắng sếp và khách hàng với tôi)
  • Một người xa lạ bất ngờ tiết lộ những bí mật nặng nề, khiến bạn cảm thấy áp lực phải giữ kín (quá khứ của anh tệ lắm…)

Nếu chia sẻ cảm xúc lành mạnh là khi cả hai đều có tâm thế đúng để nói và lắng nghe, hướng tới giải pháp thì rác cảm xúc chỉ đơn thuần là sự trút bỏ, không có sự đồng thuận từ người tiếp nhận.

Dấu hiệu nhận biết bạn đang là thùng rác:
✔️ Bị mệt mỏi, nặng nề sau khi nói chuyện với ai đó.
✔️ Người đó chỉ lặp đi lặp lại vấn đề của họ mà không có ý định thay đổi và bạn đâm ra bất lực chẳng biết phải làm gì.
✔️ Bạn bị kéo vào câu chuyện và cảm thấy có trách nhiệm phải giúp họ.

Một số người có thể cảm nhận được việc “trút cảm xúc” lên người khác là một công cụ thao túng tâm lý hiệu quả, đặc biệt khi họ chia sẻ những bí mật đen tối của mình để ràng buộc bạn. 

Họ sẽ bảo rằng: 

  • “Tôi chưa từng kể điều này với ai ngoài bạn”, bạn cảm thấy mình đặc biệt và bỗng có gánh nặng của một người hùng giải cứu kẻ khó.
  • Nếu không có bạn thì tôi không biết nói với ai” – cả hai trở nên lệ thuộc cảm xúc lẫn nhau.
  • “Nói ra nhẹ cả người” – vì bây giờ người thấy nặng nề là bạn. Một số người tiết lộ bí mật chỉ để giảm nhẹ cảm giác tội lỗi. 

Hãy nhớ rằng: bí mật của người khác không phải là trách nhiệm của bạn. Ngay cả khi có ý tốt hay bị tò mò giật dây, bạn đang cho phép người khác xâm phạm ranh giới tinh thần của mình.

Khi nào  nên từ chối tiếp nhận rác cảm xúc?

Tôi không thể lắng nghe mọi câu chuyện (không ai có thể). Giới hạn của tôi là:


❌ Tôi đang căng thẳng và không đủ năng lượng để tiếp nhận thêm thông tin tiêu cực.
❌ Đối phương chỉ muốn trút bỏ cảm xúc, không tìm kiếm giải pháp.
❌ Cảm thấy đối phương đang thao túng mình để làm điều gì đó (an ủi) cho họ.
❌ Bạn cảm thấy những gì sắp được tiết lộ sẽ ảnh hưởng nhiều đến tinh thần của mình.

Câu hỏi quan trọng: Người này có thực sự muốn hành động để thay đổi vì chính họ không? Nếu họ không có ý định đó, bạn sẽ bị cuốn vào vòng xoáy cảm xúc không hồi kết. Từ chối không có nghĩa là vô tâm. Đó là cách bạn bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình. 

Hãy tập cách từ chối nhẹ nhàng mà không xúc phạm người khác hay tỏ ra mình cóc quan tâm: 


✔️ “Điều này có vẻ nghiêm trọng, bạn có nghĩ đến việc tìm một chuyên gia tâm lý chưa?”:

✔️ “Tui nghe bạn nói chuyện này vài lần rồi, nhưng hình như bạn chưa sẵn sàng thay đổi. Bạn thực sự muốn gì khi kể cho tui nghe?

✔️ “Tui không thoải mái khi giữ bí mật này, nó làm tui căng thẳng. Nếu nó thực sự nghiêm trọng, cậu nên nói với ai đó có thể giải quyết.”

Không phải cái gì đóng kín cũng chứa kho báu

Chúng ta không thể biết tất cả, hiểu tất cả, gánh vác tất cả. Đôi khi, giữ một khoảng cách là cách tốt nhất để bảo vệ mình và giúp người kia tìm hướng đi phù hợp.

Hãy tự hỏi: Mình có thực sự cần biết điều này không? Nó có giúp ích gì cho mình hoặc cho họ không? Nếu câu trả lời là không, bạn có quyền từ chối – giống như cách bạn sẽ không mở một chiếc bồn cầu công cộng đóng kín.

Nếu bạn thấy chủ đề này thú vị thì có thể bạn sẽ thích khoá học Psy Writer: Giỏi tâm lý – Viết tâm ý

Chương trình học chi tiết


Posted

in

by

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *