[Dịch] Nhất quán – On Writing Well (8)

Lại thình lình người viết trở thành quyển sách hướng dẫn “Để nhập cảnh vào Hồng Kông, bạn cần phải có hộ chiếu hợp lệ nhưng sẽ được miễn visa. Bạn cần được tiêm phòng viêm gan và cũng nên tư vấn với bác sĩ về việc tiêm phòng thương hàn.

Bản dịch mà bạn đang đọc được thực hiện với mục đích cá nhân và chia sẻ trên blog này hoàn toàn phi thương mại. Tôi không sở hữu bản quyền của cuốn sách gốc, vì vậy, tôi xin khuyến khích mọi người tìm đọc bản gốc để ủng hộ tác giả và cảm nhận đầy đủ ý nghĩa tác phẩm.

Tôi chỉ là một người yêu việc viết lách và không phải là một dịch giả chuyên nghiệp, do đó bản dịch này có thể sai sót hoặc chưa truyền tải chính xác tinh thần của tác phẩm. Nếu phát hiện bất kỳ lỗi nào hoặc có góp ý, mong bạn chia sẻ để bản dịch được hoàn thiện hơn.

Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog, và hy vọng rằng những nội dung trong bản dịch này có thể mang lại giá trị cho bạn!

PHẦN 2 – PHƯƠNG PHÁP


CHƯƠNG 1: NHẤT QUÁN 

Bạn học cách viết bằng cách viết. Đây là một chân lý hiển nhiên. Cách duy nhất để học viết là bắt bản thân phải sản xuất một lượng từ nhất định một cách thường xuyên.

Nếu bạn làm việc cho một tờ báo, phải viết 2-3 bài mỗi ngày, thì chỉ sau 6 tháng, bạn sẽ viết tốt hơn rất nhiều. Bạn không nhất định trở thành người viết giỏi; phong cách của bạn có thể vẫn đầy những lộn xộn và clichés (rập khuôn). Nhưng bạn đã luyện tập được năng lực của việc đặt ngôn từ lên trang giấy, có được sự tự tin và xác định được những rắc rối phổ biến nhất.

Viết lách, suy cho cùng, là quá trình giải quyết các vấn đề. Đó có thể là vấn đề về nơi lấy thông tin, hoặc cách sắp xếp những chất liệu. Nó có thể là vấn đề về cách tiếp cận, hoặc thái độ, giọng điệu, phong cách. Dù đó là gì, nó cần được đối mặt và giải quyết. Thi thoảng bạn sẽ thấy tuyệt vọng khi tìm kiếm giải pháp đúng – hoặc bất kỳ giải pháp nào. Bạn sẽ nghĩ “Dù có sống tới 90 tuổi thì mình vẫn không giải quyết được chuyện này.” Tôi thường nghĩ vậy đó. Nhưng cuối cùng khi tôi xử được nó – thì đâm ra điều đó tương tự như một bác sĩ phẫu thuật cắt xong cái ruột thừa thứ 500. Hoá ra tôi đã từng xử lý nó rồi.

Tính nhất quán là điểm neo của một bài viết tốt. Vì vậy trước hết hãy chắc chắn là bạn có sự thống nhất. Điều này không chỉ ngăn độc giả lang thang vào các hướng khác nhau, nó còn thoả mãn nhu cầu trật tự vô thức của họ và trấn an họ rằng mọi thứ đều ổn trong bàn tay người viết. Vì vậy hãy ra chọn lựa trong các biến số và kiên định với chọn lựa của bạn.

Ví dụ như chọn sự thống nhất của đại từ. Bạn định viết với góc nhìn thứ nhất, như một người tham gia hay góc nhìn của người thứ ba, như một người quan sát? Hoặc thậm chí là ở góc nhìn thứ hai, ngôi viết mà các nhà báo thể thao thích phong cách Hemingway theo đuổi? (Bạn biết rằng đây là cuộc đối đầu bùng nổ nhất giữa những tượng đài mình từng được thấy từ khu vực báo chí, và bạn không còn là một đứa nhãi non xanh nữa). 

Sự thống nhất về thời gian là một chọn lựa khác. Nhiều người viết trong thì quá khứ (Tôi đã đến Boston vào một ngày khác), nhưng vài người hoàn toàn thoải mái ở thì hiện tại (Tôi đang ngồi ở phòng ăn trên chuyến tàu hỏa hạng sang Yankee Limited và tiến vào Boston). Điều không được chấp nhận là nhảy nhót qua lại các thì. Tôi không có ý bạn chỉ được dùng một thì. Toàn bộ mục đích của việc chia thì là cho phép người viết xử lý thời gian ở những tầng bậc khác nhau, từ quá khứ đến tương lai giả định. (Khi tôi gọi điện thoại cho mẹ ở trạm Boston, tôi đã phát hiện ra nếu tôi từng viết cho mẹ rằng mình đang đến khi thì bà có thể đã đợi tôi). Nhưng bạn cần chọn thì chính yếu mà bạn dùng để trò chuyện với người đọc, bất kể bao nhiêu lần bạn nhìn về quá khứ hoặc hướng đến tương lai trong câu chuyện đang kể. 

Tương tự với việc chọn lựa tông giọng. Bạn có thể muốn giao tiếp với độc giả bằng giọng thoải mái mà The New Yorker đã nỗ lực hoàn thiện. Hoặc có thể bạn thích cách tiếp cận chuẩn chỉnh để giải thích một sự kiện nghiêm trọng hay trình bày một tập hợp những thông tin quan trọng. Cả hai đều ổn. Đúng hơn là tông giọng nào cũng được. Miễn đừng trộn hai, ba tông với nhau.

Những kiểu pha trộn chết người ấy thường xảy ra ở những nhà văn chưa biết cách kiểm soát. Văn du ký là một ví dụ rõ ràng. “Ann vợ tôi và tôi luôn muốn đi Hong Kong”, nhà văn thả hồn về những ký ức cũ, “và một ngày cuối xuân chúng tôi bắt gặp chính mình đang ngắm nhìn mẫu quảng cáo của hãng hàng không và tôi bảo “đi nào!”. “Tụi nhỏ lớn rồi”, anh ta tiếp tục, và bắt đầu giải thích chi tiết tỉ mỉ một cách thân thiện về việc hai vợ chồng dừng chân ở Hawaii, gặp khó khăn khi đổi tiền ở sân bay Hong Kong và tìm thấy khách sạn. Tốt thôi. Anh ta như kiểu đưa ta đi cùng trong một chuyến đi thực tế, và ta có thể đồng cảm với cặp đôi này.

Rồi bỗng nhiên anh biến thành một mẫu quảng cáo du lịch. “Hong Kong mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho những người thích khám phá”. Anh viết. “Người ta có thể đi ngắm cảnh trên một chiếc du thuyền xinh đẹp từ Kowloon và ngỡ ngàng trước vô vàn những chiếc sampan đang vội vã đi qua bến cảng đông đúc,  hoặc dành cả ngày để khám phá những con hẻm ở Macao huyền thoại, với lịch sử đầy sắc màu của những âm mưu và tội phạm. Bạn sẽ muốn thử cáp treo độc đáo đến…”. Sau đó ta lại được quay lại cùng hai vợ chồng trong nỗ lực tìm đồ ăn ở nhà hàng Trung Hoa và may là mọi thứ khá ổn. Ai cũng hứng thú với đồ ăn, và chúng ta được kể về một cuộc phiêu lưu cá nhân.

Lại thình lình người viết trở thành quyển sách hướng dẫn “Để nhập cảnh vào Hồng Kông, bạn cần phải có hộ chiếu hợp lệ nhưng sẽ được miễn visa. Bạn cần được tiêm phòng viêm gan và cũng nên tư vấn với bác sĩ về việc tiêm phòng thương hàn. Khí hậu ở Hồng Kông thường theo mùa, trừ tháng 7 và tháng 8 khi…” Người viết của chúng ta đã ra đi, Ann cũng vậy, và chúng ta thì cũng chuồn sớm thôi.

Không phải là việc nói về sampan hay tiêm phòng viêm gan có gì sai. Điều làm ta khó chịu là người viết không chịu quyết định trước loại bài viết mà anh ta muốn thể hiện và cách anh muốn tiếp cận người đọc. Anh ta lúc thế này, khi thế khác, tuỳ vào loại thông tin mà anh muốn cung cấp. Thay vì kiểm soát các thông tin, anh để các thông tin kiểm soát việc viết. Chuyện lẽ ra không vậy nếu anh ta dành thời gian để xây dựng tính nhất quán từ đầu.

Vì vậy hãy tự hỏi mình những câu hỏi cơ bản trước khi bắt đầu, như “Tôi sẽ tiếp cận người đọc với vai trò nào?” (phóng viên, người cung cấp thông tin, hay chỉ là một người qua đường thông thường?). “Tôi nên xưng hô như thế nào?”, “Tôi sẽ dùng phong cách nào?” (Khách quan, có tính cá nhân nhưng chuyên nghiệp, hay kiểu thân mật thoải mái?) “Tôi sẽ dùng thái độ nào để đánh giá các thông tin?” (đồng thuận, tránh xa, phê phán, châm biếm hay thích thú?), “Tôi muốn bao quát đến đâu?”, “Điều cốt yếu nào tôi muốn truyền đạt?”. 

Hai câu hỏi cuối rất quan trọng. Phần lớn người viết phi hư cấu đều có phức cảm xác định. Họ cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm – cho chủ đề, cho danh dự của họ, cho Đấng Viết Lách – để bài viết trở thành bất hủ. Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận, nhưng không có gì là bất hủ. Những gì bạn coi là phán quyết sáng nay, tối đến sẽ trở nên mơ hồ và những nhà văn kiên trì theo đuổi sự thật toàn diện sẽ thấy mình đang với theo cầu vồng, họ chẳng có dịp nào dừng lại để viết.

Không ai có thể viết một quyển sách hay bài viết “về” cái gì đó. Tolstoy không thể viết sách về chiến tranh và hoà bình, Melville cũng không hề viết sách về đánh bắt cá voi. Họ đã quyết định xây dựng câu chuyện trong sự giới hạn về thời gian, địa điểm và các cá nhân tồn tại trong giới hạn đó – Một người đàn ông truy tìm một con cá voi. Mọi dự án viết lách phải được giới hạn trước khi bắt đầu. 

Nghĩ nhỏ. Xác định ngách chủ đề mà bạn sẽ tập trung và hãy hài lòng khi nắm bắt nó thật tốt, và vậy đủ rồi.

Đây cũng là vấn đề của năng lượng và tinh thần. Một nhiệm vụ viết quá tham vọng sẽ làm cạn kiệt sự nhiệt tình của bạn. Nhiệt huyết chính là động lực giúp bạn tiếp tục viết và giữ chân độc giả. Khi niềm say mê của bạn bắt đầu giảm, họ sẽ nhận ra nó đầu tiên. 

Với vấn đề bạn muốn nói, mỗi tác phẩm phi hư cấu thành công chỉ nên để lại cho người đọc một ý tưởng đầy kích thích, thứ họ chưa từng có trước đây. Không phải hai hay năm – chỉ một thôi. Hãy quyết định điều duy nhất mà bạn muốn để lại trong tâm trí người đọc. Nó không chỉ cho bạn ý tưởng tốt hơn về lộ trình và đích đến, mà còn ảnh hưởng đến giọng điệu và thái độ của bài viết. Một số luận điểm được thể hiện tốt nhất bằng sự nghiêm túc, có cái thì bằng cách diễn đạt gãy gọn và có cái thì hợp với sự hài hước.

Khi đã quyết định về sự thống nhất của bài viết, không có tài liệu nào mà bạn không thể đưa vào câu chuyện của mình. Nếu anh chàng du khách Hồng Kông chọn chỉ viết theo mạch đàm thoại về những gì anh và Ann đã trải qua, rồi anh cũng sẽ tìm ra cách tự nhiên để đan xen vào đó bất cứ thông tin nào muốn kể về chuyến phà Kowloon và thời tiết địa phương. Mà vậy thì tính cách cũng như mục đích của anh sẽ còn nguyên vẹn, trong một bài viết có tính tổ chức chặt chẽ. 

Thường thì bạn sẽ chốt hướng làm xong rồi nhận ra những quyết định ấy không hoàn toàn đúng. Các chất liệu dẫn dắt bạn đến những nơi không ngờ, nơi bạn thấy thoải mái hơn khi viết bằng một giọng điệu khác. Bình thường thôi – việc viết tạo ra những suy nghĩ và ký ức mà bạn không đoán trước được. Đừng chống lại dòng chảy nếu cảm giác nó đúng. Hãy tin vào các chất liệu khi nó đưa bạn đến với một vùng đất mà bạn không có ý định vào, nhưng lại có những rung cảm tốt lành. Hãy điều chỉnh phong cách sao cho phù hợp và tiếp tục viết đến bất kỳ điểm nào bạn cảm thấy đúng với câu chuyện của mình. Đừng trở thành tù nhân của một kế hoạch định trước. Việc viết không tuân theo một bản thiết kế cứng nhắc. 

Nếu điều đó xảy ra, phần thứ hai của bài viết sẽ không ăn nhập với phần đầu tiên. Nhưng ít nhất bạn sẽ biết phần nào đúng nhất với bản năng viết của bạn. Tiếp theo chỉ là vấn đề chỉnh sửa. Quay về điểm khởi đầu và viết lại sao cho giọng điệu và phong cách trở nên thống nhất xuyên suốt. 

Không có gì đáng xấu hổ trong việc sử dụng một phương pháp như vậy. Cây kéo và keo dán — hoặc tương đương của chúng trên máy tính: cắt và dán — là những công cụ đáng kính của người viết. Chỉ cần nhớ rằng tất cả các yếu tố phải được lắp ghép hài hòa vào cấu trúc cuối cùng mà bạn tạo ra cho dù chúng có được lắp ráp một cách ngược đời đến đâu. Nếu không, công trình sẽ sớm sụp đổ.


Posted

in

by

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *