Bạn sẽ vớ lấy những ví dụ lòe loẹt và tính từ bóng bẩy, như thể mới mua “phong cách” từ cửa hàng thời trang sau đó khoác lên từ ngữ của mình cho bắt mắt hơn.
Bản dịch mà bạn đang đọc được thực hiện với mục đích cá nhân và chia sẻ trên blog này hoàn toàn phi thương mại. Tôi không sở hữu bản quyền của cuốn sách gốc, vì vậy, tôi xin khuyến khích mọi người tìm đọc bản gốc để ủng hộ tác giả và cảm nhận đầy đủ ý nghĩa tác phẩm.
Tôi chỉ là một người yêu việc viết lách và không phải là một dịch giả chuyên nghiệp, do đó bản dịch này có thể tồn tại sai sót hoặc chưa truyền tải chính xác tinh thần của tác phẩm. Nếu phát hiện bất kỳ lỗi nào hoặc có góp ý, mong bạn chia sẻ để bản dịch được hoàn thiện hơn.
Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog, và hy vọng rằng những nội dung trong bản dịch này có thể mang lại giá trị cho bạn!
PHẦN 1 – NHỮNG QUY TẮC
CHƯƠNG 4: PHONG CÁCH VIẾT

Có thể là quá nhiều cho một cảnh báo sớm về bầy quái vật cồng kềnh đang phục kích khi bạn cố gắng viết một câu cho rõ ràng.
“Nhưng”, bạn có thể nói, “nếu tôi loại bỏ mọi thứ mà anh cho là lộn xộn và nếu tôi bóc tách mọi câu từ đến tận xương tủy, thì có còn lại gì của tôi không?” Câu hỏi công bằng đấy. Đưa sự đơn giản đến cực đoan sẽ chỉ dẫn đến những câu văn thô sơ như ‘Dick thích Jane’ hay ‘Spot chạy”.
Tôi sẽ trả lời câu hỏi này ở cấp độ thủ công trước. Rồi sau đó ta bàn về vấn đề rộng hơn: nhà văn là ai và làm sao để bảo vệ bản sắc của mình.
Ít ai nhận ra họ viết tệ thế nào. Đâu có ai chỉ ra có bao nhiêu thừa thãi, tối nghĩa len lỏi trong phong cách viết và chúng đang cản trở họ nói được điều cần nói. Nếu bạn đưa tôi bài viết 8 trang và tôi bắt bạn cắt xuống còn 4, bạn sẽ hú lên và bảo “làm sao mà được”. Sau đó bạn về nhà và biên tập nó, thế là mọi thứ tốt hơn hẳn. Tiếp theo là tới phần khó hơn: cắt xuống còn 3 trang.
Điều quan trọng là bạn phải gọt bỏ trước khi bắt tay vào xây dựng lại bài viết. Bạn phải biết những công cụ thiết yếu là gì và chúng được tạo ra để thực hiện công việc gì. Như phép ẩn dụ về nghề mộc, cái cần thiết cơ bản là biết cưa gỗ gọn gàng và đóng đinh. Rồi mới tới chuyện bo cạnh hay thêm đường viền trang trí theo sở thích. Đừng quên rằng bạn đang thực hành một công việc thủ công có những nguyên tắc nhất định. Nếu móng yếu, nhà sẽ sụp. Nếu động từ yếu ớt và cú pháp ọp ẹp, câu chữ sẽ tan đàn xẻ nghé.
Tôi biết có một số nhà văn, như Tom Wolfe và Norman Mailer, đã xây nên những ngôi nhà bất hủ. Nhưng họ đã dành nhiều năm để mài bén tay nghề và cuối cùng trình ra nào tòa tháp, vườn treo và khiến chúng ta – vốn chưa chuẩn bị cho sự trang trí tuyệt diệu ấy – sững sờ. Họ biết họ đang làm gì. Không ai trở thành Tom Wolfe sau một đêm, kể cả Tom.
Vì vậy, đầu tiên hãy học đóng đinh. Nếu những gì bạn đang xây dựng hữu ích và vững vàng, hãy biết hài lòng với sức mạnh của nó. Nhưng thường bạn sẽ mất kiên nhẫn khi đi tìm “phong cách” và rồi lại tô điểm cho những từ vốn bình thường – để chính bạn trở nên đặc biệt hơn trong mắt người đọc. Bạn sẽ vớ lấy những ví dụ lòe loẹt và tính từ bóng bẩy, như thể mới mua “phong cách” từ cửa hàng thời trang sau đó khoác lên từ ngữ của mình cho bắt mắt hơn. Không có cửa hàng phong cách nào cả, phong cách là một phần tự nhiên của người viết, như những sợi tóc vậy. Khi anh ta hói, nghĩa là anh ta thiếu nó. Cố gắng bỏ phong cách vào cũng như ráng đội tóc giả. Mới nhìn qua thì nó giúp anh ta trẻ hơn, có khi còn đẹp trai hơn. Nhưng nhìn kỹ lại – và với tóc giả thì ai cũng phải nhìn kỹ lại – anh ấy trông kỳ quặc. Vấn đề không phải là anh không chải chuốt, anh quá đỏm luôn ấy chứ, hoan hô người thợ làm tóc. Mà chuyện là anh sẽ không bao giờ nhìn giống chính anh.
Đó là vấn đề của những người cố tình tô điểm những gì họ viết. Họ đánh mất mọi thứ sẽ giúp trang viết trở nên độc đáo. Người đọc sẽ nhận ra bạn đang phô diễn, trong khi họ muốn ai đó có thể trò chuyện chân thành. Vậy nên, quy tắc cơ bản: hãy là chính mình.
Tuy nhiên, không có quy tắc nào khó tuân theo hơn quy tắc này. Nó đòi hỏi người viết làm hai thứ vốn bất khả thi với sự trao đổi chất. Họ phải thư giãn, và họ cũng phải tự tin.
Đòi hỏi người viết thư giãn cũng như bảo một người đàn ông thả lỏng khi đi khám chứng thoát vị bẹn.
Còn tự tin? Nhìn cái thế ngồi cứng ngắt của anh ta khi đông cứng trước cái màn hình trống không đang đợi chữ trám vào là biết.
Có thể làm gì để cứu vớt người viết khỏi những đau khổ này? Không may, bệnh này hết thuốc chữa. Tôi chỉ có thể an ủi rằng: bạn không đơn độc đâu. Một số ngày là tươi đẹp hơn và một số sẽ trở nên tồi tệ tới mức bạn tuyệt vọng nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ viết nữa. Chúng ta sẽ trải qua những ngày như vậy và sẽ còn nhiều ngày nữa.
Cũng phải nói, sẽ tuyệt hơn nếu giữ cho những ngày tồi tệ ở mức tối thiểu. Điều này mang tôi quay lại với chuyện cố gắng thư giãn.
Giả sử bạn đang ngồi xuống để viết. Bạn nghĩ mình phải viết nó dài tới chừng nào đó chứ không thì nhìn kém quan trọng. Bạn nghĩ nó sẽ hoành tráng thế nào khi in ra. Bạn nghĩ tới tất cả những người sẽ đọc tác phẩm. Nó phải có sức ảnh hưởng nặng ký. Phải có phong cách thật chói lóa.
Chẳng lạ gì nếu bạn chết ngộp! Bạn quá bận nghĩ về trách nhiệm to lớn với cái tác phẩm đã hoàn thành đến nỗi không ngơi ra để bắt đầu viết. Bạn thề sẽ xứng đáng với nhiệm vụ, và bắt đầu tìm kiếm những cụm từ to tát vốn sẽ không xuất hiện nếu bạn không quá cố gắng để gây ấn tượng, rồi cứ thế đâm đầu vào.
Đoạn 1 là một thảm họa – giống như thứ mà một cái máy vô hồn viết ra. Chứ con người nào viết như thế. Đoạn 2 không khá hơn bao nhiêu. Nhưng đoạn 3 thì có vẻ giống người rồi đấy. Và đến đoạn 4, bạn bắt đầu là chính mình. Bạn bắt đầu thư giãn. Người biên tập viên có kỹ năng biên tập xịn xò sẽ bỏ đi 3,4 đoạn đầu tiên của một bài báo, thậm chí vài trang đầu tiên, và bắt đầu với đoạn văn mà người viết nhập cuộc.
Những đoạn đầu tiên thường thiếu tư vị và quá hoa mỹ. Người viết chẳng nói được gì ngoài sự tự ý thức cao độ để mở đầu ấn tượng. Điều mà tôi – với tư cách là một biên tập viên – tìm kiếm là một câu kiểu như “Tôi sẽ mãi nhớ cái ngày mà…”.
“Aha! Một con người” – tôi nghĩ.
Rõ ràng là bạn sẽ ở trạng thái tự nhiên nhất khi viết ở ngôi thứ nhất. Viết lách là một cuộc đối thoại riêng tư giữa hai người trên trang giấy, và nó sẽ diễn ra suôn sẻ chừng nào còn giữ được tính chân thật. Đó là lý do tôi khuyến khích mọi người dùng “tôi” và “chúng ta”.
Các bạn phản kháng.
“Tôi là ai để mà tuyên bố ‘tôi nghĩ’ hoặc ‘tôi cảm thấy’?” – bạn hỏi.
“Bạn là ai mà không được nói ra điều mình nghĩ?” – tôi bảo. “Chỉ có duy nhất Bạn mà thôi. Không ai trên đời sẽ nghĩ hay cảm thấy y hệt bạn.”
“Nhưng không ai quan tâm đến ý kiến của tôi đâu. Tôi sẽ thấy mình làm nổi quá!” – bạn nói.
“Họ sẽ quan tâm nếu bạn có điều thú vị để kể, và kể bằng ngôn ngữ tự nhiên.” – tôi kết lại.
Tuy nhiên, thuyết phục người viết xưng “tôi” chẳng dễ dàng gì. Họ nghĩ họ phải được trao quyền thì mới được bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ. Hoặc họ thấy chuyện đó quá tự cao tự đại. Rằng điều đó không được coi trọng – cái nỗi sợ đã ảnh hưởng đến cả thế giới học thuật. Do đó, giới chuyên môn dùng từ “người ta” (Người ta thấy mình không hoàn toàn phù hợp với quan điểm của tiến sĩ Maltby về tình trạng con người) hoặc chung chung “nó là” (Chuyên khảo của Giáo sư Felt được hy vọng là có lượng độc giả đông đảo hơn đóng nhận, thứ mà nó xứng đáng).
Tôi phát hiện ra có những lãnh thổ viết lách mà “tôi” không được cho phép. Những tờ báo không muốn “tôi” trong tin bài, nhiều tạp chí không dùng nó trong các bài viết, doanh nghiệp và tổ chức từ chối “tôi” trong các báo cáo mà họ gửi đến tận nhà người dân. Trường đại học không muốn “tôi” trong các báo cáo học kỳ hoặc luận văn. Và giáo viên tiếng Anh không khuyến khích bất kỳ ngôi thứ nhất nào trừ “chúng tôi” (Chúng tôi thấy trong cách Melville sử dụng biểu tượng về cá voi trắng…).
Nhiều hạn chế là hợp lý. Báo chí nên tập trung vào tin tức, thông tin khách quan. Tôi cũng đồng cảm với các giáo viên khi họ không muốn trao cho sinh viên một lối thoát dễ dàng thông qua “trên quan điểm cá nhân” – “Tôi nghĩ rằng Hamlet thật ngu” – trước khi họ vật lộn với kỷ luật đánh giá một tác phẩm dựa trên giá trị nội tại và nghiên cứu tài liệu. “Tôi” có thể là sự trốn tránh và buông thả bản thân.
Nhưng mà chúng ta đã trở thành một xã hội sợ tiết lộ chính mình. Các tổ chức muốn chúng ta ủng hộ họ lại đi gửi cho ta những tờ quảng cáo y hệt nhau, mặc dù chắc chắn rằng tất cả chúng – những bệnh viện, trường học, thư viện, bảo tàng và sở thú – đã được tạo nên và vận hành bởi những con người có ước mơ và tầm nhìn khác nhau. Họ đâu cả rồi? Thật khó để thấy họ giữa một rừng những câu bị động thiếu cá nhân kiểu “các sáng kiến đã được thực hiện” hay “các ưu tiên đã được xác định”.
Ngay cả khi “tôi” không được cho phép, ta vẫn có thể mang cảm giác của tính cá nhân vào trang viết. Nhà báo chính trị James Reston không dùng “tôi” trong chuyên mục của ông, nhưng tôi có thể hình dung rõ ông là người như thế nào, và tôi có thể nói điều tương tự về rất nhiều phóng viên và người viết tiểu luận khác. Người viết giỏi sẽ được nhìn thấy qua những gì họ viết. Nếu bạn không thể dùng “tôi”, ít nhất hãy suy nghĩ như vậy khi viết, hoặc viết bản nháp đầu tiên ở ngôi thứ nhất rồi sau đó mới lấy “tôi” ra ngoài. Điều này sẽ sưởi ấm phong cách thờ ơ của bạn.
Phong cách gắn liền với tâm lý, và viết lách có gốc rễ tâm lý sâu xa. Lý do chúng ta thể hiện bản thân, hoặc thất bại trong việc giải phóng bản thể ấy là bởi vì “writer’s block” (Chi: tạm dịch là “chứng nghẽn viết”), một phần chôn vùi trong tiềm thức. Có bao nhiêu kiểu người viết thì có chừng đó kiểu tắc nghẽn, và tôi không định cố mà khơi thông hết chúng. Quyển sách của tôi thì ngắn, mà tên tôi thì không phải là Sigmund Freud.
Nhưng tôi đã tìm ra thêm một lý do để tránh dùng “tôi”: Người Mỹ không sẵn sàng ra khỏi vòng an toàn. Những những nhà lãnh đạo trước đây đã cho ta biết họ có quan điểm gì và họ tin tưởng điều gì. Thế hệ mới bây giờ biểu diễn màn uốn lưỡi điêu luyện để tránh khỏi việc đó. Cứ nhìn họ luồn lách trên các chương trình tivi mà không cam kết điều gì xem. Tôi nhớ tổng thống Ford đã đảm bảo với nhóm khách mời doanh nghiệp rằng các chính sách tài chính của ông sẽ hiệu quả. Ổng nói: “Chúng ta sẽ thấy những đám mây tươi sáng hơn mỗi tháng”. Tôi coi như mấy đám mây vẫn còn khá tối. Câu từ của Ford đủ mơ hồ để không hứa gì mà vẫn làm đám cử tri an tâm.
Các chính quyền sau này cũng chẳng đỡ hơn. Bộ trưởng bộ Quốc phòng Caspar Weinberger, đánh giá về một cuộc khủng hoảng ở Ba Lan năm 1984 như sau: “Có những mối lo ngại nghiêm trọng vẫn tiếp diễn và tình hình vẫn nghiêm trọng. Tình trạng nghiêm trọng càng kéo dài thì càng có nhiều lý do để lo ngại nghiêm trọng.” Bush cha, khi được hỏi về quan điểm với súng trường xung kích đã nói: “Có nhiều nhóm nghĩ rằng ta nên cấm một số loại súng nhất định. Tôi không thuộc các nhóm đó. Tôi ở trong nhóm vẫn đang cân nhắc sâu sắc”.
Nhưng nhà vô địch mọi thời đại của tôi là Elliot Richardson, người đã nắm giữ bốn vị trí quan trọng trong nội các những năm 1970. Thật khó để biết nên bắt đầu chọn từ đâu trong kho tàng những tuyên bố lập lờ của ông, nhưng hãy thử điều này: “Nhưng, cân nhắc kỹ, tôi nghĩ, hành động khẳng định, đã đủ điều kiện thành công.” Một câu 16 chữ với 5 từ rào đón! Tôi cho nó hạng nhất giải Câu Mơ Hồ trong diễn ngôn đại chúng hiện đại. Mặc dù nó có một đối thủ, là sự phân tích của ông về cách giảm nhàm chán cho các công nhân dây chuyền lắp ráp: “Vì vậy nên cuối cùng là tôi đi đến một niềm tin vững chắc như đã đề cập ở phần đầu: Chủ đề này quá mới để có một phán xét cuối cùng”.
Đó là niềm tin vững chắc sao?
Các vị lãnh đạo nhô lên hụp xuống như một võ sĩ già nua không thể truyền niềm tin – hay xứng đáng với nó. Cũng tương tự với những người viết. Hãy bán chính mình, và chủ đề bạn viết sẽ tự nhiên hấp dẫn. Hãy tin vào bản sắc và quan điểm của chính mình.
Viết là một hành động của bản ngã và bạn nên chấp nhận nó. Mong bạn sử dụng năng lượng ấy để tiếp tục viết.
Leave a Reply