[Dịch] Đơn giản – On Writing Well (3)

“Độc giả” – là sinh vật khó nắm bắt. Họ là người có sức chú ý chừng 30 giây, một người bị lôi kéo bởi rất nhiều nhân tố tranh giành sự chú ý.

Bản dịch mà bạn đang đọc được thực hiện với mục đích cá nhân và chia sẻ trên blog này hoàn toàn phi thương mại. Tôi không sở hữu bản quyền của cuốn sách gốc, vì vậy, tôi xin khuyến khích mọi người tìm đọc bản gốc để ủng hộ tác giả và cảm nhận đầy đủ ý nghĩa tác phẩm.

Tôi chỉ là một người yêu việc viết lách và không phải là một dịch giả chuyên nghiệp, do đó bản dịch này có thể tồn tại sai sót hoặc chưa truyền tải chính xác tinh thần của tác phẩm. Nếu phát hiện bất kỳ lỗi nào hoặc có góp ý, mong bạn chia sẻ để bản dịch được hoàn thiện hơn.

Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog, và hy vọng rằng những nội dung trong bản dịch này có thể mang lại giá trị cho bạn!

PHẦN 1 – NHỮNG QUY TẮC


CHƯƠNG 2: ĐƠN GIẢN

Viết dông dài phức tạp là căn bệnh Mỹ. Chúng ta là một xã hội bị bóp nghẹt trong những từ ngữ không cần thiết, những cấu trúc vòng vo, những kiểu cách khoa trương và những biệt ngữ vô nghĩa.

Ai có thể hiểu được thứ ngôn ngữ vón cục trong thương mại Mỹ hàng ngày: nào là bản ghi nhớ, báo các công ty, thư thương mại, thông báo từ ngân hàng giải thích tuyên bố đơn giản hoá mới nhất của nó? Có hội viên của chương trình bảo hiểm hoặc y tế nào giải mã được tài liệu nói về chi phí và lợi ích của họ? Có mấy ông bố bà mẹ nào lắp được đồ chơi cho con nhờ đọc tờ hướng dẫn đính kèm? Xu hướng quốc gia của chúng ta là thổi phồng lên, và do đó nghe có vẻ quan trọng.

Tại sao phi công không thể đơn giản nói ‘Có thể trời sẽ mưa’ thay vì thông báo dài dòng rằng anh ta dự đoán chuyến bay sẽ gặp mưa lớn? Câu này nghe đơn giản quá, cứ sai sai làm sao ấy. 

Nhưng bí mật của nghệ thuật viết là lược giản từng câu thành từng thành phần rõ ràng nhất. Từng từ ngữ không có vai trò, từng từ dài có thể thay bằng từ ngắn, từng trạng từ mà ý nghĩa của nó vốn đã có sẵn trong động từ, những cấu trúc bị động khiến người đọc chẳng thể biết ai làm gì – một nghìn lẻ một thứ lăng nhăng sẽ làm suy yếu sức mạnh của một câu. Vậy mà chuyện này thường xảy ra tương ứng với trình độ học vấn và cấp bậc.

Trong thập niên 1960, hiệu trưởng trường đại học của tôi đã gửi một bức thư cố gắng trấn an các cựu sinh viên sau quãng thời gian bất ổn. “Chắc bạn đã nhận biết”, ông bắt đầu “chúng ta đã trải qua một lượng đáng kể những biểu-hiện-không-hài -lòng-có-khả-năng-bùng-nổ về các vấn-đề-chỉ-liên-quan-một-phần.” Ông có ý nói họ đã bị làm phiền về những điều khác nhau. Thú thật, tôi thất vọng về tiếng Anh của ông hiệu trưởng hơn là về những ‘biểu-hiện-không-hài-lòng-có-khả-năng-bùng-nổ’ mà ông đề cập.

Tôi thích cách tiếp cận của tổng thống Franklin D. Roosevelt khi ông cố gắng chuyển ngữ các văn bản của chính phủ sang tiếng Anh thực, như cái thông báo mất điện năm 1942 này: 

“Việc chuẩn bị này sẽ được thực hiện sao cho che khuất hoàn toàn tất cả các tòa nhà Liên bang và các tòa nhà không thuộc Liên bang do chính phủ Liên bang chiếm đóng trong một cuộc không kích trong bất kỳ khoảng thời gian nào khỏi sự hiển thị do chiếu sáng bên trong hoặc bên ngoài.”

“Nói họ”, Roosevelt chỉ thị, “toà nhà nào còn có người làm việc thì cần chắn cửa sổ lại để khỏi bị thấy”.

Hãy đơn giản, hãy đơn giản – Thoreau đã nói, và hiếm có nhà văn Mỹ nào thực hành điều đó nhất quán như ông. Mở quyển Walden ở bất kỳ trang nào và bạn sẽ thấy một người đàn ông trình bày những gì trong tâm trí mình một cách mộc mạc và có trật tự: “Tôi vào trong rừng bởi vì tôi ước được sống thong thả, chỉ đối mặt với những hiện thực thiết yếu nhất của cuộc sống, và xem liệu tôi có thể học được những gì nó dạy hay không, và không để đến khi gần chết mới khám phá ra rằng tôi chưa từng sống.”

Làm sao chúng ta có thể giành lấy sự tự do từ chứng rườm rà này? Câu trả lời là giải tỏa sự lộn xộn trong đầu ta. Suy nghĩ rõ ràng trở thành viết rành mạch, cái này không thể tồn tại nếu thiếu cái kia. Bắt một người suy nghĩ mịt mờ viết tốt là điều bất khả thi. Họ có thể xoay xở để viết được một hoặc hai đoạn văn. Nhưng rồi người đọc sẽ sớm lạc lối, và không có cái tội nào nặng hơn vậy, vì đâu có dễ để lôi cuốn một độc giả trở lại. 

“Độc giả” – là sinh vật khó nắm bắt. Họ là người có sức chú ý chừng 30 giây, một người bị lôi kéo bởi rất nhiều nhân tố tranh giành sự chú ý. Cùng một lúc, họ bị các thế lực bao vây: tin tức, tạp chí, radio, bạn đời, con nít, thú cưng. Giờ thì họ còn có cả một vũ trụ thiết bị điện tử để giải trí và cập nhật tin tức – tivi, đầu đọc đĩa, video game, Internet, e-mail, điện thoại, máy nghe nhạc. Rồi thì chương trình tập thể dục, cái hồ bơi, bãi cỏ là một đối thủ cỡ đại: giấc ngủ. Người gục ngủ trên ghế với một cuốn sách trên tay thường là nạn nhân của những rắc rối không đáng có mà nhà văn gây ra. 

Không phải vì độc giả quá ngốc hoặc quá lười để theo kịp dòng suy nghĩ. Nếu người đọc lạc lối, thường là do người viết bất cẩn quá. Sự bất cẩn thể hiện trong nhiều hình thức. Có thể là một câu quá lộn xộn đến mức khi đọc lướt qua nội dung dài dòng, người đọc đơn giản là không hiểu ý nó muốn nói gì. Có thể là một câu văn có cấu trúc tệ khiến người đọc hiểu nó theo nhiều cách. Có lẽ người viết đã chuyển đại từ ở giữa câu, hoặc chuyển thì, nên người đọc không biết ai đang nói hoặc hành động xảy ra khi nào. Có thể câu B không phải là sự tiếp nối logic của câu A, người viết, vốn nắm sự liên kết trong đầu đã không buồn làm viết nó ra. Có thể người viết dùng sai từ do không chịu tra cứu.

Đối mặt với chông gai trên trang viết, ban đầu độc giả cũng ngoan cường lắm. họ tự trách bản thân – chắc là mình đã bỏ sót điều gì đó. Rồi họ đi tới đi lui chỗ cái câu khó hiểu, xem lại cả đoạn, cắt ghép phỏng đoán như đọc cổ văn Rune (Ghi chú Chữ Rune là loại chữ được người Viking ở Scandinavia sử dụng). Nhưng họ sẽ không kiên nhẫn lâu đầu. “Tác giả này ngược đãi mình quá!” – họ sẽ tìm một người biết viết rõ ràng hơn.

Người viết phải liên tục hỏi: Tôi đang ráng nói cái gì? Ngạc nhiên là thường họ không làm vậy. Sau đó họ phải nhìn vào những gì đã viết và hỏi: Tôi đã truyền đạt được chưa? Có rõ ràng với những người lần đầu tiếp xúc với chủ đề này không? Nếu không, nó bắt đầu trở thành logic mờ. Một người viết rành mạch là người đủ sáng suốt để nhìn thấy bản chất của những thứ này: lông gà vỏ tỏi.

Ý tôi không phải là có người là nhà văn bẩm sinh với thiên phú rành mạch, trong khi người khác thì gà mờ và viết hoài vẫn dở. Khả năng nghĩ rõ ràng là một hành động có ý thức mà nhà văn nào cũng cần nỗ lực theo đuổi, như bất kể làm gì đòi hỏi sự logic: lên danh sách mua sắm hoặc giải toán đại số. Người viết giỏi không tự nhiên mọc lên, dù hình như hơi nhiều người nghĩ vậy. 

Các nhà văn chuyên nghiệp thường xuyên thấy ngứa ngáy bởi những người nói rằng họ muốn “thử viết một chút” — nghĩa là khi họ nghỉ hưu, thông thường là từ ngành bảo hiểm hoặc bất động sản. Hoặc họ nói, “Tôi có thể viết một cuốn sách về điều đó.” Tôi hơi nghi ngờ luôn!.

Hai trang cuối của chương này trong bản đầu tiên của cuốn sách. Mặc dù nhìn nó như bản nháp đầu, thực ra tôi đã viết và gõ lại nó 4-5 lần, như mọi trang khác. Với mỗi lần viết lại, tôi ráng sao cho mình viết chặt chẽ hơn, mạnh mẽ hơn và chính xác hơn, đào thải mọi chi tiết không hữu ích. Sau đó tôi rà soát lại lần nữa, đọc lớn và luôn ngạc nhiên khám phá ra còn bao nhiêu sự rườm rà có thể cắt tỉa. (Trong bản cuối, tôi thay từ định giới “anh ta” thành “người viết” và “người đọc”). 


Posted

in

by

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *