[Dịch] Lời mở đầu – On Writing Well (William Zinsser)

Nhưng không gì có thể thay thế người viết. Anh, hay cô ấy, vẫn tiếp tục dính lại với công việc cũ mèm: viết cái gì mà người khác sẽ muốn đọc. 

Bản dịch mà bạn đang đọc được thực hiện với mục đích cá nhân và chia sẻ trên blog này hoàn toàn phi thương mại. Tôi không sở hữu bản quyền của cuốn sách gốc, vì vậy, tôi xin khuyến khích mọi người tìm đọc bản gốc để ủng hộ tác giả và cảm nhận đầy đủ ý nghĩa tác phẩm.

Tôi chỉ là một người yêu việc viết lách và không phải là một dịch giả chuyên nghiệp, do đó bản dịch này có thể sai sót hoặc chưa truyền tải chính xác tinh thần của tác phẩm. Nếu phát hiện bất kỳ lỗi nào hoặc có góp ý, mong bạn chia sẻ để bản dịch được hoàn thiện hơn.

Cảm ơn bạn đã ghé thăm blog, và hy vọng rằng những nội dung trong bản dịch này có thể mang lại giá trị cho bạn!


GIỚI THIỆU CỦA TÁC GIẢ 

Tôi treo một bức ảnh của nhà văn E.B. White trong văn phòng tại Manhattan. Bức ảnh do Jill Krementz chụp khi ông 77 tuổi, tại ngôi nhà của mình ở North Brooklyn, Maine.





Một người đàn ông tóc bạc phơ ngồi trên một cái ghế gỗ đơn sơ, cùng với cái bàn gỗ cũng đơn giản nốt, nó là ba tấm ván được đóng đinh vào bốn cái chân bàn, trong một nhà thuyền nhỏ. Cửa sổ mở ra mặt nước. White đang viết trên một cái máy đánh chữ bình thường, và những vật dụng duy nhất cạnh ông là một cái gạt tàn và một cái thùng gỗ – khỏi phải nói, đó là cái thùng rác của ông. 




Rất nhiều người quen biết của tôi, các nhà văn và những người muốn trở thành tác giả, sinh viên và cựu sinh viên – đã từng thấy bức ảnh đó. Họ đến để nói về một khó khăn trong việc viết lách hoặc để cập nhật tình hình về cuộc sống của nhau. Nhưng thường không mất đến vài phút để họ bị thu hút bởi ông già ngồi bên máy đánh chữ. Điều thu hút họ chính là sự giản dị. White chỉ có những thứ cần thiết: một chiếc máy đánh chữ, một xấp giấy, và một cái thùng rác để vứt bỏ những câu chữ không dùng đến

Rồi việc viết lách bước vào thời đại điện tử. Máy tính thay thế máy đánh chữ, nút xóa thay cho thùng rác, và các phím tắt hỗ trợ thêm, di chuyển, sắp xếp văn bản dễ dàng. Nhưng không gì có thể thay thế người viết. Anh, hay cô ấy, vẫn tiếp tục dính lại với công việc cũ mèm: nói cái gì mà người khác sẽ muốn đọc. Đó là chủ đề của bức ảnh, và đó cũng là điểm chính của quyển sách dù 30 năm đã qua. 

Tôi viết On Writing Well – Để viết tốt hơn lần đầu ở một cái nhà ngoài nhỏ và thô sơ như nhà thuyền của White. Dụng cụ của tôi là một cái đèn treo, một cái máy đánh chữ Underwood, một ram giấy màu vàng và cái thùng rác kim loại dạng lưới. Khi đó tôi đã đứng lớp viết phi hư cấu tại Yale được 5 năm và muốn dùng mùa hè năm 1975 để mang khóa học vào quyển sách.

E. B. White đã từng ám ảnh tâm trí tôi rất lâu. Từ lâu tôi đã coi ông như hình mẫu nhà văn mà mình hướng đến. Ông ấy có một phong cách chẳng cần phải nỗ lực, điều mà tôi biết, phải rất nỗ lực để có được. Và bất cứ khi nào bắt đầu một dự án mới, đầu tiên tôi sẽ đọc một chút White để nhịp điệu của ông len lỏi vào tai. 

Nhưng giờ tôi lại có một mối quan tâm sư phạm hơn: White là đương kim vô địch ở trường đấu mà tôi muốn bước vào. The Elements of Style – Những yếu tố của phong cách, quyển sách ảnh hưởng nhất đến White, được viết vào năm 1919 bởi giáo sư tiếng Anh của ông ở Cornell, William Strunk Jr và bản cập nhật có sự tham gia của ông đã thống trị lĩnh vực chỉ dẫn cách viết cho các nhà văn. Đối thủ quá gắt. 

Thay vì cạnh tranh với sách của Strunk và White, tôi quyết định bổ sung cho nó. Quyển sách chứa đựng những gợi ý và lời khuyên: làm cái này, đừng làm cái kia. Cái mà nó chưa bỏ vào là cách để áp dụng các quy tắc và nhiều dạng viết khác nhau mà những nhà văn phi hư cấu và nhà báo có thể thực hiện. Đó lại chính là điều mà tôi đã dạy trong khóa học, và là cái tôi sẽ đề cập trong sách của mình: Làm sao để viết về con người và địa điểm, khoa học và công nghệ, lịch sử và y dược, kinh doanh và giáo dục, thể thao, nghệ thuật và bất cứ cái gì tồn tại dưới ánh mặt trời để được viết về. 

Vậy là On Writing Well ra đời trong năm 1976 và giờ đây đang chào đón thế hệ người đọc thứ ba mươi. Nó bán được hơn một triệu bản. Ngày nay, tôi thường gặp những nhà báo trẻ được nhận quyển sách từ biên tập viên của họ, những người đã từng được trao truyền quyển sách từ vị biên tập viên đã dẫn họ vào nghề. Tôi cũng thường gặp những người phụ nữ trung niên kể rằng họ được giao đọc quyển sách này ở trường đại học và ngạc nhiên vì nó không khó nuốt như kỳ vọng về một cuốn giáo trình. Thi thoảng họ mang đến một ấn phẩm cũ cho tôi ký, với những đoạn văn được tô vàng và xin lỗi về sự lộn xộn đó. Tôi yêu lộn xộn. 

Vì nước Mỹ đã luôn thay đổi trong 30 năm, nên quyển sách này cũng vậy. Tôi đã sửa nó sáu lần để bắt nhịp với các trào lưu xã hội (sự hứng thú với hồi ký, kinh doanh, khoa học và xã hội), trào lưu văn học (nhiều tác giả nữ hơn), mô hình nhân khẩu học (nhiều nhà văn từ các truyền thống văn hóa khác hơn), công nghệ mới (máy tính) và các từ ngữ mới với cách dùng mới. 

Tôi cũng kết hợp những bài học đã nhận được nhờ tự mình lăn lộn trong nghề, viết sách về những chủ đề tôi chưa từng trước đây: bóng rổ và âm nhạc và lịch sử nước Mỹ. Mục đích là giữ cho tôi cùng những trải nghiệm luôn sống động. 

Độc giả cảm được sách của tôi là vì họ đang đọc một tác giả đang làm nghề, chứ không phải từ một giáo sư tiếng Anh nào đó.

Sự quan tâm của tôi như một giáo viên cũng đã thay đổi. Tôi hứng thú hơn với những tài sản vô hình làm giàu việc viết – sự tự tin, niềm vui thích, sự chủ tâm, tính chính trực – và tôi đã viết những chương mới về các giá trị này. 

Giai đoạn 1990 tôi cũng đã dạy một khóa viết hồi ký và lịch sử gia đình tại trường New School. Học viên của tôi là những người muốn sử dụng phương pháp viết để cố gắng hiểu họ là ai và họ được sinh ra trong di sản nào. 

Năm từng năm, những câu chuyện mang tôi đi sâu hơn vào cuộc sống của họ, vào cái khao khát để lại một văn bản về những gì họ đã làm, đã nghĩ và đã cảm nhận. Có lẽ phân nửa người ở Mỹ đang viết hồi ký. Tin xấu là hầu hết họ đều bị tê liệt bởi kích thước khổng lồ của nhiệm vụ. 

Làm sao để bắt đầu tạo nên một dáng hình mạch lạc cho ký ức, cái mênh mông những con người, sự kiện và cảm xúc nửa nhớ nửa quên? Nhiều người gần như tuyệt vọng. Để giúp đỡ và làm an lòng, tôi đã viết một cuốn sách vào năm 2004 có tựa đề Writing about your life – Viết về cuộc đời bạn. Đó là một hồi ký về những gì đã xảy ra trong đời tôi, nhưng cũng là một giáo trình, vừa viết tôi vừa giải thích về những quyết định viết lách của mình. Chúng là những quyết định tương tự mà mọi nhà văn phải đối diện khi viết về chuyện đã qua: vấn đề chọn lọc, rút gọn, tổ chức và giọng điệu. Bây giờ, cho lần xuất bản này, tôi đặt bài học mình học được vào chương mới “Viết về lịch sử gia đình và hồi ức”.

Lần đầu viết On Writing Well, những độc giả mà tôi hướng đến là một nhóm nhỏ: các sinh viên, tác giả, biên tập viên, giáo viên và những người muốn học cách viết. Tôi không có ý niệm gì về những tuyệt tác điện tử sẽ sớm cách mạng hóa hành động viết lách. Đầu tiên là trình xử lý văn bản, vào những năm 1980, đã biến máy tính thành công cụ hàng ngày cho những người chưa bao giờ nghĩ mình là nhà văn. Sau đó đến Internet và e-mail, vào những năm 1990, tiếp tục cuộc cách mạng. Ngày nay mọi người trên thế giới đang viết thư cho mọi người khác, liên lạc qua mọi biên giới và trên mọi múi giờ.

Các blogger đang bão hòa trên toàn cầu. Ở một cấp độ nào đó, dòng chảy mới này là tin tốt. Bất kỳ phát minh nào làm giảm nỗi sợ hãi khi viết đều xứng đáng lên thiên đường cùng với điều hòa không khí và bóng đèn. Nhưng, như mọi khi, có một nhược điểm.

Không ai nói với tất cả những nhà văn máy tính rằng bản chất của việc viết là viết lại. Chỉ vì họ viết trôi chảy – không có nghĩa là họ viết tốt. Điều này lần đầu tiên được nhận thấy khi các chương trình soạn thảo văn bản ra đời. Hai điều trái ngược nhau đã xảy ra: Người viết tốt trở nên tốt hơn, và những người viết tệ thì càng tệ hơn nữa. Tác giả xịn chào đón món quà của việc có thể loay hoay không ngừng với các câu từ, cắt tỉa, sửa đổi và định hình mà không cần gõ lại cực nhọc. Những người viết tồi thậm chí còn trở nên dài dòng hơn bởi vì việc viết đột nhiên trở nên quá dễ dàng và câu văn của họ trông rất đẹp trên màn hình. Làm thế nào những câu đẹp như vậy có thể không hoàn hảo?

Email là một phương tiện tức thời, lý tưởng cho việc duy trì cuộc sống bộn bề bất tận. Không lợi ích gì cho việc chậm lại hay nhìn lại. Có viết lộn xộn thì cũng chẳng gây hại gì cho ai. Thế nhưng, email là nơi phần lớn hoạt động kinh doanh trên thế giới đang tiến hành.

Hàng triệu email mỗi ngày cung cấp cho chúng ta những thông tin cần thiết để làm việc, và một thông điệp được viết tệ có thể gây nhiều thiệt hại. Tương tự với việc viết website. Thời đại mới cùng với toàn bộ phép màu điện tử, vẫn là một thế giới dựa trên văn bản. 

On Writing Well là một quyển sách thủ công, và những nguyên lý của nó không đổi từ cách đây 30 năm. Tôi không biết có phép màu nào sẽ đến để giúp việc viết dễ hơn gấp đôi trong 30 năm tới nữa. Nhưng tôi biết rằng chúng sẽ không giúp ta viết hay hơn gấp đôi. Việc viết – vẫn sẽ đòi hỏi tư duy cứng rắn, cũ kỹ và đơn giản – điều mà E.B.White làm trong nhà thuyền của mình – và những công cụ đơn giản, xưa cũ của ngôn ngữ Anh. 

2006


Posted

in

by

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *