3 con đường đi tìm ý nghĩa sống 

Đang vật vã trong việc tìm kiếm ý nghĩa sống? Các nhà nghiên cứu đã tìm ra 3 con đường khác nhau để để đạt được điều đó.

Tác giả: JOSHUA A. HICKS, LAURA A. KING | NOVEMBER 2, 2021

Cảm nhận rằng cuộc sống của bạn có ý nghĩa là một yếu tố cơ bản trong trải nghiệm làm người, những người đạt được được điều này thường khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Khi hầu hết mọi người đều đồng ý rằng ý nghĩa cuộc sống là rất quan trọng, vậy thì làm thế nào chúng ta có thể nuôi dưỡng cảm giác ấy trong mình? 

Trong phần lớn thế kỷ 20, các triết gia, nhà tâm lý học và bác sĩ tâm thần đã đưa ra quan điểm rằng ý nghĩa trong cuộc sống là một trải nghiệm hiếm hoi và sâu sắc, chỉ có thể đạt được thông qua việc tích cực tìm kiếm, sự tự phản tỉnh sâu sắc, hoặc những cách gian nan khác để tạo ra ý nghĩa trong một thế giới dường như vô nghĩa. Nhưng giờ đây, chúng ta biết rằng hầu hết mọi người, trong hầu hết thời gian, cảm thấy cuộc sống của họ có ý nghĩa chứ không vô nghĩa. Mặc dù việc xây dựng ý nghĩa một cách chủ động có thể cần thiết trong một số trường hợp— ví dụ, khi thế giới của bạn bị đảo lộn sau một sự kiện chấn thương—việc nuôi dưỡng nó trong cuộc sống có thể đơn giản như việc nhận ra “ý nghĩa” đã tồn tại sẵn ở đó.

Các định nghĩa của các nhà nghiên cứu về ý nghĩa cuộc sống thường bao gồm ba chủ đề chính: niềm tin rằng cuộc sống và những đóng góp của bạn có nghĩa đối với bản thân và người khác, cảm giác rằng cuộc sống của bạn có trật tự và dễ hiểu, và cảm giác rằng bạn đang tích cực theo đuổi những mục tiêu mang lại sự trọn vẹn. Các nghiên cứu khác cũng củng cố thêm quan điểm rằng sự quan trọng, sự thấu suốt và có mục đích là ba khía cạnh liên quan chặt chẽ hoặc có thể nói, là những con đường trực tiếp dẫn đến trải nghiệm ý nghĩa trong cuộc sống.

Dựa trên ba con đường này, dưới đây là một số việc đơn giản mà bạn có thể làm để duy trì hoặc nâng cao cảm giác sống có ý nghĩa.

Trải nghiệm về sự tồn tại quan trọng của bạn

Có một sự an ủi lớn lao trong việc tin rằng cuộc sống và hành động của bạn là quan trọng trong bức tranh lớn của vũ trụ. Niềm tin này được gọi là “giá trị tồn tại” (existential mattering) và là một thành phần quan trọng trong trải nghiệm ý nghĩa cuộc sống. Khi nói đến giá trị tồn tại, người ta thường nghĩ đến những nhân vật nổi tiếng (hoặc tai tiếng) đã làm nên những điều phi thường trong cuộc đời họ, như Mẹ Teresa, Cesar Chavez, hay Bill Gates. Tuy nhiên, nhiều người tìm được trải nghiệm này này thông qua những con đường dễ dàng hơn.

Nghiên cứu cho thấy rằng việc cảm nhận mình đã tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với người khác, không có gì ngạc nhiên, gắn liền với niềm tin rằng cuộc sống của mình có giá trị. Giá trị tồn tại thường bắt nguồn từ cảm giác rằng bạn quan trọng với người khác—từ việc giúp đỡ người lạ, cung cấp sự hỗ trợ tinh thần cho những người thân yêu, hay đơn giản là làm một người bạn đáng tin cậy.

Cảm giác rằng bạn quan trọng không chỉ liên quan đến việc cảm nhận rằng hành động của mình có ảnh hưởng đến người khác.Cảm giác đặc biệt còn được tăng cường khi hành vi hoặc trải nghiệm của bạn, trong một phạm vi rộng hơn, có giá trị đối với chính bản thân bạn. Khía cạnh này liên quan đến ý tưởng của bác sĩ tâm thần Viktor Frankl về việc tìm kiếm vẻ đẹp và ý nghĩa trong cuộc sống thông qua những trải nghiệm thực tế. Ví dụ, cảm giác này có thể xuất hiện khi bạn thưởng thức một buổi trình diễn âm nhạc sống động, ngưỡng mộ vẻ đẹp của thiên nhiên, hoặc tận hưởng một khoảnh khắc giao tiếp chân thành với người khác.

Một cách nữa là tích cực tìm kiếm những trải nghiệm mang đến phần thưởng nội tại, chẳng hạn như (tái) kết nối với thiên nhiên hoặc những người giúp bạn dễ dàng thể hiện con người thật. Ngoài ra, nhiều chiến lược điều chỉnh nhận thức hoặc cảm xúc như thực hành chánh niệm, tận hưởng những khía cạnh tích cực của tình huống, nuôi dưỡng lòng biết ơn hoặc học cách đánh giá các trải nghiệm một cách tích cực hơn, đều khuyến khích việc phát hiện ra tầm quan trọng và giá trị của cuộc sống.

Mặc dù những trải nghiệm này có thể khiến bạn cảm thấy bản thân nhỏ bé trong sự bao la của vũ trụ, chúng cũng nhắc nhở rằng bạn thuộc về chính sự bao la đó—rằng bạn là một phần không thể tách rời của vũ trụ vô hạn mà bạn đang tồn tại.

Cảm giác thông suốt, rõ ràng 

Thấu suốt là việc cảm nhận rằng cuộc sống của bạn có sự hợp lý và dễ hiểu. Với hầu hết mọi người trong phần lớn thời gian, việc hiểu cuộc sống không phải là một vấn đề lớn. Chúng ta là những sinh vật tạo dựng ý nghĩa, dễ dàng tự động hiểu được hầu hết các tình huống. Thực tế, một lý do khiến ta không nghĩ quá nhiều về ý nghĩa cuộc sống là vì chúng ta đơn giản cảm thấy đúng về mọi thứ (tức là mọi thứ đều có vẻ hợp lý).

Cuộc sống của chúng ta được đặt trong một thế giới tự nhiên, nơi đặc trưng bởi những quy luật lặp đi lặp lại—như bình minh và hoàng hôn. Chúng ta trải lên những quy luật tự nhiên đó các thói quen cá nhân —một tách cà phê buổi sáng hoặc một buổi đi dạo tối. Những quy luật và nhịp điệu của cuộc sống là nền tảng để ta tin rằng cuộc sống này có ý nghĩa. 

Dĩ nhiên, cuộc sống không phải lúc nào cũng hợp lý. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy không thể hiểu được sau khi trải qua một cú sốc tâm lý hoặc, ngược đời thay, khi bạn cố gắng quá mức để hiểu tại sao cuộc sống của mình có ý nghĩa. Trong tất cả các khía cạnh của ý nghĩa, sự thông suốt đại diện cho một nhu cầu tâm lý cơ bản. Tương tự như nỗi đau khổ mà chúng ta cảm nhận khi không thể đáp ứng nhu cầu được thuộc về, thế giới của chúng ta dường như sụp đổ khi mọi thứ đột nhiên trở nên vô nghĩa.

Việc giúp tâm trí lấy lại cân bằng, khôi phục cảm giác rõ ràng, hợp lý trong những thời điểm này là một thách thức và thường đòi hỏi sự phản hồi, trấn an từ người khác (như một nhà trị liệu hoặc cha mẹ), cũng như năng lực phục hồi bí ẩn của thời gian. Kết nối lại với trật tự tự nhiên của thế giới, khôi phục các thói quen mang lại cấu trúc cho cuộc sống, và tìm kiếm sự thư thái trong nghệ thuật có thể giúp bạn tái thiết sự hợp lý cho cuộc sống của mình.

Mặc dù việc không thể hiểu rõ cuộc sống có thể làm giảm đi ý nghĩa sống, nhưng chỉ riêng việc hiểu rõ nó cũng không đồng nghĩa với việc cuộc sống sẽ trở nên đầy ý nghĩa. Ví dụ, rất dễ tưởng tượng về một người có niềm tin yếm thế về cách cuộc sống của họ đã diễn ra. Quan điểm này có thể giúp họ lý giải được hoàn cảnh và cuộc đời mình một cách tổng quát, nhưng dường như khó có khả năng thúc đẩy họ tin rằng đời mình đầy ý nghĩa. Như vậy ý nghĩa không chỉ đơn thuần là việc ghép các mảnh ghép với nhau mà còn là việc tìm thấy vẻ đẹp trong bức tranh tổng thể xuất hiện từ những kết nối đó.

Sống có mục đích

“Mắt sáng, tâm thành (bất khả chiến bại)”  là khẩu hiệu của đội bóng hư cấu Dillon Panthers trong bộ phim truyền hình nổi tiếng Friday Night Lights. Một lý do khiến việc “nhìn rõ mục tiêu” và sau đó “lấp đầy trái tim” là chiến lược hiệu quả cho các cầu thủ bóng đá, và có lẽ cho tất cả mọi người, là vì khi ở trạng thái tâm lý này, con người có thể theo đuổi mục tiêu của mình với ý thức rõ ràng hơn về mục đích.

Cảm giác có mục đích giúp chúng ta duy trì động lực qua những thăng trầm của cuộc sống hàng ngày, và những người sống có mục đích thường cảm thấy hài lòng hơn, thậm chí sống lâu hơn. Vì vậy, mục đích không chỉ gắn liền với chất lượng mà còn với độ dài của sự tồn tại của chúng ta.

Để hành động có mục đích, bạn cần có một lý do rõ ràng cho việc mình làm. Hiểu được cái “tại sao” của việc mình làm có thể mang lại giá trị ngay cả cho những hành động tưởng chừng tầm thường nhất. Nietzsche nổi tiếng với câu nói “Người nào có ‏‏lý do‏‏ để sống thì có thể tồn tại trong ‏‏mọi‏‏ nghịch cảnh”. Khi bạn xây dựng được một lý do rõ ràng để theo đuổi mục tiêu, cách thức thực hiện các hành động hướng đến mục tiêu đó cũng trở nên dễ chịu và thú vị hơn, vì chúng được kết nối với một mục tiêu dài hạn hơn. Ví dụ, mặc dù hầu hết sinh viên sẽ thích giao lưu với bạn bè hơn là học trước kỳ thi, việc hiểu rõ rằng hy sinh một chút niềm vui ngắn hạn sẽ giúp đạt được một công việc đáng mơ ước trong tương lai có thể khiến họ cam kết với việc ôn bài hơn.

Dù bạn đang bận rộn làm việc, hãy luôn giữ tầm nhìn hướng đến giấc mơ lớn của mình. Lý do lớn nhất để tồn tại có thể nằm trong ‘kế hoạch của Chúa’ hoặc một sứ mệnh sống, nhưng việc hiểu ‘tại sao’ bạn làm điều gì đó không nhất thiết phải đến từ những trải nghiệm to tát như vậy. Dành thời gian để suy ngẫm về những ước mơ cuộc đời của bạn – để viết tiếp những chương tiếp theo của câu chuyện cuộc đời – có thể giúp bạn kết nối cuộc sống hàng ngày và các mục tiêu nhỏ với những khát vọng lớn hơn.

Thay vì sống vô định, hãy nhìn rõ mục tiêu để có động lực và định hướng trong cuộc sống, đồng thời cho phép những thành tựu đó thấm nhuần ý nghĩa vào cuộc sống của bạn.

Tuy nhiên, không phải mọi lý do để theo đuổi mục tiêu đều giống nhau. Một người thực hiện nhiệm vụ chỉ vì sếp yêu cầu có thể sẽ không cảm thấy ý nghĩa hay mục đích khi làm công việc đó. Ngược lại, những hành động có mục đích thường được thực hiện vì những lý do mang tính nội tại hơn, thường liên quan đến các giá trị cốt lõi trong bản sắc cá nhân của mỗi người.

Chẳng hạn, những tình nguyện viên làm việc hỗ trợ người vô gia cư có thể vì nhiều lý do khác nhau, nhưng ai hành động vì cảm thấy phù hợp với giá trị nội tại về việc giúp đỡ những người gặp khó khăn có thể cảm nhận được ý nghĩa và mục đích từ trải nghiệm này hơn.

Khả năng tìm thấy ý nghĩa giúp chúng ta thức dậy mỗi sáng và hoàn thành những việc cần làm, ngay cả trong đau khổ. Đây chính là lúc cảm giác về mục đích phát huy sức mạnh to lớn. Mặc dù mọi cuộc đời đều có giá trị, chúng cũng đều kết thúc, và trong bức tranh lớn hơn, có thể không để lại dấu vết gì trong trang sử đời, và sự thật này đe dọa ý nghĩ sống của chúng ta. Và mặc dù cuộc sống thường mang lại cảm giác hợp lý, những sự kiện ngẫu nhiên và vô nghĩa như thiên tai hay những hành động bạo lực kinh hoàng vẫn sẽ diễn ra, làm lung lay cách lý giải về thế giới của ta.

Vì vậy, trong tam giác tạo nên ý nghĩa sống – tính mục đích có lẽ là khía cạnh ít phụ thuộc nhất vào hoàn cảnh. Dù trong bất kỳ tình huống nào, mục đích – khả năng đầu tư vào các mục tiêu – luôn hiện hữu, hứa hẹn trả lời cho câu hỏi “ý nghĩa cuộc sống là gì?”

Mặc dù quan niệm chung cho rằng việc nỗ lực tìm kiếm và tạo dựng ý nghĩa là cách chính yếu để thực sự có được cảm giác được khao khát này, nghiên cứu lại cho thấy rằng hầu hết thời gian, ý nghĩa thực ra khá dễ nhận ra. Việc cố gắng hiểu tại sao cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa có thể đóng vai trò quan trọng khi cuộc sống trở nên khó hiểu, nhưng cuối cùng, điều đó có thể sẽ không mang lại câu trả lời thỏa mãn.

Ý nghĩa không chỉ được tìm thấy ở một nơi duy nhất. Nó hiện diện xung quanh chúng ta – trong các mối quan hệ, công việc, niềm tin tâm linh và tôn giáo, cũng như qua việc trân trọng chính cuộc sống.

tóm tắt: 3 cách để tìm kiếm ý nghĩa sống
  • Tính Quan Trọng (Significance): Hành động giúp đỡ người khác, xây dựng mối quan hệ chân thành, và tìm thấy giá trị trong những trải nghiệm cá nhân.
  • Sự Mạch Lạc (Coherence): Duy trì thói quen hàng ngày và kết nối với thiên nhiên để giữ cuộc sống rõ ràng, trật tự.
  • Mục Đích (Purpose): Theo đuổi mục tiêu phù hợp với giá trị cá nhân để duy trì động lực và hướng đi.
  • Lợi ích: Giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, duy trì hạnh phúc, tăng động lực và sống lâu hơn.
3 bài tập viết phản tư
  1. Tính Quan Trọng (Significance):
    “Hành động nào của tôi đã tạo ra ảnh hưởng tích cực cho người khác hoặc chính bản thân mình trong tuần qua?”
  2. Sự Mạch Lạc (Coherence):
    “Thói quen hoặc trải nghiệm nào giúp tôi cảm thấy cuộc sống rõ ràng và trật tự hơn?”
  3. Mục Đích (Purpose):
    “Mục tiêu nào trong hiện tại phản ánh giá trị sâu sắc nhất của tôi, và tôi đang làm gì để tiến gần hơn tới mục tiêu đó?”

Nguồn: Three Ways to See Meaning in Your Life

Biên tập: Hạ Chi


Posted

in

by

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *