Sợ hãi, xấu hổ, nản chí. Hãy cứ viết

Sáng nay ngủ dậy, tôi bỗng thèm được viết. 

Hơn lúc nào hết, tôi chỉ muốn được ngồi xuống và lôi hình bóng của quyển sách này trong đầu tôi ra, rót nó thành hiện thực. Đôi tay đánh chữ của tôi không theo kịp cái khao khát được viết, nỗi bứt rứt, con bướm đang đập cánh trong trái tim tôi. Tôi biết mình không có nhiều thời gian để viết. Chỉ 30 phút nữa, tôi cần quay trở lại với lịch trình thường lệ của mình. Nhưng ngay lúc này đây, tôi ngồi viết, trả nợ cho quyển sách của mình. Tôi đã cõng lời hứa với quyển sách này quá lâu, đến mức có cảm giác chính nó gây nên chứng đau cổ vai gáy cho mình. 

Hãy cứ viết dở đi!

“Chị ơi em viết dở lắm, em học lớp của chị nổi không?” 

Đây là câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất mỗi khi mở khoá viết. Ban đầu tôi rất ngạc nhiên, vì bạn viết chưa tốt nên tôi mới có thể giúp bạn. Giả sử nhà văn mà tôi yêu thích một hôm muốn học lớp viết, tôi sẽ từ chối ngay vì tôi chẳng thể làm gì cho người đã thuần phục con chữ rồi. 

Giá trị của tôi là dành cho những bạn (nghĩ rằng) mình không biết viết, (nghĩ rằng) mình viết dở, (nghĩ rằng) mình không thể viết được đâu dù mình muốn lắm. 

Tôi sẽ nói với bạn rằng: Đừng nghĩ là mình không thể. Để trở thành người viết thì việc duy nhất cần làm là viết. 

Bước đầu tiên để tin rằng mình có thể, chính là: Hãy cứ viết dở đi. 

Bạn có đang nghĩ “khuyên gì “lãng giang” vậy trời!”? 

Nếu là tôi của hồi 5 năm trước, lúc mới dạy viết thì tôi cũng nghĩ vậy. Hồi đó tôi tập trung nhiều vào chuyện viết đúng. Viết phải đúng mẫu câu, đúng chính tả, đúng cấu trúc, đúng hệ từ, đúng “định dạng”, v.v… nhiều lắm. Tôi góp ý cho học viên những tiểu tiết như vậy và tôi tin rằng điều đó tốt. Nhưng những trải nghiệm sau đó đã làm tôi thay đổi suy nghĩ.

Tôi nhận ra rằng, nếu chỉ đi “bắt bài” cái sai khi viết của người khác, tôi sẽ trở thành một cỗ máy bắt lỗi và học viên  – nếu thành công – sẽ trở thành một máy viết không lỗi. Chẳng ai muốn làm cái máy, nên họ muốn bỏ viết và tôi thì muốn bỏ lớp. 

Tôi bắt đầu lắng nghe học viên của mình nói, trước khi khởi động khoá học. 

Họ nói, “Chị ơi em viết dở lắm”. Họ nói, “Mình chưa viết bao giờ, mình không có kinh nghiệm gì cả”. Họ nói, “Em có thể bắt đầu từ con số 0 không?”. 

Học viên của tôi sợ hãi trước khi bắt đầu, dẫu họ là những người yêu thích việc viết và bằng một cách bản năng nào đó đã tìm đường đến gần câu trả lời (vì họ tìm thấy tôi). 

Khi nghĩ về nỗi sợ của họ, cũng là lúc tôi nhìn nhận lại nỗi sợ của mình, mà vì tính chuyên nghiệp của một người viết kiếm sống, tôi đã cất chúng trong những ngăn tủ khoá cẩn thận. 

Lúc còn là một đứa nhỏ, tôi sợ mình viết ra cái gì đó quá khác biệt. Tôi sợ không viết đúng văn mẫu thì điểm sẽ không được cao. Tôi nhớ, có một hôm cô giáo cho đề tài “Hãy miêu tả cơn mưa”, một người bạn đã bị cô đọc to bài văn để cả lớp cười chế giễu. Vì bạn viết “Trời mưa thì nhà em ngập, cóc nhái ễnh ương đều bò từ dưới cống lên nhà. Ba em bắt được cả rắn nữa, tối đó ba và mấy chú bạn ngồi nhậu con rắn.” Phải tả cơn mưa làm cây lá reo vui, không khí trong lành thì mới đúng đường lối. 

Lúc mới tập làm báo, tôi sợ vì không biết bắt đầu từ đâu, không biết làm sao để được chọn. Tờ báo giấy chỉ có chừng đó trang, nên chỉ những bài xuất sắc mới giành được vị trí. Những bài viết đầu tiên của tôi, cũng nghèo nàn như vốn sống của tôi thời ấy. Nhạt nhẽo, nói ra những điều ai cũng biết. Khô cứng. Không có giá trị thông tin. Đó là số ít trong bộ sưu tập lời “khai tử” cho những gì tôi viết.

Khi trở thành người viết chuyên nghiệp rồi, tôi thường giành được vị trí headline ở trang bìa, được dành cho những 6 trang trong tờ báo. Nhưng lúc đó, thay vì cảm giác tự hào thì tôi lại mang nỗi sợ khác. Sợ không giữ được chất lượng. Tôi bị ám ảnh mỗi khi mở trang word lên và bắt đầu một bài viết mới: cái tôi viết có hay hơn, tốt hơn cái tôi đã viết hay không. Tôi có làm biên tập viên thất vọng hay không? Tôi có giữ được sự yêu thích của bạn đọc không? 

Tôi có xứng đáng với trang báo trống đang chờ mình không? 

Trong cuộc mưu sinh, cũng có lúc tôi làm cộng tác viên cho một số trang báo mạng, nơi không có giới hạn vật lý cho những gì mình viết. Nỗi sợ lại càng kinh hoàng hơn. Tôi sợ mình viết ra những thứ vô nghĩa. Vì tôi thấy mình viết ra những thứ vô nghĩa. Những tin tức chỉ có giá trị 1 giây khi nó còn gây chú ý. Những tin tức sẽ chìm ngay lập tức khi một tin mới hơn xuất hiện. Những tin tức giết thời gian, thoả mãn thói tò mò bằng các thủ thuật tọc mạch. Sự vô nghĩa đó làm tôi sợ không dám ký tên mình dưới bài viết.

Tôi đã rất sợ hãi. 

Luôn luôn, cho đến giờ.

Viết dở còn hơn viết dở

“Tôi hay ghen tị với những tác giả cùng thời, mỗi khi họ ra mắt một quyển sách mới. 

Nỗi ghen tị đó không liên quan đến tài năng của họ hay mối quan hệ giữa tôi và họ. Có một chút liên quan đến chất lượng của quyển sách. Nếu đó là một tác phẩm quá hay, thì tôi ghen tị ít đi và ngưỡng mộ nhiều lên. Nhưng nếu đó là một tác phẩm thường thường, thì tôi sẽ rất tức giận. Tôi giận bản thân mình đã không chịu viết và ghen tị vì người khác đã viết. 

Tôi ghen tị vì họ đang sống cách tôi muốn sống, viết chủ đề tôi muốn viết. 

Thế điều gì làm tôi chẳng chịu viết? 

Tôi sợ mình viết ra một quyển sách dở tệ. Rồi bạn đọc mua về sẽ có cảm giác bị lừa. Sợ viết khi chưa trải nghiệm đủ, nhỡ đâu gây “tác dụng phụ” cho người làm theo. Sợ bộc lộ bản thân quá nhiều trong trang viết. Người ta đọc sách mình, rồi sẽ nghĩ họ rất hiểu mình. Và đây là nỗi sợ lớn nhất: Nhỡ đâu khi viết sách, tôi nhận ra mình không hề đáp ứng được công việc này. Mình không thể đạt tới sự xuất sắc. Vậy là giấc mơ lớn nhất đời mình tan nát!

Tôi chắc bạn cũng vậy. Nỗi ghen tị khi chứng kiến người khác viết, là cảm giác phổ biến của những nhà-văn-chưa-chịu-viết.

Nếu bạn từng có suy nghĩ sẽ viết cho riêng mình một quyển sách. Nếu bạn tìm đọc những quyển sách nói về cách viết, hay về cuộc đời của một nhà văn nào đó. Nếu bạn thấy cồn cào khi đọc một quyển sách có chung ý tưởng với điều chính bạn đã ấp ủ trong lòng. Thì đó là vì bạn là một nhà văn chưa chịu viết. Một người hùng chưa chịu ra khỏi ngôi nhà thân yêu.

Sao bạn chưa chịu viết? Có phải vì chúng ta đặt cược quá nhiều trước khi bắt đầu? Ta cược những kỳ vọng về bản thân, ta nghĩ về những phần thưởng lẽ ra phải nhận được khi viết (hàng ngàn bạn đọc, sự nghiệp ra trò, nhuận bút dồi dào) và đâm ra lừng khừng không viết nữa khi nhận ra ta có thể “bị quịt” phần thưởng. 

Khi bạn thực sự muốn điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp sức để giúp đỡ bạn. Thế nếu vũ trụ bảo “ta cóc quan tâm”, chẳng có ai giúp cả, đi một bước là khó khăn vạn bước? Bạn sẽ làm gì? “Nếu bạn bỏ cuộc, bạn không thực sự muốn.” – Vũ trụ nói. 

Tôi đã làm gì để không còn sợ viết nữa? 

Tôi đã viết. Viết báo, viết sách, viết quảng cáo, viết mọi thứ – trong khi nỗi sợ vẫn kề bên. Bởi đó là cách duy nhất để hoàn thành thứ mình cần làm trong đời. Bạn đọc được nỗi sợ viết dở của tôi trong quyển sách này, thế nghĩa là tôi đã viết ra, dù có thể nó… dở thật. 

Dẫu có sợ, hãy cứ làm. Làm rồi mới bớt sợ. 

Nếu bạn đang tự hỏi “tôi viết dở như vậy thì có phù hợp / xứng đáng / đủ tiêu chuẩn để viết hay không?”. Câu trả lời là: Nếu bạn dám viết dở, bạn có thể viết. 

Khi nghĩ về việc mình có thể viết dở, thay vì để nỗi sợ bảo rằng “thôi bỏ đi”, bạn hãy nhớ đến điều tôi nói: chúng ta được quyền viết ra một quyển sách, dù nó dở ẹt. 

Thà viết dở, còn hơn bị ám ảnh bởi bóng ma của những quyển sách không được “chào đời”.

Thà viết dở, còn hơn bỏ dở việc viết.

Hãy cứ viết dở đi, vì đó là điểm khởi đầu của mọi người viết. Kể cả, những người viết vĩ đại đã tạo nên những tác phẩm vĩ đại. 

Viết dở rồi sẽ hay viết

Chúng ta đọc được một tác phẩm khi nó đã hoàn thiện. 

Trong “thời hoàng kim” viết lách của mình, tôi có thể hoàn thành mỗi ngày 1 bài viết 1500 từ. Tôi mất khoảng 3 tiếng để viết bản đầu tiên, và thêm 3 tiếng để chỉnh sửa ít nhất 2 lần. Sau khi được biên tập viên xem qua và yêu cầu điều chỉnh, tôi sẽ mất thêm khoảng 2 tiếng nữa để có phiên bản cuối, thường thì lúc này nó còn khoảng 1200 từ. Tôi sẽ cần khoảng 5 tiếng để tìm cảm hứng, nghiên cứu, đọc tài liệu cần thiết cho bài viết. Một số bài viết phức tạp cần đi phỏng vấn, trò chuyện với người khác thì mất thời gian hơn. Như vậy trung bình 1 bài viết sẽ tốn khoảng 13 giờ. Mỗi tuần tôi viết được 4 bài, trong đó có 1 bài không dùng được. Vậy là tôi lao động 52 giờ/tuần và kết quả là 3 bài viết, tương đương 6 trang báo.

Khi viết quyển sách “Người viết kiếm sống”, tôi cần 3 tháng chỉ tập trung vào nó, không làm gì khác, không nghĩ gì thêm. Cả khi không viết được, tôi cũng bắt mình nghĩ về nó hoặc làm những hoạt động liên quan trực tiếp đến việc viết ra quyển sách (đọc sách về cuộc đời mưu sinh của các tác giả, xem phim về các nhà văn, đi nói chuyện với những người làm nghề viết…). Viết xong, tôi xả hơi 1 tuần. Rồi lại dành thêm 3 tháng để viết quyển sách lại lần nữa. Kiểu như cấu trúc lại quyển sách, thêm vật liệu, thêm không gian, trút bỏ những chi tiết thừa, giấu đi những chi tiết đã được viết ra trong lúc tràn đầy cảm xúc nhưng không giúp gì lắm cho tổng thể. Tôi đã muốn vứt quyển sách đi nhiều lần, và mãi đến tận lúc chuyển đi in, tôi vẫn không kiềm chế được việc leo lên trang word mà cắt bớt câu này, thay thế chữ kia. Tới giờ với tôi, quyển sách ấy chỉ là một sự “xong việc”, tôi và nó tạm buông tha nhau để nó được ra đời. 

Quyển sách 72.000 từ ấy, tổng số lượng chữ tôi viết ra chắc cỡ 300.000. 

Thế nên khi đọc một tác phẩm hay, khi bạn thấy xúc động với những ý tưởng tuyệt vời từ quyển sách ấy, khi nhâm nhi một từ dùng quá tuyệt, khi bỗng chốc rung động với tác giả của công trình văn chương ấy, bạn hãy hiểu rằng nó hay đến vậy là vì nó đã được viết dở thật nhiều lần. 

Tôi nghĩ, số lượng bản nháp mà những nhà văn đã tạo ra khi hoàn thành các tác phẩm của họ, chắc đủ để tạo nên con đường đi đến mặt trời. 

Sao bạn, khi viết vừa được 5,6 dòng, đã vội chê bản thân mình vụng về câu chữ? Khi chỉ mới đánh vật được 2 tiếng bên trang giấy đã thấy mình chẳng có khiếu viết lách chút nào? 

Khi chưa viết dở đủ nhiều, đã vội tin rằng mình không thể viết hay? 

Ngày hôm nay, bạn hãy ngồi viết. Hãy háo hức viết ra những câu văn thật ngô nghê. Hãy vui sướng khám phá mình bất lực thế nào trước việc diễn tả đúng điều đang suy nghĩ. Hãy ăn mừng những trang giấy được vứt vào sọt rác. Đó là cách thể hiện sự tôn trọng với người viết bên trong bạn. 

Khi đọc một quyển sách tuyệt vời, tôi nghĩ về người đã lao động khổ sai để tạo nên quyển sách ấy, đã chấp nhận đối diện với sự bất lực ngôn từ, thất bại ý tưởng, nỗi sợ vỡ mộng, để hoàn thành quyển sách. Nhà văn thành công không phải thánh thần, họ là Sisyphus tìm được niềm vui trong công việc. 

Hoan hô viết dở

“Hãy viết 500 từ bất kỳ, để thấy nó trở thành tấm bản đồ kho báu, chỉ dẫn bạn tái khám phá những bí tích trong lòng.

Bạn đã hoàn thành chưa? 

Bạn chọn viết gì trong 500 từ ấy?

  • Nhật ký hôm nay?
  • Nhận xét về một quyển sách, bộ phim?
  • Bày tỏ quan điểm cá nhân về một chủ đề bạn đang quan tâm?
  • Bày tỏ suy nghĩ về bản thân, kiểu như “tôi là một người giao tiếp không khéo léo…” hoặc “tôi đang ở trong giai đoạn tìm kiếm sự thay đổi”. 
  • Một kỷ niệm.
  • Một kỷ niệm với ai đó. 
  • Hay bắt đầu bằng “tôi không biết viết gì” và viết về những hạn chế viết lách của mình? 

Đây là những điều phổ biến mà các học viên của tôi đã viết.

Bây giờ đến phần thú vị đây: Bạn sẽ được tận hưởng niềm vui khám phá qua 2 quá trình, thông qua sự quan sát `. 

Bạn đã trải qua những suy nghĩ nào từ lúc bắt đầu viết đến khi kết thúc? 

Những trở ngại bạn gặp phải

Những niềm vui bạn có khi viết 

Bạn đã đổi ý bao nhiêu lần cho chủ đề này, hay bạn hoàn toàn thích thú?

Bạn dừng lại bao nhiêu lần đến khi xong?

Bạn mất bao nhiêu thời gian để viết? Theo bạn, thời gian đó là dài hay ngắn?

Bạn có câu yêu thích nào trong đoạn văn không?

Bạn có muốn chia sẻ điều mình viết cho mọi người ngay lập tức không? 

Hạ Chi


Posted

in

by

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *