5 tiêu chí của một nội dung đắt giá

Dùng cảm giác chủ quan để đánh giá nội dung sẽ dẫn đến nhiều tranh cãi, “tới lui” mãi mà không đi tới đâu. Sẽ không bao giờ có sự đồng thuận 100% về chuyện cái gì hay và cái gì dở. Nhất là với người viết, khi đã hoàn thành xong một nội dung nào đó, thì với họ – đó đã là điều tốt nhất. Làm sao để biết mình đã làm tốt chưa, làm sao để cải thiện nội dung, làm sao để “bán” được nội dung của mình cho người khác? 

Giải pháp là hãy tìm một hệ thống chuẩn mực có căn cứ khách quan, dễ hiểu, dễ áp dụng và đo lường. Trong chương này, tôi sẽ đưa ra 5 tiêu chí cơ bản của một nội dung có giá trị. 5 tiêu chí này có 2 vai trò. 1 là giúp người viết tự định hướng, đánh giá và cải thiện sản phẩm viết của mình. 2 là giúp người tiếp nhận nội dung có căn cứ để thẩm định sản phẩm viết.

5 tiêu chí đó là:

  1. Biết mình viết gì 
  2. Cho ai đọc 
  3. Thông điệp là gì 
  4. Bố cục vững vàng 
  5. Sự trau chuốt cuối cùng 

Biết mình đang viết gì

bài trước, chúng ta đã nói về mục đích viết. Biết mục đích, là đã đi được bước đầu tiên vững vàng rồi. Bước tiếp theo chính là xác định về “hình dạng” của nội dung mà mình thể hiện. 

Nhiều người đặt câu hỏi thế này: “tôi muốn viết nhưng không biết viết gì cả”. Câu hỏi đó rất khó trả lời. Nhưng nếu tiến sâu thêm một bước: vậy bạn muốn viết đoạn văn, thơ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, bài báo, bài cảm nhận, kịch bản, PR, blog, post Facebook cá nhân, bài bán hàng, bán ý tưởng, giới thiệu bản thân, nói chuyện trước công chúng v.v… Câu trả lời sẽ cụ thể hơn.

Ví dụ: Tôi muốn viết truyện ngắn nhưng không biết cách. 

Câu trả lời sẽ là: Hãy tìm hiểu về cách viết truyện ngắn.

  1. Truyện ngắn là gì?

“Truyện ngắn chính là cách cưa lấy một khúc trong đời sống” (nhà văn Tô Hoài). Đó là một nghịch lý, một tính huống khác thường, một hoàn cảnh hiện sinh.

Truyện ngắn thường vào khoảng 1500 – 5000 từ. (Một số ngoại lệ là truyện 6 t như “Bán giày em bé. Chưa dùng.” (For sale: baby shoes, never worn – Hemingway). Là một thể loại văn học, kể chuyện súc tích và tập trung vào một tình huống hay chủ đề nhất định. Những thành phần cần có của truyện ngắn: 

  • Một cốt truyện (những cốt truyện cơ bản là đi tìm tình yêu, cứu vãn một sai lầm, hồi sinh, chiến đấu với điều gì đó v.v…)
  • Một nhân vật chính độc đáo. 
  • Nhân vật này có một xung đột.
  • Xung đột được diễn ra trong một bối cảnh phù hợp.
  • Đẩy tới một cao trào 
  • Đoạn kết bất ngờ, dẫn tới sự thay đổi của nhân vật. 

Ví dụ, truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn O. Henry có cốt truyện là “sự sống”. Nhân vật chính là một cô gái bị bệnh, cô tin rằng chiếc lá cuối cùng ngoài cửa sổ rơi xuống thì mình sẽ chết. Một người hoạ sĩ biết suy nghĩ của cô, trong một đêm mưa bão đã lén vẽ lên tường một chiếc lá. Chiếc lá trở thành hi vọng giúp cô khỏi bệnh, nhưng người hoạ sĩ già thì lại qua đời vì viêm phổi sau đêm hôm ấy. Chiếc lá là sự hi sinh của người hoạ sĩ, giúp “hồi sinh” cô gái. Nhưng chiếc lá đồng thời cũng là tác phẩm nghệ thuật để đời của người hoạ sĩ, vì nó cứu được mạng người. Theo góc nhìn này, người hoạ sĩ được “bất tử” cùng sáng tác của ông. 

Khi bắt đầu viết truyện ngắn, chúng ta thường mắc phải cách kể “không có truyện”. Nghĩa là trong đó không có tình huống nào thực sự xảy ra, không có chủ đề, không có ý tưởng. Có thể vài truyện đầu, chúng ta viết từ cảm xúc và tình huống thực tế bản thân nên dễ đọc, dễ hoàn thành. Nhưng sau đó, khi cạn vốn sống mà không biết phương pháp, ta sẽ bị loay hoay không biết bắt đầu từ đâu. 

Việc “biết mình viết gì” sẽ giúp đỡ rất nhiều, vì nó cho ta một định hướng tư duy đúng, cho ta các phương pháp và mô hình để tham khảo. Biết cách thức, làm theo cách thức, rồi một lúc sẽ quen tay và từ từ có thể bay nhảy câu chữ theo ý mình. 

Tiếp theo, ta sẽ đi đến phần “Biết mình viết cho ai”.

Cho ai

Dĩ nhiên ta biết mình viết cho ai. Ta viết cho người đọc!

Vậy người đọc của ta là ai? Có thể là toàn bộ nhân loại không? Có, nếu bạn định viết kinh thánh của một loại tôn giáo mới. “Cha giàu con nghèo” là kinh thánh của tôn giáo “làm giàu”. Đắc nhân tâm là kinh thánh của tôn giáo “muốn được xã hội công nhận”. Nhưng nếu bạn chưa nghĩ đến mức này, thì hãy xác định lại lần nữa về đối tượng đọc của mình. Đây là cách các nhà tiếp thị xác định đối tượng khách hàng của mình:

  • Về Demographics (nhân khẩu học): Tuổi, giới tính, trình độ học vấn, địa phương sinh sống, thu nhập, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân gia đình v.v…
  • Về Psycho-graphics (chân dung tâm lý): họ tin vào điều gì, cái gì là quan trọng nhất với họ, họ có sở thích nào, chịu ảnh hưởng bởi ai, nghe – xem – đọc gì.

Học Content marketing để hiểu về chân dung khách hàng

Thậm chí, chúng ta còn cần xác định xem độc giả sẽ tiếp nhận thông tin trong hoàn cảnh nào (lúc ngủ dậy, khi ăn trưa, tối trước khi đi ngủ hay dịp cuối tuần), trên nền tảng nào (điện thoại, destop, sách giấy, báo, sách nói…) và thói quen ra sao (đọc nhanh hay đọc chậm, đọc liền một mạch hay ngắt quãng…).

Việc biết mình viết cho ai sẽ giúp ta thiết lập được sự kết nối với người đọc. Sự kết nối đó chính là: trao cho họ th họ cần

Trong ngôn ngữ quảng cáo có khái niệm “insight” – sự thật tiềm ẩn (chứ không phải càng tìm càng ẩn nghen!). Có tác giả gọi đó là “tử huyệt cảm xúc”. Hay như anh “Đốc Tờ Ti” rất nổi tiếng trong ngành quảng cáo nói “Khách hàng là con mồi, idea là viên đạn”. Người thợ săn quan sát con mồi để thấy được tim đen của nó rồi “một phát hạ gục” (hãy nghĩ đạn này là đạn của Eros, bắn trúng thì yêu chứ không chết đâu mà sợ). Tim đen đó chính là insight. 

Chính bạn khi đọc cũng có khi bật cười, có khi thấy nhoi nhói, có khi thay đổi hoàn toàn tư duy… đó là vì người viết đã chạm được đến cái huyệt nào đó của bạn đấy! Ngay như quyển sách này, vốn không kể chuyện gì hay cả, nhưng bạn vẫn đọc là vì bạn biết rằng nó sẽ hữu ích đâu đó cho chuyện viết. Đúng không?

Một nội dung đắt giá là nội dung xác  định được đối tượng đọc, đơn giản vì người đọc sẽ “mua” được cái gì đó từ nội dung. Khi họ thấy hữu ích, nội dung đó có giá. 

Nhưng, quan tâm quá nhiều như vậy để làm gì? Chẳng phải viết là quá trình riêng tư của mỗi người viết sao? 

Thực ra, viết là chuyện của chung. 

Người viết hoàn thành sản phẩm của mình thì chỉ… hoàn thành một nửa. Nửa còn lại phải trao vào tay người đọc. Nếu họ thấy hay thì tác phẩm tốt, họ thấy dở thì tác phẩm tồi. Tác giả khi đó không thể xuất hiện để thanh minh, giải thích cho đứa con của mình được nữa. Vậy nên khi “đứa con” còn trong tay mình, ta hãy cố gắng hết sức có thể để thiết kế nó sao cho người đọc dễ tiếp thu nhất. 

Nếu bạn không làm quảng cáo và thấy rằng những khái niệm như insight, demographics quá ư là phức tạp? Vậy thì chỉ cần nhắm mắt lại và hình dung về “người đọc lý tưởng” duy nhất của bạn. Bạn sẽ kể gì để họ ngồi lại và lắng nghe? 

Bài tập:

  • Chọn 1 quyển sách 
  • Viết ra 3 đối tượng chính mà quyển sách hướng đến 
  • Tìm những dẫn chứng trong sách, thể hiện rằng tác giả đang nói với đúng đối tượng của mình (hoặc sai).

Thông điệp

“Khi không biết nói gì thì nên im lặng” – khuyết danh (hoặc do chính tác giả viết nhưng ghi vậy để tăng uy tín). 

– Cậu có biết bí mật của cuộc sống này là gì không?

– Không, gì thế? 

– Đây – anh ta giơ ngón trỏ lên

– Ngón tay anh?

– Không. Điều quan trọng nhất. Chỉ điều quan trọng nhất. Cậu dốc toàn lực vào nó và mọi thứ khác chẳng là cái quái gì hết.

– Thật tuyệt! thế nhưng “điều quan trọng nhất” là cái gì mi được ch?

– Đó là điều cậu phải tự tìm ra, anh bạn của tôi ạ!

Đây là một trích đoạn trong phim City Slickers. Lý do tôi sử dụng đoạn trích này là vì nó có 2 yếu tố quan trọng. 

Thứ nhất: Nó có thông điệp. Chính thông điệp trong đoạn đối thoại nhỏ này đã góp phần khiến bộ phim trở nên ấn tượng (và được dùng làm ví dụ sau gần 30 năm công chiếu. Nhân tiện thì đây là phim debut của  Jake Gyllenhaal). 

Yếu tố thứ hai, thông điệp “bạn chỉ có thể tập trung vào một điều quan trọng duy nhất” cũng đồng thời tiết lộ rằng ta không nên “tham lam” khi viết. Bởi đến cuối cùng, người đọc sẽ chỉ nhớ được một chút gì đó, một mảnh bé nhỏ trong tất cả những thứ ta gởi gắm.

Thông điệp – là điều mà ta muốn gởi đến người đọc, là thứ ẩn sau toàn bộ những công trình ngôn ngữ ta tạo nên. Dĩ nhiên, khi viết ra thì ta đã có mục đích rồi. Viết thư tình, thông điệp là “em ơi hãy yêu anh như anh yêu em”. Quyển sách này có thông điệp là “viết không khó, có phương pháp là làm được hết”. Thậm chí nhắn tin “Anh ăn cơm chưa?” thì cũng có thông điệp. Thông điệp ấy là “em đang quan tâm anh”, hoặc “anh rủ em đi ăn đi”. 

Khi bạn viết cho công ty, công ty sẽ luôn có thông điệp muốn gởi đến khách hàng. Qua câu chuyện thương hiệu là thông điệp “hãy yêu chúng tôi”. Qua thể hiện quan điểm về bình đẳng giới là thông điệp “nếu bạn ủng hộ giá trị này, hãy ủng hộ chúng tôi”. Qua những thông tin về sản phẩm là thông điệp “chúng tôi khác biệt và tốt đẹp, hãy mua chúng tôi”. Với các tổ chức, thông điệp có thể là về bảo vệ môi trường, làm việc theo pháp luật, bảo vệ trẻ em…

Vấn đề là, người đọc có hiểu (và thích, nhớ) thông điệp mình muốn gởi không.

Bạn hãy tưởng tượng những lần buông một bài viết xuống và thốt lên “rốt cuộc tác giả muốn gì”, hay khi ngồi nghe một ai đó nói tràng giang đại hải đến mệt mỏi và phải ngắt ngang “tóm lại, anh muốn nói cái gì?”. Đó là vì thông điệp không rõ ràng, không thuyết phục, không đúng đối tượng tiếp thu, hoặc quá dài dòng nên người tiếp thu bị lạc lối.

Tóm lại, hãy viết có thông điệp và làm thông điệp đó được tiếp thu hiệu quả bằng cách:

  1. Xác định mục đích và chọn một thông điệp phù hợp với mục đích đó. Ví dụ bạn muốn mọi người tập thể thao, thì thông điệp nhắm đến nhóm doanh nhân có thể là “thể thao là thói quen của người thành công”. Nhắm đến giới trẻ là “thể thao = lifestyle”. Nhắm đến bà nội trợ là “mẹ tốt sẽ giúp cả nhà tập thể thao”.
  2. Làm thông điệp đó trở nên ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, ấn tượng, thuyết phục. Phần số 2 dĩ nhiên là khó. Những thông điệp tôi vừa liệt kê ở trên như “thể thao tốt cho sức khoẻ” là điều ai cũng biết. Và vì vậy nó không ấn tượng nữa. Người viết cần gọt giũa nó, và chính thành phẩm cuối sẽ nói lên năng lực của người viết. 

Một số cách để thông điệp trở nên ấn tượng:

1/ Gây chú ý bằng cách chơi chữ, sử dụng những con số. Ví dụ: 9/10 bà nội tr nghĩ ngày Tết thì vất vả hơn ngày thường. 1/10 còn lại s dụng dịch vụ nấu ăn ngày Tết của chúng tôi. 

2/ Gây bất ngờ với cách đảo ngược lối tư duy cũ. Ví dụ: Dirt is good. 

3/ Tìm sự đồng cảm. Ví dụ: Chúng ta đều tng vì tình yêu mà tổn thương. 

4/ Độc đáo. Hãy tìm một thông điệp “không giống ai” hay ít nhất là nói nó theo cách chưa ai nói. Ví dụ: Think different (Apple) 

Nhưng nói thật thì, chẳng có phương pháp nào hiệu quả bằng chuyện luyện tập nhiều. Thế nên từ giờ, khi viết ra cái gì đó, bạn hãy dành thêm thời gian để nghĩ về thông điệp và trau chuốt thông điệp ấy thật hay nhé!

Bố cục

Đố bạn, điểm chung của công trình La Mã, vỏ ốc, bức hoạ Mona Lisa và người có gương mặt đẹp nhất thế giới là gì?

Yeah! Đó là “tỷ lệ vàng” (golden ratio). Tỷ lệ vàng là một tỷ lệ toán học, có giá trị xấp xỉ 1.618. Nó xuất hiện như một quy luật cấu tạo tự nhiên, có thể nhìn thấy trong những vòng xoắn của vỏ ốc hay bố trí một bông hoa… Tự nhiên là cái đẹp, thế nên tỷ lệ vàng là đại diện cho tính cân đối tự nhiên của tạo hoá – một thẩm mỹ hoàn vũ. Nhiều hoạ sĩ, kiến trúc sư đã áp dụng tỷ lệ này vào các bảng vẽ, công trình và tạo nên những biểu tượng trường tồn. 

Tỷ lệ vàng tiết lộ rằng chúng ta yêu thích sự cân đối, hài hoà tự nhiên. Ta thích cái gì có bố cục rõ ràng (đừng nhầm lẫn là chỉ có mỗi kiểu bố cục hài hoà, song song hay tương phản. Ví dụ, tranh trừu tượng cũng có kiểu bố cục và màu sắc thoạt tưởng như không có quy luật, nhưng thật ra… là có). Ngược lại, ta không thoải mái với những gì rối rắm, lệch lạc. Ta ghét cái vụng về – nhất là sự vụng về của tạo hoá khi tạo nên vẻ ngoài của một người. Khi muốn tạo ra định nghĩa của “xấu”, ta chỉ cần tạo ra cái gì trái với bố cục hài hoà. Chẳng hạn như thằng Gù Quasimodo trong Nhà Thờ Đức Bà. 

Nhưng, không chỉ những sản phẩm vật lý mới cần đến một bố cục hài hoà. Âm nhạc cũng cần. Bạn không thể nghe một bài nhạc chỉ đều đều một điệu hay có đoạn kết bài lại tưng bừng như điệp khúc. Văn chương cũng vậy. Văn chương mà không có bố cục, thì… khác gì cái ống nước, trượt từ đầu này tới đầu kia mà không còn chút gì giữ lại. Tệ hơn, bố cục loạn xạ thì khác gì gặp một anh siêu mẫu mà phần đầu lại rớt xuống lưng còn chân thì mọc từ đầu? Bi kịch! 

Vậy bố cục viết là gì?

Nói cho dễ luôn: là cách bạn thiết kế nội dung sao cho thể hiện được ý đồ.

Có những dạng bố cục cơ bản như:

  • Mở bài – thân bài – kết luận. 
  • Rắc rối – Nguyên nhân – Giải pháp. 
  • Câu chuyện cá nhân – sự thay đổi – kêu gọi người đọc cùng hành động
  • Thất bại – hành động – thành công 
  • Câu hỏi – Giải đáp 

Khi viết bài PR, có thể bạn sẽ dùng công thức AIDA (Gây chú ý – khơi gợi hứng thú – tạo thèm khát – thôi thúc hành động). Hoặc, đưa ra luận cứ và dùng lập luận 1, 2, 3 để khẳng định luận cứ. Hoặc, chọn một nỗi đau nào đó và giải quyết nó bằng 5 bí kíp độc đáo, trong số đó có những bí kíp liên quan trực tiếp đến nhãn hàng. 

Bố cục đơn giản vậy thôi. Như cái cây có rễ để lấy dinh dưỡng, thân cây đưa dưỡng chất đi khắp nơi, lá để quang hợp và hoa quả để tạo nên kế thừa – bố cục của một bài viết là thứ giữ cho bài viết đó tồn tại theo quy luật tự nhiên và đảm bảo đúng chức năng của nó. Một bố cục tốt cũng như tỷ lệ vàng, sẽ tạo nên sự dễ chịu, thích thú cho người đọc. Và để viết có bố cục thì cực kỳ đơn giản. Chỉ cần trước khi bắt tay vào viết, bạn hãy gõ ra trước cấu tạo của bài và điều chỉnh đến khi tự thấy hài hoà.

Một mẹo viết lách rất cơ bản: Chia theo số lượng chữ với tỷ lệ 1/7/1/1. Chẳng hạn trong bài viết 1000 từ, hãy đặt vấn đề khoảng 100 từ. Thân bài sẽ khoảng 700 từ gồm 3 ý chính. Kết bài sẽ vào khoảng 100 từ và 100 từ còn lại cho tips hay thông tin bổ sung. Ngoài ra thì, cái gì quan trọng cần nhấn mạnh hãy dành cho nó nhiều đất hơn những thứ khác. Thậm chí, chọn nó làm trung tâm, còn những chi tiết khác chỉ là dệt gấm thêu hoa. 

Khi làm nội dung trên social, “bố cục” sẽ bao gồm cả hình và chữ. Ở mức thấp nhất, hình và chữ phải minh hoạ cho nhau. Ở mức cao hơn – hình và chữ hoà quyện không thể tách rời, bởi chữ là ý của hình – hình vô nghĩa khi không có chữ. 

Một tiểu thuyết hay sẽ có bố cục vô cùng tinh vi. Đó là bố cục của diễn biến, bố cục của tâm lý nhân vật, bố cục suy tưởng của người đọc… Không xây được kiến trúc văn chương thì không viết được tiểu thuyết, hoặc viết được loại tiểu thuyết diễn xuôi tường thuật… 

Vậy tóm lại là…

Hãy viết nháp cấu trúc và điều chỉnh trước khi viết bài.

Và luôn tìm cấu trúc trong những gì mình đọc.

Chỉ có vậy thôi… 

(Theo bạn thì phần nội dung này có bố cục không?)

Trau chuốt

Có người nói, để biết mối quan hệ giữa một chàng trai và một cô gái, chỉ cần nhìn vào một chi tiết: Cô có gội đầu trước khi đi gặp anh chàng đó hay không. Tôi không chắc lắm về điều này (vì tôi thường gội đầu chỉ vì cái cảm giác đầu dơ đồng nghĩa với trí thông minh sụt giảm). Nhưng tôi chắc rằng, có thể đánh giá sự tôn trọng của người viết với độc giả của mình thông qua chuyện người viết đó có dành chút thời gian trau chuốt tác phẩm của mình trước khi trình làng nó hay không.

Dĩ nhiên, con người thì không hoàn hảo, vậy nên những gì chúng ta tạo ra sẽ luôn có sai sót, và cách duy nhất để không sai là không làm gì cả. Nhưng ta có thể giữa sự tôn trọng tối thiểu với công việc viết lách của mình bằng cách đúng những gì có thể đúng, làm tốt hơn những gì có thể làm tốt. 

Lý tưởng nhất là đừng gởi đi cái gì mà bạn không có thời gian dò lại ít nhất 1 lần. 

– Hãy xem còn lỗi chính tả, lỗi trình bày, lỗi thông tin ở đâu đó không.

– Viết gọn gàng lại những câu còn dài dòng, hay thêm da thịt vào những chỗ còn hời hợt, chọn lọc xem còn ví dụ nào tốt hơn không…

– Bổ sung nguồn vào các trích dẫn, dẫn link, thêm hình ảnh minh hoạ đẹp.

– Trình bày văn bản gọn gàng. 

– Xem các tựa đề xem vậy đã thu hút, “đắt” giá chưa. 

– Nếu gởi kèm hình ảnh thì đặt tên hình ảnh đàng hoàng, đóng gói thành 1 file hay để lên online, mở link truy cập. 

– Đi ngủ, rồi mai xem lại toàn bộ lần nữa. Giấc ngủ sẽ giúp ta quên bớt những gì đã viết, nhờ vậy tránh được hội chứng “tự che mờ mắt” trước các lỗi chính tả mà mình viết ra. 

Ít nhất là vậy, như ra đường thì cài cúc áo. 

Học Viết Tốt Hơn


Posted

in

,

by

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *